1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Trung Quốc đang "lục địa hóa" Biển Đông

Theo tờ South China Morning Post, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague có thẩm quyền xét xử 7/15 vấn đề mà Philipppines kiện “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông.

Và khi PCA ra phán quyết về “đường lưỡi bò”, Trung Quốc có thể phớt lờ và tiếp tục hoạt động xây đảo phi pháp ở Biển Đông. Học giả Mark Valencia, chuyên gia về Luật Biển quốc tế tại Viện Nghiên cứu Châu Á - Quốc tế cho rằng, phán quyết của PCA nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung rất có thể sẽ phải “bó tay” trước sự ngang ngược, thách thức của Trung Quốc trong vấn đề này.

Theo ông Mark Valencia, Indonesia và một số nước hữu quan đang xem xét việc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Tính đến nay, Australia, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đều cử quan sát viên tới PCA.

Phản đối mưu đồ thay đổi hiện trạng Biển Đông

Ngày 6-5, tờ The New York Times bình luận, trước phán quyết của PCA, Trung Quốc đang thực hiện nhiều động thái quân sự và ngoại giao để thể hiện rằng, Bắc Kinh đang “bám chắc vào tuyên bố chủ quyền của mình khi đứng chân trên 7 bãi đá ở Trường Sa”.

Cũng trong ngày 6-5, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề biên giới và hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tĩnh tuyên bố, những chỉ trích của quốc tế nhằm vào Bắc Kinh liên quan tới tranh chấp Biển Đông sẽ phản tác dụng. Đồng thời tố cáo Philippines phớt lờ những hiệp ước có từ năm 1898 khi thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Manila.

Trước đó (3-5), tờ Kyodo News đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã cảnh báo ASEAN không nên đưa ra bất kỳ tuyên bố nào trong vụ kiện của Philippines đối với “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc. Theo nhận định của chuyên gia an ninh về Châu Á - Thái Bình Dương Berkshire Mille, những mưu tính của Bắc Kinh sẽ khó thành vì Trung Quốc chỉ lôi kéo được “một số đối tác thân thiết”.

Ông Âu Dương Ngọc Tĩnh phát biểu về quan điểm của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 6-5 tại Bắc Kinh
Ông Âu Dương Ngọc Tĩnh phát biểu về quan điểm của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 6-5 tại Bắc Kinh

Dư luận khá quan tâm tới hội thảo “Xung đột Biển Đông” do Hội đồng Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) của Đại học Yale, Mỹ đăng cai tổ chức, thu hút được nhiều nhân vật danh tiếng (học giả, nhà hoạch định chính sách, giới trí thức) tham dự.

Học giả Bill Hayton đến từ Viện Chatham House, Anh, đã phản bác lại những lập luận chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Theo ông Bill Hayton, những “tuyên bố lịch sử” liên quan Biển Đông của Trung Quốc mới xuất hiện sau năm 1933.

Còn học giả Chris Chung đến từ Đại học Toronto, Canada đã chỉ ra những mâu thuẫn xung quanh bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ngày 3-5, nhiều học giả đã phát biểu tại hội thảo “An ninh môi trường: Thử thách tại Biển Đông” diễn ra ở Trung tâm Đông - Tây, Mỹ. Theo đó, Trung Quốc đã gây căng thẳng tại khu vực, đe dọa hủy hoại hệ sinh thái biển. Đồng thời cảnh báo, an ninh môi trường là một trong những thách thức lớn mà Biển Đông đang phải đối mặt. Bởi nếu các hoạt động tôn tạo bất hợp pháp của Trung Quốc không chấm dứt, toàn bộ hệ sinh thái Biển Đông sẽ đứng trước nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn.

Theo số liệu thống kê, chỉ tính đến nửa cuối năm 2015, Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp hơn 13km2, hủy hoại nhiều rạn san hô tại Biển Đông và đe dọa làm tuyệt chủng nhiều loại sinh vật quý tại vùng biển này. Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục bị cáo buộc hủy hoại môi trường Biển Đông.

Không để căng thẳng leo thang

Ngày 4-5, khi phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, phải đối thoại và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không để căng thẳng leo thang tại Biển Đông.

Cùng ngày 4-5, Hãng Kyodo dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida - cần giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ông Fumio Kishida bày tỏ hy vọng, với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN, Lào sẽ phát huy vai trò của mình để ASEAN có thể đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông.

Trước đó (2-5), ông Fumio Kishida còn tuyên bố, Nhật Bản phản đối các mưu toan đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và kêu gọi sớm hoàn thành việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để giải quyết hiệu quả tranh chấp trên Biển Đông.

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc

Ngày 4-5, khi bình luận trên tờ The Straits Times về khả năng quản lý xung đột trên Biển Đông, ông Denny Roy, thành viên cao cấp tại Trung tâm Đông - Tây ở Honolulu cho rằng, các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông chỉ mang tính biểu tượng của Mỹ và Trung Quốc có thể chịu đựng điều này. Và khủng hoảng trên Biển Đông có thể quản lý được, cho dù tranh chấp trên Biển Đông đã diễn biến thành cuộc khủng hoảng trong quan hệ Trung - Mỹ, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực và tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng bởi 2 lý do.

