Trung Quốc đang thay đổi chiến thuật ở Biển Đông
(Dân trí) - Khi nhận thấy mưu đồ chiếm giữ Biển Đông ngày càng bị thế giới lên án, Trung Quốc đã quyết định thay đổi chiến thuật.
Thay đổi chiến thuật
Ngày 9/4, Trung Quốc bất ngờ công bố kế hoạch sử dụng các đảo nhân tạo mà nước này đang đẩy nhanh tiến độ bồi đắp và xây dựng tại Biển Đông. Theo đó, Bắc Kinh sẽ dùng các đảo này vào mục đích phòng thủ quân sự cũng như cung cấp các dịch vụ dân sự, hậu cần.
Lý do được Trung Quốc đưa ra để biện hộ cho hoạt động xây dựng này là khu vực Biển Đông hay có bão lớn, lại thường có nhiều tàu thuyền qua lại nên cần xây dựng nơi trú ẩn an toàn cho các phương tiện.
“Chúng tôi đang xây dựng chỗ trú ẩn, các phương tiện hỗ trợ cho hoạt động hàng hải, tìm kiếm cứu nạn cũng như công tác dự báo khí tượng thủy văn, đánh bắt cá và các hoạt động hành chính khác”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói tại cuộc họp báo.
Cũng tại cuộc họp, nữ phát ngôn này cho biết các đảo và bãi đá ngầm đang được bồi đắp sẽ được sử dụng cho mục đích phòng thủ quân sự. Tất nhiên, phòng thủ như thế nào và trong những trường hợp nào thì bà Hoa không nêu rõ.
Đây là lần hiếm hoi Trung Quốc công khai về kế hoạch sử dụng các đảo nhân tạo đang được nước này ráo riết cải tạo trên Biển Đông. Trước khi được xây dựng, đây chỉ là 7 bãi đá ngầm có diện tích rất nhỏ và thuộc chủ quyền của các nước khác trong khu vực. Sau nhiều tháng Trung Quốc ngang nhiên bồi cát, đắp bêtông, có bãi đã trở thành hòn đảo đủ lớn cho hàng chục công trình xây dựng, trong đó có cả đường băng sân bay và cảng nước sâu cho các tàu hải quân cỡ lớn.
Tất nhiên, để biện bạch cho hành động này Trung Quốc sẵn sàng viện ra hàng tá lý do và gán kèm với đó là những mục đích tốt đẹp như bà Hoa Xuân Oánh đã nêu ở trên. Hay như tuyên bố của Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi trong cuộc điện đàm trực tuyến mới đây với Đô đốc Jonathan Greenert, Tư lệnh các chiến dịch của Hải quân Mỹ.
“Việc Trung Quốc tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ không đe dọa đến tự do hàng hải và hàng không ở khu vực. Ngược lại, sẽ nâng cao năng lực dự báo thời tiết, cứu hộ nhân đạo trên biển, giữ gìn an ninh và an toàn ở vùng biển quốc tế”, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc khẳng định.
Như để minh chứng cho mục đích tốt đẹp của Bắc Kinh, viên tướng này còn chủ động mời Mỹ cùng sử dụng các công trình sau khi hoàn thành xây dựng.
“Sau này nếu có điều kiện thích hợp, Mỹ có thể sử dụng những công trình đó để tiến hành các hoạt động nhân đạo trên biển như chống hải tặc…”, Tướng Ngô Thắng Lợi nói.
Tuy nhiên, lời đề xuất bất ngờ của Trung Quốc với Mỹ không thể khỏa lấp những hoài nghi ăn sâu trong dư luận khu vực và thế giới khi xưa nay luôn tồn tại khoảng cách rất lớn giữa lời nói và việc làm của Trung Quốc.
Trung Quốc đang mưu đồ gì?
Khoan bàn đến nội dung, riêng cuộc đối thoại trực tuyến giữa Tư lệnh Hải quân Trung Quốc và Tư lệnh các chiến dịch của Hải quân Mỹ đã là động thái rất đáng chú ý.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia Trung Quốc, đây là một việc làm cần thiết đối với cả Trung Quốc và Mỹ, trong bối cảnh hải quân hai nước ngày càng có nhiều khả năng “chạm trán” trên biển.
“Trung Quốc và Mỹ là hai nước lớn. Cơ hội Trung Quốc và Mỹ gặp nhau trên biển, nhất là biển xa, ngày càng nhiều. Cho nên rất cần quân đội và hải quân hai nước xây dựng lòng tin cũng như sự tin cậy lẫn nhau, mà trước tiên nên bắt đầu từ cấp lãnh đạo”, chuyên gia quân sự Doãn Trác nói.
Trong khi đó, theo đánh giá chung của giới chuyên gia quân sự, hiện quân đội Trung Quốc còn thiếu cả về năng lực và các trang thiết bị quan trọng, do đó chưa thể “đọ sức” được với lực lượng hải quân Mỹ giàu kinh nghiệm và được trang bị cực kỳ tối tân. Ngay kể cả với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản vốn nhiều năm không được đầu tư nâng cấp, hải quân Trung Quốc cũng khó lòng “địch nổi”.
Vì thế, việc Bắc Kinh đơn phương đẩy căng thẳng trong khu vực lên cao chỉ gây hại, chứ không có lợi cho nước này. Trung Quốc càng lấn bước, Mỹ càng có cớ thắt chặt liên minh quân sự với Nhật Bản và một số đồng minh khác. Các nước khác trong khu vực cũng phải tự tìm cách nâng cao năng lực phòng vệ của mình và một cuộc chạy đua vũ trang là điều khó tránh khỏi.
Trong tương lai, nếu căng thẳng vẫn tiếp diễn và đứng trước nguy cơ vượt tầm kiểm soát, các nước yếu hơn sẽ buộc phải liên kết với nhau để cùng chống lại sức mạnh của Trung Quốc, tương tự như cách Bắc Kinh và Mátxcơva đang củng cố liên minh để chống lại sức mạnh bá chủ của Mỹ.
Trong khi đó, các nước trong khu vực và giới phân tích quân sự cũng đang dõi theo “nhất cử, nhất động” của Bắc Kinh để có thể “giải mã” được chiến thuật tiếp theo của nước này sau hàng loạt động thái gây mất lòng tin và lo lắng cho các nước trong khu vực.
Đức Vũ