1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc lộ dã tâm quân sự ở biển Đông

Malaysia và các thành viên ASEAN khác không công nhận tuyên bố chủ quyền dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 16-6 cho biết nước này sẽ sớm hoàn tất các dự án cải tạo đất ở biển Đông, vốn đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ.

Ý đồ độc chiếm tài nguyên

Tuyên bố đăng trên website Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định hoạt động cải tạo đất trên một số đảo và bãi đá ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) sẽ “được hoàn tất trong những ngày tới như kế hoạch”.

Trong bước đi phơi bày dã tâm quân sự ở biển Đông, bộ này cho biết Trung Quốc sau đó “sẽ chuyển sang xây dựng những cơ sở trên đảo để phục vụ mục đích quân sự và dân sự” - một động thái chắc chắn khiến căng thẳng leo thang ở khu vực.

 

Trung Quốc lộ dã tâm quân sự ở biển Đông

Người dân Philippines tuần hành phản đối tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc cuối tuần qua

Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh không ngần ngại công khai ý đồ độc chiếm tài nguyên khi ông Triệu Chí Minh, cố vấn trưởng của Hiệp hội Dầu khí và Công nghệ hóa dầu Trung Quốc, hôm 15-6 nói các siêu giàn khoan nước sâu mới sẽ được xây dựng trên nền tảng Hải Dương 981 để khai thác khí đốt tại biển Đông trong giai đoạn 2012-2020.

Giới chức Mỹ cho biết chương trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng trong những tháng gần đây với mục tiêu biến các bãi đá ngầm thành nơi đặt căn cứ để phục vụ mục đích quân sự.

Viết trên báo The Washington Times mới đây, Đô đốc Mỹ về hưu James A.Lyons và chuyên gia Richard Fisher thuộc Trung tâm Đánh giá và Chiến lược quốc tế (Mỹ) dự báo vào đầu năm 2016, Trung Quốc có thể triển khai 30 chiến đấu cơ và một đội tàu chiến đến căn cứ được xây dựng phi pháp trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Một lực lượng có quy mô tương tự cũng sẽ được triển khai tại Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi.

Lo ngại kịch bản xấu này xảy ra, chính quyền Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc những biện pháp phản đối, trong đó có triển khai tàu, máy bay đến vùng biển xung quanh các đảo nhân tạo để phát tín hiệu rằng Bắc Kinh không thể phong tỏa vùng biển quốc tế.

Bỏ ngoài tai mọi chỉ trích, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 16-6 tiếp tục những lời lẽ dối trá rằng chuyện xây đảo nhân tạo là “hợp pháp, không nhằm vào quốc gia nào và không cản trở tự do đi lại trên biển, trên không ở biển Đông”.

Để trấn an dư luận, người phát ngôn bộ này - Lục Khảng - ngụy biện rằng ngoài mục đích quân sự, những cơ sở nêu trên còn hỗ trợ hoạt động “phi chiến đấu và dân sự”, như nghiên cứu hàng hải, cứu hộ, cứu trợ thảm họa, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường.

Xoa dịu căng thẳng với Mỹ

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đang chờ xác nhận chính thức của Bắc Kinh trước khi đưa ra phản ứng.

Trong khi đó, GS Carl Thayer, chuyên gia an ninh của Học viện Quốc phòng Úc, nhận định với báo Financial Review (Úc) rằng Trung Quốc “đã đạt được hầu hết những gì họ muốn” và có ý giảm dần hoạt động cải tạo đất trái phép để xoa dịu căng thẳng với Mỹ trước chuyến thăm Washington vào tháng 9 tới của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, không vì thế mà vấn đề biển Đông trở nên bớt nóng tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung dự kiến diễn ra tại Washington ngày 23 và 24-6. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew, còn phía Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương.

Tuyên bố ngang ngược nêu trên của Bắc Kinh được đưa ra không lâu trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trụ sở ở The Hague - Hà Lan dự kiến tổ chức phiên điều trần vào ngày 7-7 tới để xem xét khiếu nại của Philippines đối với những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ trước động thái này của Manila, đồng thời khẳng định không chấp nhận hoặc tham gia tiến trình phân xử.

Không chỉ Philippines mà Malaysia cũng đang có những tuyên bố cứng rắn. Theo hãng tin Bernama, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Hamzah Zainuddin hôm 15-6 khẳng định nước này và các thành viên ASEAN khác không công nhận tuyên bố chủ quyền dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở biển Đông vì nó đi ngược lại luật pháp quốc tế. Vào tuần rồi, giới chức Malaysia cũng cho biết sẽ phản đối mạnh mẽ việc tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Malaysia ở phía Bắc đảo Borneo.

Trong một diễn biến liên quan, chiều 14-6 tại quảng trường Alexanderplatz ở thủ đô Berlin - Đức, hơn 3.000 người Việt Nam đã tổ chức cuộc biểu tình lớn phản đối các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa. Trước đó, vào cuối tuần rồi, hàng trăm người Philippines cũng tập trung phản đối bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Makati.

Không "tha" Senkaku/Điếu Ngư
 
Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng một căn cứ ven biển quy mô lớn ở TP Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang nhằm tăng cường giám sát vùng biển quanh quần đảo Sensaku/Điếu Ngư thuộc sự kiểm soát của Nhật Bản.
 
Kế hoạch trên được đưa ra trong cuộc họp của chính quyền Ôn Châu và lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc. Theo thông tin trên trang web của chính quyền tỉnh Chiết Giang hồi đầu tháng này, căn cứ sẽ có diện tích khoảng 500.000 m2 cùng cầu tàu dài 1.200 m, có khả năng chứa đến 6 tàu.
 
Ngoài ra, nơi chứa máy bay và một trung tâm huấn luyện cũng sẽ được xây dựng tại đây. Ngoài giám sát, căn cứ còn phục vụ hoạt động bảo trì và sửa chữa tàu thuyền, huấn luyện thuyền viên.
 
Tổng chi phí xây dựng căn cứ ước tính hơn 537 triệu USD, do chính quyền trung ương chi trả. 
 
 X.Mai
 
Theo Hoàng Phương
Người Lao động