Thứ nhất, cả Bắc Kinh và Washington đều coi vấn đề Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”. Thứ hai, khả năng leo thang. Và điều quan trọng là không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đã bắt tay vào một chiến dịch buộc Mỹ phải rời khỏi Biển Đông ngay lập tức.

Giáo sư William Frasure, giảng viên tại Đại học Connecticut, Mỹ cho rằng, thái độ ngang ngược và thách thức của Trung Quốc đang khiến các quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông phải nỗ lực tìm cách đối phó để bảo vệ lợi ích của mình, trong đó có việc tăng cường hợp tác về quân sự và ngoại giao với Mỹ.

Mỹ từng tuyên bố, sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, và nếu phán quyết của PCA không được Trung Quốc tôn trọng, tàu chiến và máy bay của Mỹ có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn tại vùng biển này.

Nhưng Bắc Kinh luôn cho rằng, hệ thống quốc tế hiện nay do Mỹ thiết lập để kiềm chế Trung Quốc và nước này chỉ trở nên lớn mạnh hơn khi thoát khỏi “vòng kiềm tỏa này” và việc không tuân thủ phán quyết của PCA là một trong những động thái như vậy.

Lệnh cấm phi lý và trái luật

Ngày 6-5, tờ The Free Press Journal đưa tin, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động của cái gọi là “thực thi pháp luật” trên Biển Đông để ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá mà Bắc Kinh cho là “bất hợp pháp” trong thời gian tới. Giới chuyên môn cho rằng, Trung Quốc lại tiếp tục có những hành động phi lý, làm gia tăng căng thẳng khi ngang nhiên đơn phương tuyên bố đẩy mạnh lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông.

Theo lời quan chức Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông có hiệu lực từ 16-5 đến 1-8 và lực lượng hải cảnh cùng cơ quan ngư nghiệp địa phương sẽ giám sát việc này. Chinanews cũng vừa dẫn lời ông Triệu Hưng Vũ, Cục trưởng Cục Ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, tuyên bố về lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ 16-5 đến 1-8, kéo dài đến vĩ tuyến 12, bao gồm cả khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ đẩy mạnh thực thi pháp luật ở Biển Đông với tàu cá của chúng tôi và tàu cá nước ngoài”, ông Triệu Hưng Vũ ngang nhiên tuyên bố.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, mỗi năm ngư dân nước này đánh bắt hơn 13 triệu tấn hải sản ở Biển Đông, khiến môi trường biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giới chuyên gia cho rằng, cá ở Biển Đông ngày càng cạn kiệt do ngư dân Trung Quốc đánh bắt ồ ạt.

Từ năm 1999, năm nào Trung Quốc cũng đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Một số quốc gia ven Biển Đông như Philippines, Indonesia, Malaysia... liên tục phải đối mặt với nạn tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế. Và từ đầu năm nay, 24 quốc gia châu Phi đã ra tuyên bố chung, kêu gọi Trung Quốc ngừng khai thác bất hợp pháp tại vùng biển của họ.

Ngày 5-5, trang Breibart dẫn thông tin của Phong trào Kalayaan Atin Ito (KAI), một tổ chức của thanh niên Philippines cho rằng, Trung Quốc hủy hoại môi trường sinh thái ở Trường Sa. Đồng thời cáo buộc Trung Quốc đầu độc khu vực rộng lớn ở Biển Đông để ngăn ngư dân Philippines và ngư dân nước ngoài khai thác hải sản - cư dân địa phương xác nhận rằng, tàu Trung Quốc thường xuyên thải hóa chất để phá hoại san hô và sinh vật biển.

10 tháng trước (tháng 7-2015), Phó chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio, từng cáo buộc Trung Quốc phá hủy 17 bãi đá gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khi xây đảo nhân tạo phi pháp ở đó.

Ngày 6-5, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang nhiên tuyên bố, việc bồi lấp, cải tạo trái phép đảo nhân tạo ở Trường Sa sẽ “nâng cao đáng kể khả năng bảo vệ môi trường”, các biện pháp như hút cát, nghiền san hô, xây dựng đảo “đã được tính toán kỹ lưỡng”!

Tuyên bố kể trên được đưa ra sau khi giới chuyên gia hải dương Mỹ cáo buộc, những hành động bồi lấp, cải tạo trái phép đảo nhân tạo của Trung Quốc thời gian qua đã khiến san hô ở Biển Đông bị tàn phá nghiêm trọng. Giới chuyên gia quốc tế gọi đây là kế hoạch “lục địa hóa” Biển Đông của Bắc Kinh.

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày (6 và 7-5) của quan chức cao cấp (SOM) các nước ASEAN, ASEAN+3 (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc) và hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), cuộc họp SOM Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) cũng diễn ra tại Luang Prabang, Lào. Trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, nhiều nước đã bày tỏ lo ngại về các nguy cơ đe dọa môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiềm chế, không quân sự hóa, không đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), cũng như các tiến trình pháp lý, ngoại giao; thực hiện hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy ký sớm COC.

Theo

PetroTimes