1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc lại "tung hỏa mù" về các đảo cải tạo trái phép ở Biển Đông

(Dân trí) - Trước thềm cuộc đối thoại Mỹ - Trung, Bắc Kinh lại giảo biện rằng các công trình mà nước này đang xây dựng trái phép trên các đảo bồi đắp ở Biển Đông là “các cơ sở khí tượng nhằm cải thiện khả năng dự báo thời tiết".

Bắc Kinh nói các công trình trên Biển Đông phục vụ công tác nghiên cứu khí tượng. (Ảnh:

Bắc Kinh nói các công trình trên Biển Đông phục vụ công tác nghiên cứu khí tượng. (Ảnh: EPA)

Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian ngày 22/6 phát biểu tại Hà Nội rằng Washington hết sức lo ngại trước các hoạt động của Trung Quốc.
 
Bà cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hối thúc Trung Quốc ngừng mọi hoạt động thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông, trong các cuộc đối thoại song phương, đa phương và từ cấp thấp cho đến cấp cao.
SCMP
dẫn lời biện bạch trên của hai chuyên gia khí tượng hàng đầu Trung Quốc ngay trước thềm Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung diễn ra vào ngày 23/6, nơi Biển Đông được dự đoán sẽ trở thành nội dung chính. 

Trong các cuộc phỏng vấn khác nhau với Nhân dân nhật báo, chuyên gia Ding Yihui của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và Zheng Guoguang, người đứng đầu Cơ quan Khí tượng quốc gia Trung Quốc, đều cho rằng Bắc Kinh cần các cơ sở khí tượng tại các vùng biển tranh chấp.

Ông Ding và ông Zheng cho biết các cơ sở này là cần thiết nhằm cải thiện công tác dự báo của Trung Quốc và sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho khu vực đang phải “chịu đựng  thiên tai và những hiện tượng khí hậu tiêu cực do biển gây ra”.

“Việc xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ quan sát và thông tin này là bước đầu tiên nhằm cải thiện và tăng cường công tác giám sát cũng như cảnh báo, dự báo khí tượng đại dương, hoặc nghiên cứu khoa học”.

SCMP dẫn lời ông Zheng bao biện rằng việc dự báo thời tiết tốt hơn chính là một trách nhiệm của Trung Quốc với khu vực, giúp các nước trong vùng đối phó với thiên tai như bão lớn, đồng thời giúp tăng độ an toàn cho các thuyền đánh cá và các phương tiện hàng hải khác (?)

Hồi năm ngoái, các nước trong khu vực đã rất lo ngại khi Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động bồi đắp tại một số bãi đá gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Washington cũng đã nhiều lần hối thúc Bắc Kinh dừng hoạt động này. 

Chiến lược "muôn mặt" và kế hoạch mở rộng "vết chân" của Bắc Kinh trên Biển Đông

Trung Quốc đang muốn mở rộng vết chân trên Biển Đông. (Ảnh:

Trung Quốc đang muốn mở rộng "vết chân" trên Biển Đông. (Ảnh: Rappler)

SCMP dẫn lời chuyên gia Benjamin Herscovit từ Viện nghiên cứu độc lập tại Sydney, Úc đánh giá tham vọng khí tượng của Trung Quốc chỉ là một phần trong "chiến lược muôn mặt” của nước này khi tiến hành các hoạt động nhằm củng cố yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông. 

Ông Herscovit nhận định Bắc Kinh không chỉ vận dụng các chiến lược “trống giong, cờ mở”  gây nhiều rủi ro như cải tạo đất, xây đường băng, đẩy tình hình Biển Đông tới “bên miệng vực chiến tranh”,  mà chắc sẽ còn tìm cách tăng cường các yêu sách lãnh thổ thông qua mở rộng sự hiện diện dân sự tại các vùng biển tranh chấp.

“Thông qua việc thiết lập các cơ sở… vết chân của chính quyền Trung Quốc sẽ lớn dần trên Biển Đông và sẽ tạo ra một thực tế mặc định rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh sẽ có tính thuyết phục hơn”, chuyên gia Herscovit nhận định.

Bài phỏng vấn chuyên gia khí tượng của tờ Nhân dân Nhật báo được đăng chỉ hai ngày trước Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung tại Washington, dự kiến được tổ chức vào hôm nay 23/6 (giờ địa phương).

Chuyên gia Herscovitch cho rằng các cuộc đối thoại sắp tới sẽ cho thấy sự phản đối quyết liệt của Mỹ đối với các bước tiến hung hăng trên Biển Đông của Trung Quốc. 

Ông Herscovit cho rằng Bắc Kinh nhìn nhận việc giành quyền kiểm soát vùng Biển Đông như một “lợi ích quốc gia cốt lõi” và việc quân đội Bắc Kinh đang phát triển mạnh hơn các nước láng giềng ASEAN tạo đà cho Trung Quốc “lấn tới” trên Biển Đông. 
 
Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền với gần như với toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines. 

Bắc Kinh đang đẩy nhanh hoạt động cải tạo đất trên 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa. Mỹ ước tính diện tích cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông đã lên tới hơn 800 ha.

Bắc Kinh từng tuyên bố sẽ sử dụng các đảo nhân tạo mà nước này đang xây dựng trái phép trên Biển Đông để “phòng vệ quân sự và cung cấp dịch vụ dân sự có lợi cho các nước xung quanh”. Gần đây, Trung Quốc còn đưa 2 cỗ pháo tự hành lên một khu vực cải tạo đất, động thái ngay lập tức vấp phải chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

 Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước tuyên bố Bắc Kinh sắp hoàn thành dự án cải tạo các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sẽ chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích dân sự và quân sự tại đây.

Thoa Phạm 
Theo SCMP, People's Daily