1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc dùng chiến thuật "xoa dịu" đối phó kế hoạch châu Á của Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc đang tìm cách "xoa dịu" Nhật Bản và Ấn Độ - hai quốc gia đều có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, động thái được xem là nhằm đối phó với chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trung Quốc dùng chiến thuật xoa dịu đối phó kế hoạch châu Á của Mỹ - 1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Ảnh: Reuters). 

Ngày 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phát đi thông điệp tích cực liên quan tới mối quan hệ với Nhật Bản và Ấn Độ, trong nỗ lực nhằm xoa dịu 2 quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.

Bình luận về luật hải cảnh mới gây tranh cãi khi Trung Quốc cho phép tàu nước này nổ súng vào tàu nước ngoài, ông Vương nói rằng luật trên không nhằm vào bất cứ quốc gia nào khác.

"Chìa khóa của mối quan hệ Trung - Nhật cần phải có sự kiên trì, và không nên để những sự kiện ngắn hạn gây ra gián đoạn", ông Vương cho hay.

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng sẽ giải quyết căng thẳng với Ấn Độ khi 2 bên đang đàm phán giải pháp cho căng thẳng ở khu vực lãnh thổ tranh chấp chủ quyền tại Himalaya.

Bình luận của ông Vương Nghị được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden phát đi tín hiệu rằng Washington sẽ có các động thái giúp tăng cường an ninh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và củng cố quan hệ với các nước lớn ở châu Á nhằm mục tiêu đối chọi với Trung Quốc.

Phía Washington cho hay ông Biden có thể sẽ tổ chức họp với 3 thành viên còn lại của "Bộ tứ Kim cương", gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Bốn quốc gia này đã lập nên một liên minh phi chính thức mà ông Vương trước đó từng cáo buộc đây là mô hình "NATO ở Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Một trong quan ngại chính của Nhật Bản là việc Trung Quốc thông qua luật hải cảnh mới và Tokyo cho rằng điều này có thể làm gia tăng căng thẳng ở biển Hoa Đông liên quan tới khu vực quần đảo 2 bên tranh chấp chủ quyền, Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Ông Vương nói luật hải cảnh của nước này chỉ là "luật nội địa thông thường" và "không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào".

Ông Vương cho rằng Trung Quốc và Nhật Bản nên ủng hộ lẫn nhau trong việc tổ chức Thế vận hội. Nhật Bản đang chịu áp lực trong quyết định tổ chức Thế vận hội mùa Hè giữa lúc diễn ra đại dịch, trong khi, Trung Quốc đang đối mặt với những kêu gọi tẩy chay Thế vận hội mùa Đông mà họ dự kiến làm chủ nhà vào năm tới do các vấn đề liên quan tới Hong Kong và Tân Cương.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang lo ngại với viễn cảnh quan hệ với Nhật Bản xảy ra bất ổn khi chính quyền Biden đang thúc đẩy xích lại gần hơn với Tokyo. 

"Sự ổn định giữa quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc là rất quan trọng với Bắc Kinh", nhà nghiên cứu Wang Ping tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định.

Lian Degui, chuyên gia về các vấn đề Nhật Bản tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết Nhà Trắng dưới thời Biden sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của Nhật Bản về các vấn đề như Hong Kong, Đài Loan... "Điều này sẽ tạo ra hàng loạt khó khăn trong quan hệ Trung - Nhật và rất nhiều thách thức đi kèm," ông Lian nói.

Ngoài ra, ông Vương cũng kêu gọi Trung Quốc và Ấn Độ nên là "bạn bè và đối tác thay vì là mối đe dọa và đối thủ của nhau. Chúng ta nên cùng giúp đỡ lẫn nhau".

Trung Quốc và Ấn Độ hiện vẫn đang vướng vào tranh chấp liên quan tới đường biên giới hiện chưa được phân định. Giữa năm ngoái, một cuộc ẩu đả đẫm máu đã xảy ra ở thung lũng Galwan làm khoảng 24 người ở 2 phía thiệt mạng và đã đẩy căng thẳng lên cao trào.

Giới chuyên gia nhân định Trung Quốc dường như muốn giảm thiểu mối đe dọa đối đầu trực diện với Ấn Độ. Tuy nhiên, Madhav Das Nalapat, giám đốc khoa địa chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Manipal (Ấn Độ), cho rằng sẽ không có bất kỳ tiến triển đáng kể nào giữa hai nước nếu các vấn đề biên giới không thể được giải quyết.