1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc gây chạy đua vũ trang trong khu vực

(Dân trí) - Chính việc Trung Quốc không ngừng tăng cường hiện đại hóa quân đội khiến các quốc gia láng giềng phải tăng chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên sẽ phải mất hàng thập kỷ nữa trước khi Trung Quốc đạt được vị thế quân sự như Mỹ, viện nghiên cứu IISS khẳng định.

Chiến đấu cơ Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh
Chiến đấu cơ Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh

Đây là nội dung bản báo cáo thường niên năng lực quân sự và kinh tế quốc phòng toàn cầu do Viện chiến lược quốc tế (IISS) công bố. Theo đó, phải đến những năm 2030, chi tiêu quân sự của Trung Quốc mới bắt kịp Mỹ.

Tuy nhiên, về năng lực, trình độ và khả năng đạt được sức mạnh tương đương với Mỹ thì Trung Quốc phải mất thêm nhiều năm sau đó nữa mới sánh kịp, các chuyên gia của IISS khẳng định từ trụ sở của Viện này tại London, Anh.

Theo IISS, chi tiêu quân sự năm 2013 đã tăng 11,6% so với năm 2010. Mức tăng theo con số tuyệt đối cao nhất trong năm qua là tại khu vực Đông Á, trong đó Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đóng góp hơn một nửa.

Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc hiện đã gấp 3 lần Ấn Độ, và nhiều hơn cả chi tiêu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam cộng lại.

“Chính sự đầu tư này đã kích thích hoạt động mua sắm vũ khí trong một khu vực đầy những tuyên bố chủ quyền đối nghịch, cũng như những điểm nóng tiềm tàng có từ lâu”, tổng giám đốc IISS John Chipman khẳng định.

“Không chỉ bởi châu Á Thái Bình Dương giữ vị trí trung tâm của nền kinh tế toàn cầu, tốc độ phát triển nhanh của năng lực quân sự và tiềm năng của các vụ xung đột và leo thang không chủ ý sẽ tiếp tục là một mối lo ngại”, bản báo cáo viết.

Hơn thế nữa, các cường quốc phương Tây có thể vẫn duy trì được sức mạnh và năng lực của mình với lực lượng nhỏ hơn. Điều này sẽ khiến thời điểm sức mạnh quân sự của Trung Quốc sánh kịp phương Tây càng xa hơn.

Giri Rajendran, nhà nghiên cứu quân sự và kinh tế học nhận định, giả sử Trung Quốc có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện tại, thì phải đến “giữa hoặc cuối những năm 2030” họ mới bắt kịp chi tiêu của Mỹ.

“Ngay cả khi họ có thể tăng cường chi tiêu đạt mức tương đương cuối những năm 2030, sẽ phải mất từ 20 – 30 năm nữa trước khi họ bắt đầu tiệm cận sức mạnh quân sự”, Rajendran nói.

Trong năm qua, Mỹ vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về chi tiêu quân sự, với ngân sách lên tới 600,4 tỷ USD, bản báo cáo viết. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Trung Quốc (112,2 tỷ USD) và Nga (68,2 tỷ USD).

Nhật Bản xếp ở vị trí thứ 7 (51 tỷ USD), Ấn Độ xếp thứ 9 (36,3 tỷ USD) và Hàn Quốc xếp hạng 11 (31,8 tỷ USD).

IISS khẳng định các quốc gia châu Á giờ đang phát triển và mua sắm các thiết bị quân sự tiên tiến từng là “lãnh địa riêng” của Nga và phương Tây.

Christian Le Miere, chuyên gia an ninh hàng hải và hải quân của IISS khẳng định: “Những tranh chấp chủ quyền, đặc biệt là tranh chấp hàng hải, chắc chắn là một trong những động lực thúc đẩy hoạt động mua sắm vũ khí tại châu Á”.

“Trong khi những tranh chấp đó là trọng tâm của nhiều mối lo ngại về an ninh tại châu Á, thì về mặt lý thuyết đây cũng là một điểm bùng phát căng thẳng được tạo ra do sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Theo ông Le Miere, cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các tuyên bố chủ quyền biển của nước này là một cách “kiểm soát tranh chấp hơn là giải quyết tranh chấp”.

IISS cho rằng căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã tăng đáng kể và họ cần những sự tham vấn quân sự giữa hai nước để giảm rủi ro đối đầu chiến thuật hoặc một cuộc khủng hoảng chiến lược.

Thanh Tùng
Theo AFP