Trung Quốc huy động 172.000 tàu dân sự phục vụ hải quân trong "thời chiến"
(Dân trí) - Tàu dân sự Trung Quốc sẽ phải đảm bảo tham gia phục vụ Hải quân nước này trong tác chiến chiến thuật khi có chiến tranh, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chiến lược với các “mục tiêu xa bờ”.
Đội tàu cá Trung Quốc tiến ra biển Hoa Đông, khu vực đang có tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư với Nhật Bản. (Ảnh: The Diplomat)
Báo Diplomat của Nhật cho biết Trung Quốc đã thông qua kế hoạch bắt buộc tàu thuyền dân sự nước này hỗ trợ các hoạt động quân sự của Hải quân trong trường hợp nổ ra xung đột.
Việc huy động các tàu biển dân sự cho mục đích quân sự không phải là hiếm gặp trong lịch sử quan hệ quốc tế. Việc huy động nguồn lực dân sự phục vụ cho mục đích quân sự lại càng không xa lạ trong tác chiến chiến thuật của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Tuy nhiên, tuyên bố này của Bắc Kinh là một dấu hiệu nữa cho thấy tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc nhằm phát triển năng lực chiến đấu cho lực lượng hải quân.
Theo trang tin của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Văn phòng dự bị động viên cho vận tải quốc gia trực thuộc Bộ Quốc phòng, gần đây đã tổ chức khóa huấn luyện cho các doanh nghiệp đóng tàu dân sự để họ làm quen với tài liệu hướng dẫn mới là bộ Tiêu chuẩn kỹ thuật, sao cho các tàu dân sự đóng mới có thể đáp ứng đòi hỏi về quốc phòng.
Bộ Tiêu chuẩn kỹ thuật này do Cơ quan Vận tải biển quốc phòng thuộc Bộ Chỉ huy PLA ở Nam Kinh (MAC) và Viện Tiêu chuẩn Thượng Hải (CCS) phối hợp nghiên cứu và biên soạn. Bộ Tiêu chuẩn này đã được Bắc Kinh phê duyệt từ tháng 3/2015 và vừa được ban hành đầu tháng 6/2015.
Tiêu chuẩn kỹ thuật mới sẽ được áp dụng với 5 loại tàu dân sự là tàu chở hàng container, tàu chở hàng có khoang chứa, tàu đa năng, tàu chở hàng cỡ lớn và tàu chở hàng nói chung. Tài liệu hướng dẫn cho tất cả các loại tàu này đều chỉ rõ mục đích chính của tài liệu là tăng cường năng lực chiến đấu cho Hải quân Trung Quốc (PLAN).
“Việc áp dụng các tiêu chuẩn quân sự cho các tàu dân sự giúp Trung Quốc có thể nhanh chóng chuyển năng lực tiềm tàng của độị tàu dân sự thành sức mạnh quân sự phục vụ cho mục đích quốc phòng. Như vậy, việc này sẽ tăng cường đáng kể năng lực tác chiến chiến lược và hỗ trợ vận tải biển của PLAN”, trang tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc viết.
Động thái này là bước đi phù hợp với các tuyên bố trong Sách trắng quốc phòng mới đây của Bắc Kinh, theo đó khát vọng của Trung Quốc là phát triển hải quân “đại dương” và tăng cường sự hiện diện hải quân của nước này bên ngoài lãnh hải Trung Quốc. Như vậy. mục tiêu chiến lược của PLAN không chỉ là phòng thủ mà còn đi xa hơn nhiều.
Một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Vấn đề quân sự PLAN nêu rõ: “Phù hợp với yêu cầu chiến lược về phòng thủ bờ biển và bảo vệ xa bờ, PLAN sẽ chuyển dần trọng tâm từ “phòng thủ bờ biển” sang kết hợp “phòng thủ bờ biển” với “bảo vệ xa bờ” và xây dựng cơ cấu lực lượng hải quân kết hợp, đa nhiệm và hiệu quả. PLAN sẽ tăng cường năng lực ngăn chặn và phản công chiến lược, tập trận hàng hải, hoạt động phối hợp trên biển, phòng thủ và hỗ trợ toàn diện.”
Chuyên gia này bổ sung: “Chiến tranh hiện đại trên biển đòi hỏi phải động viên và triển khải một số lượng lớn tàu thuyền trong khi việc đóng hàng loạt tàu chiến trong thời bình là không có tính kinh tế. Do đó, cần phổ biến yêu cầu các xưởng đóng tàu phải duy trì một số cấu trúc phù hợp với nhiệm vụ quân sự trên các tàu dân sự mà họ đóng và nhờ đó có thể phục vụ hải quân khi có chiến tranh.”
Hoài My
Theo The Diplomat