1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc: Giai đoạn 2 chống tham nhũng sẽ khốc liệt hơn

(Dân trí) - Báo Diplomat có trụ sở ở Nhật Bản cho rằng giai đoạn 2 chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình sẽ bắt đầu bằng việc cho ra các thể chế pháp lý để hỗ trợ chiều sâu.

Chiến dịch đả hổ diệt ruồi của ông 

Chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của ông Tập Cận Bình (phải) đã loại bổ được 1 trong những “hổ” lớn là Chu Vĩnh Khang (trái) - (Ảnh: Chinanews)

Giai đoạn 1: Trừ diệt “hổ” lớn

Theo Diplomat, trong khi người dân Trung Quốc mải miết với cuộc sống thường nhật thì trên chính trường nước này đã có một cuộc cải cách lặng lẽ nhưng rất quan trọng liên quan đến công cuộc chống tham nhũng. Đó cũng là điểm được nhấn mạnh tại phiên họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) diễn ra ngày 26/6/2015. Tại phiên họp này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ tầm quan trọng của việc đề ra các chế tài và quy định cho chiến dịch chống tham nhũng.

Ông Tập cho rằng, mặc dù Bắc Kinh đã có những thành tựu lớn trong chiến dịch chống tham nhũng kể từ sau Đại hội 18 của CCP, nhưng tệ  nạn tham nhũng nói chung vẫn rất nghiêm trọng. Tập Cận Bình cũng khẳng định chiến dịch chống tham nhũng sẽ không dừng lại bất chấp có một số ý kiến hoài nghi về kết quả của nó. Theo ông Tập, điều quan trọng nhất hiện nay là xây dựng một thể chế bao gồm cả các luật và quy định liên quan. Ông Tập cũng nhấn mạnh rằng CCP không cho phép những điều xấu nhỏ nhặt lan tỏa theo cách thức vẫn được gọi là “đập vỡ cửa sổ.”

Qua phiên họp này của Bộ Chính trị CCP, thông điệp nổi lên càng rõ ràng hơn: giai đoạn đầu của chiến dịch chống tham nhũng đã kết thúc và các “hổ” lớn như Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu đã bị bắt. Đó là một thành tựu lớn. Giờ đây, nhiều giới chức Trung Quốc e ngại không dám tham nhũng nữa và "sợ vỡ mật" khi nghe nhắc đến cái tên Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban Kiểm tra và kỷ luật Trung ương (CCDI). Trong giới lãnh đạo Trung Quốc thậm chí còn lan truyền câu nói: "Thà đối diện với quỷ còn hơn là gặp Vương." Thực ra, tiếng tăm của ông Vương theo đánh giá của giới phân tích, cũng chỉ là bề nổi thành công của chiến dịch chống tham nhũng. Hiện cả hai ông Tập và Vương đều rất được tín nhiệm ở Trung Quốc.

Giai đoạn 2: Ngăn chặn từ lúc manh nha

Tuy nhiên, đúng như ông Tập và ông Vương thường nhấn mạnh, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn 2 của chiến dịch chống tham nhũng và có thể còn khốc liệt hơn. Chìa khóa thành công của giai đoạn này là phải xây dựng được một thể chế ngăn chặn nạn tham nhũng xảy ra ngay cả khi quan chức biến chất mới có mong muốn tham nhũng. Đây là biện pháp làm cho quan chức biến chất sẽ “không có khả năng dính dáng đến tham nhũng.”

Diplomat cho rằng có nhiều điều liên quan đến vấn đề này mà  2 ôngTập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn và các đồng nghiệp của họ còn phải làm, từ việc xây dựng một thể chế hiệu quả đến thực hiện nó một cách mạnh mẽ.
 
Các thể chế này của ông Tập và ông Vương còn phải có tính sáng tạo hơn nữa. Lấy ví dụ như CCDI đã phát động phong trào động viên người dân Trung Quốc thực hiện chiến dịch “chụp ảnh tại chỗ tệ tham nhũng”, có nghĩa là người dân thường Trung Quốc có thể dùng các thiết bị của mình, kể cả điện thoại di động để chụp lại cảnh quan chức dính dáng đến các biểu hiện tham nhũng như ăn uống phung phí, hưởng thụ xa hoa... Người dân có thể gửi ảnh họ chụp đến trang web của CCDI và cơ quan của ông Vương Kỳ Sơn sẽ nhanh chóng bắt đầu cuộc điều tra. Những thể chế có tính đổi mới như vậy rất có tiếng vang ở Trung Quốc và cần được nhân rộng hơn.

Giai đoạn 3: “Tham nhũng là mất tất cả”

Theo lý thuyết 3 giai đoạn trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, thành công của giai đoạn 2 này sẽ đưa đến giai đoạn 3: “thậm chí đừng có nghĩ đến chuyện tham nhũng.” Nỗ lực đó của ông Tập đang làm thay đổi triệt để văn hóa chính trị ở Trung Quốc.

Để giải quyết vấn đề này, một cuộc cải cách chính sách liên quan mà có thể coi là cải cách nhân sự lớn nhất từ sau Đại hội 18 đã được phê chuẩn. Tinh thần của cuộc cải cách mới là đảm bảo các công chức lãnh đạo của Đảng có thể được thăng tiến hoặc bị kỷ luật. Điều tưởng như bình thường ở nhiều nước thì lại là một thay đổi quan trọng ở Trung Quốc, vì ở nước này thường các lãnh đạo cấp cao của Đảng sẽ không bị giáng chức vì thiếu năng lực hoặc sai lầm trong công việc. Những người này có thể bị điều chuyển nhưng chức vụ thì vẫn còn và bổng lộc thì vẫn vẹn nguyên. Với ông Tập, nhiệm vụ của chiến dịch rõ ràng là nhằm loại bỏ các quan chức ngáng trở đổi mới cải cách, tham nhũng và không có năng lực.

Tập trung quyền lực

Nhiệm vụ này có tính chất rất nghiêm trọng, vì công cuộc cải cải cách mà Tập Cận Bình khởi xướng hiện đang vấp phải sự phản kháng mãnh liệt từ nhiều cấp độ chính quyền. Trừ phi ông Tập có thể tiến hành kỷ luật thích đáng những công chức đó, nếu không, công cuộc cải cách của Trung Quốc vẫn sẽ "dậm chân tại chỗ". Một câu nói khác về cải cách chính sách của chính quyền Bắc Kinh là: “Mệnh lệnh của chính phủ thậm chí chẳng bay quá khỏi Trung Nam Hải.”

Liệu cuộc cải cách nhân sự chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình có thành công hay không? Điều đó còn phải chờ thời gian chứng minh. Tuy nhiên, ít nhất thì lãnh đạo Trung Quốc cũng đã xác định được vấn đề chính và các giải pháp. Nếu họ có thể thực hiện hiệu quả những cải cách này, Trung Quốc sẽ có được hệ thống chính quyền hiệu quả và trong sạch vào năm 2020, Diplomat nhận định.

Hoài My
Theo Diplomat