Trung Quốc đã biến đá Chữ Thập thành “đảo” lớn nhất Trường Sa
(Dân trí) - Giới phân tích cảnh báo hoạt động bồi đắp đất hiện nay của Trung Quốc đã biến bãi đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa và việc mở rộng này vẫn chưa dừng lại, có thể biến nơi đây thành một tiền đồn quan trọng cho các hoạt động quân sự cũng như thương mại của Trung Quốc.
Theo tờ tiếng Trung Want Daily của Đài Loan, kể từ cuối năm ngoái, quân đội Trung Quốc đã tiến hành xây dựng và nạo vét, bồi đắp đất trên nhiều bãi ngầm và bãi đá ở Trường Sa, trong đó có đá Chữ Thập mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam từ năm 1988.
Hình ảnh vệ tinh của trang web DigitalGlobe, có trụ sở tại Mỹ, cho thấy hoạt động của Trung Quốc đã gia tăng ở khu vực đá Chữ Thập lên gấp 11 lần, biến bãi ngầm này thành đảo nhân tạo rộng tới 1km2, lớn gấp đôi cả đảo Ba Bình mà Đài Loan đang chiếm đóng, đảo được cho là lớn nhất Trường Sa xét về diện tích đất. Đá Chữ Thập hiện cũng là “đảo” lớn thứ năm trong các đảo ở Biển Đông, sau Phú Lâm, Đông Sa, Linh Côn và Tri Tôn.
Theo một nhà bình luận quân sự trên trang tin Guancha.cn ở Thượng Hải, diện tích bề mặt của đá Chữ Thập có thể được tiếp tục mở rộng gấp đôi diện tích hiện nay (tức khoảng 2km2). Ông cũng cho rằng, Bắc Kinh chắc chắn cũng sẽ gia tăng sự hiện diện về chính trị cũng như quân sự trên Bãi Chữ Thập.
Kể từ khi chiếm đóng, Trung Quốc đã xây trên đá Chữ Thập một bãi đáp trực thăng, một cầu tàu, một tòa nhà hai tầng và một nhà kính 500m2. Và Trung Quốc cũng duy trì khoảng 200 binh sỹ đồn trú trên đảo.
Tiền đồn quan trọng
Đá Chữ Thập được Trung Quốc coi là có vai trò quan trọng chiến lược bởi không có căn cứ của nước nào trong vòng bán kính 70km. Bãi Chữ Thập cách bờ nam lục địa Trung Quốc tới khoảng 740 hải lý nhưng lại nằm gần bờ biển Việt Nam.
Các nhà phân tích khác cũng cho rằng việc mở rộng tiếp Bãi Chữ Thập cuối cùng để biến nơi đây thành một tiền đồn quan trọng cho các hoạt động quân và dân sự của Trung Quốc trên các vùng biển mà nước này tranh giành chủ quyền ở trên Biển Đông.
Vào tuần trước, một quan chức tình báo hàng đầu của Đài Loan, Lee Hsiang-chou, công khai cho biết Bắc Kinh đang tiến hành 7 dự án xây dựng ở Biển Đông, trong đó 5 dự án được cho là do đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phê chuẩn.
Jin Canrong, giáo sư quan hệ quốc tế ở Đại học Renmin tại Bắc Kinh cũng cho biết, việc mở rộng Bãi Chữ Thập được tiến hành nhanh hơn dự kiến và chắc chắn diện tích của nó đã vượt Ba Bình, một trong những đảo có nước ngọt duy nhất trên Biển Đông, với diện tích khoảng 0,5km2.
Wang Hanling, một chuyên gia về Biển Đông ở Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cũng cho biết Bãi Chữ thập giờ đã được mở rộng lên khoảng 1km2 và hoạt động bồi đắp đất vẫn tiếp tục.
Cả hai học giả trên đều không biết Bãi Chữ Thập cuối cùng sẽ được mở rộng thêm bao nhiêu nhưng khẳng định nó có thể sẽ có cả các cơ sở quân và dân sự trên đó.
Theo Carl Thayer, giáo sư danh dự Đại học New South Wales, thành viên Học Viện Quốc phòng Úc, hiện chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang biến đảo nhân tạo này thành một căn cứ hải quân. Nhưng ông nhận định đảo có thể được biến thành một tiền đồn cung cấp nhu yếu phẩm và trú ẩn cho những người tham gia vào hoạt động thương mại ở Biển Đông, vì vậy trước tiên sẽ củng cố sự hiện diện về mặt dân sự của Trung Quốc trên khu vực.
“Nó có thể khiến cuộc sống của những người ở trên các giàn khoan mà Trung Quốc triển khai trở nên dễ chịu hơn. Các tàu cá cũng có thể cập vào đó mà không phải trở về tận Hải Nam”, ông nói.
Trung Quốc đã nâng cấp Đá Chữ Thập thành đảo?
Giới phân tích trước kia cũng nhiều lần cảnh báo, bằng việc mở rộng các bãi ngầm, Trung Quốc đã tìm cách củng cố sự hiện diện trên Biển Đông, vùng biển mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.
Hồi cuối tuần qua trang web Guancha.cn cũng đăng tải thông tin cho biết Bãi Chữ Thập đã được nâng cấp lên thành đảo. Trang này dẫn các nguồn tin không được nêu tên và ảnh vệ tinh từ DigitalGlobe chụp từ cuối tháng 9 đến 16/10. Guancha.cn cũng cho biết Bãi Chữ Thập giờ đây đã lớn hơn cả Ba Bình.
Cho đến nay Bắc Kinh vẫn chưa công khai thừa nhận kế hoạch mở rộng các bãi ngầm, bãi đá thành các đảo nhân tạo.
Nhưng chính Jin Canrong ở Đại học Renmin cho rằng không thể đổi tên một bãi ngầm thành đảo bởi “nó còn liên quan đến luật pháp quốc tế và sẽ vô cùng phức tạp”.
Vũ Quý
Tổng hợp