Trung Quốc gia hạn cảnh báo công dân đến Thụy Điển sau vụ du khách bị đuổi khỏi khách sạn
(Dân trí) - Trung Quốc đã ban hành một lệnh cảnh báo du lịch mới cho công dân nước này tới Thụy Điển, lệnh thứ 2 trong vòng 3 tháng, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Stockholm vẫn chưa hạ nhiệt.
SCMP đưa tin, Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển ngày 22/12 đã ban hành lệnh cảnh báo du lịch thứ 2 với công dân nước này khi tới thăm Thụy Điển chỉ trong 3 tháng. Căng thẳng giữa 2 quốc gia bắt đầu bùng phát sau sự việc hồi đầu tháng 9 khi một nhóm khách du lịch Trung Quốc cáo buộc rằng họ bị cảnh sát Thụy Điển ngược đãi.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, kể từ tháng 9 tới nay, đã có trên 40 vụ việc, bao gồm cả trộm cướp có liên quan tới công dân nước này. Bắc Kinh cho biết họ chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ cảnh sát Thụy Điển về tiến độ điều tra các vụ án.
Chính phủ Thụy Điển chưa phản hồi yêu cầu bình luận từ SCMP.
Theo đó, lệnh cảnh báo du lịch đầu tiên được công bố vào ngày 23/9 và hết hạn vào ngày 22/12. Lệnh hiện tại có hiệu lực tới 22/3/2019 và được đưa ra vì “tình hình an ninh ở Thụy Điển”.
Sáng sớm ngày 2/9 theo giờ địa phương, một gia đình Trung Quốc đã tới một nhà nghỉ ở thủ đô Stockholm nhận phòng nhưng thực tế họ đã đặt phòng ngày 3/9. Khi nghe nhân viên nhà nghỉ thông báo, họ đã quyết định sẽ đợi ở sảnh cho đến giờ được phép làm thủ tục nhận phòng.
Phía nhà nghỉ Thụy Điển không chấp nhận và yêu cầu nhóm khách Trung Quốc rời đi nhưng không nhận được sự hợp tác. Vì vậy, họ đã gọi cảnh sát tới giải quyết.
Sự việc trở nên căng thẳng sau khi trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh người đàn ông Trung Quốc ngã xuống đất, hô hoán rằng mình bị ngược đãi. Người được xác định là mẹ của người đàn ông đã khóc lóc bên cạnh đó và xin được giúp đỡ trước các sĩ quan cảnh sát.
Du khách Trung Quốc bị cảnh sát Thụy Điển đưa ra khỏi nhà nghỉ
Phía Trung Quốc và Đại sứ quán nước này ở Thụy Điển đã yêu cầu Stockholm phải xin lỗi vì “vi phạm nhân quyền cơ bản của công dân Trung Quốc”. Thụy Điển cho biết các cảnh sát đã làm đúng chức trách và nhiệm vụ theo luật pháp vì vậy Stockholm sẽ không mở vụ điều tra về vấn đề này.
Sau đó, sự việc tiếp tục căng thẳng khi kênh truyền hình SVT của Thụy Điển ngày 21/9 chiếu một chương trình hài có nội dung châm biếm vụ việc, và cách hành xử chưa văn minh của một số bộ phận du khách Trung Quốc.
Thụy Điển tuyên bố rằng họ không can thiệp vào quyền tự do biểu đạt của kênh SVT dù phía Trung Quốc cho rằng đây là hành động mang tính xúc phạm. Dư luận Trung Quốc đã kêu gọi tẩy chay các sản phẩm Thụy Điển nhằm trả đũa sự việc. Chỉ sau đó 1 ngày, Trung Quốc đã ban hành lệnh cảnh báo du lịch đầu tiên, khuyến cáo công dân không nên tới Thụy Điển.
Trước đó, quan hệ giữa Trung Quốc và Thụy Điển đã căng thẳng sau chuyến thăm của Dalai Lama tới Stockholm hồi tháng 9 và việc Bắc Kinh được cho là bắt giam người Thụy Điển gốc Hoa Gui Minhai hồi tháng 1. Ông Gui là một trong những người nắm cổ phần một tiệm sách ở Hong Kong bán các ấn phẩm bị cấm lưu hành ở Trung Quốc.
Hồi tháng trước, Nhà vua Thụy Điển Carl Gustaf đã hủy chuyến công du tới Trung Quốc và Hong Kong, động thái được cho là nhằm phản đối việc Bắc Kinh vẫn đang bắt giam ông Gui. Tuy nhiên, cung điện Hoàng gia Thụy Điển nói rằng Nhà vua cần ở lại để hỗ trợ đàm phán thành lập chính phủ mới Thụy Điển sau cuộc bầu cử tháng 9.
Đức Hoàng
Theo SCMP