"Trung Quốc có thể sử dụng Biển Đông làm pháo đài tàu ngầm"
(Dân trí) - Các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc thời gian qua đã làm nhiều quốc gia trong khu vực và cả Mỹ lo ngại. Tuy nhiên, giới phân tích an ninh, quân sự cho rằng một điều cũng rất đáng lo ngại chính là những gì đang diễn ra dưới biển.
Tàu ngầm Trung Quốc. (Ảnh: SMH)
Trung Quốc không ngừng mở rộng lực lượng tàu ngầm với khả năng mang theo tên lửa đạn đạo. Với những đòi hỏi phi lý về chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra tại Biển Đông, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng các khu vực nước sâu ở đây để làm "pháo đài', nơi các hạm đội tàu ngầm của Hải quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể hoạt động mà không bị phát hiện.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về an ninh trong khu vực của Đại học New South Wales, cho rằng: "Biển Đông sẽ là một địa điểm tốt để Trung Quốc cất giấu tàu ngầm. Ngoài ra, với độ sâu tới hàng nghìn mét, tàu ngầm hoạt động tại Biển Đông có thể dễ dàng tránh bị đối thủ phát hiện".
Cũng theo giáo sư Thayer, Bắc Kinh coi Biển Đông là một vị trí chiến lược vì khu vực này giúp bảo vệ thềm phía Bắc của Trung Quốc, bao gồm cả căn cứ tàu ngầm đặt tại đảo Hải Nam. Trước đây, quân đội Trung Quốc đã xây các đường ngầm dưới biển để có thể hạ thủy dễ dàng tàu ngầm của nước này, bao gồm cả tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.
Tính tới năm 2014, Trung Quốc có 56 tàu ngầm tấn công, trong đó có 5 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc cũng có ít nhất 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo. Quân đội nước này còn đang có kế hoạch tăng thêm 5 tàu ngầm kiểu này trong thời gian tới.
Trong những thập niên vừa qua, Trung Quốc cố gắng phát triển công nghệ để giúp tàu ngầm thoát được sự theo dõi của đối phương. Tới nay, Trung Quốc đã đạt được một số thành tựu trong quá trình phát triển này. Nếu không bị phát hiện, tàu ngầm có thể tung ra cú "đánh mở đầu" bằng phóng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân nhằm vào đối phương.
Dù tên lửa đạn đạo trang bị trên tàu ngầm JL2 của Trung Quốc hiện nay chưa thể bắn tới Mỹ từ Biển Đông, song quân đội nước này được cho là đang cố gắng cải thiện tầm bắn của tên lửa. Đây chính là lý do tại sao giới phân tích cho rằng Trung Quốc coi biển là một "pháo đài" trong tương lai của tàu ngầm.
Giáo sư Bernard D. Cole, cựu Chỉ huy Hải quân Mỹ đang giảng dạy tại Đại học Chiến tranh Quốc gia, cho biết chiến lược mà Trung Quốc đang sử dụng từng được Liên Xô trước đây theo đuổi trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Theo đó, sau khi thấy tàu ngầm của mình dễ dàng bị Hải quân Mỹ phát hiện, Liên Xô đã phát triển các loại mìn có sức công phá lớn dưới biển và các khu vực phòng thủ, để tàu ngầm có thể hoạt động ở càng gần Mỹ càng tốt.
Thời gian qua, tàu ngầm của Trung Quốc bị đánh giá là gây tiếng ồn lúc hoạt động nên dễ bị phát hiện, đặc biệt là khi tiến vào vùng biển phía Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông Cole cho rằng sau khi đã cải thiện được tầm bắn của tên lửa, tàu ngầm của Trung Quốc không cần phải ra khỏi khu vực Biển Đông mới tạo ra mối đe dọa với Mỹ nữa.
"Kết luận của tôi vào lúc này chính là việc Trung Quốc sẽ thông qua chiến lược sử dụng Biển Đông làm một pháo đài trong tương lai cho tàu ngầm", ông Cole khẳng định.
Ngọc Anh
Theo SMH
Theo SMH