1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc có thể bị gián đoạn nguồn cung công nghệ quân sự từ Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine có thể tác động tới nguồn cung công nghệ quan trọng từ Kiev cho Trung Quốc.

Trung Quốc có thể bị gián đoạn nguồn cung công nghệ quân sự từ Ukraine - 1

Các phi công vận hành máy bay huấn luyện JL-10 của Trung Quốc tại Triển lãm Hàng không ở Chu Hải hồi tháng 9/2021 (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, các nhà phân tích quân sự và ngoại giao cho rằng mặc dù mối quan hệ Ukraine -Trung Quốc đang chịu áp lực ngày càng tăng từ Mỹ, nhưng cuộc xung đột hiện tại có thể ảnh hưởng phần lớn đến giao dịch thương mại vốn đã giúp quân đội Trung Quốc hiện đại hóa trong 2 thập niên qua.

Theo họ, việc Ukraine thất vọng với sự hợp tác ngày càng khăng khít giữa Bắc Kinh với Moscow và những bất định của tình hình nền kinh tế và chính phủ thời hậu chiến sự ở Ukraine có thể đe dọa mối quan hệ này.

Reuters dẫn lời một nhà phân tích ở Moscow cho rằng Ukraine luôn là nơi tốt để các kỹ thuật viên quân sự của Trung Quốc săn tìm và có rất nhiều thứ ở đó mà nhiều khi mua còn dễ hơn từ Nga.

Ngoài việc mua lại một phần của một trong những tàu sân bay cuối cùng của Liên Xô và khung máy bay của máy bay chiến đấu Su-33 có khả năng trang bị trên tàu sân bay, Trung Quốc còn mua động cơ dùng cho máy bay huấn luyện, tàu khu trục và xe tăng cũng như máy bay vận tải quân sự của Ukraine, theo nguồn tin của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Kiev từ lâu được cho là nguồn cung cấp một số hệ thống chỉ huy và điều khiển cùng các công nghệ khác được sử dụng trong tên lửa cho Bắc Kinh. Một lợi thế truyền thống của Trung Quốc ở Ukraine là tình hình an ninh thuận lợi hơn so với ở Nga.

Dữ liệu của SIPRI không nêu cụ thể giá trị cho mọi thương vụ mua bán vũ khí, nhưng dựa trên các số liệu mà tổ chức này thu thập trong thập niên qua, Trung Quốc được cho là đã chi ít nhất từ 70 triệu đến 80 triệu USD để mua thiết bị quân sự từ Ukraine mỗi năm.

Theo Reuters, các chương trình dài hạn bao gồm thỏa thuận trị giá 317-319 triệu USD để cung cấp phương tiện tấn công đổ bộ và 380 triệu USD đối với động cơ phản lực cánh quạt dành cho các máy bay huấn luyện chiến đấu JL-10 của Trung Quốc, theo dữ liệu của SIPRI.

Một thương vụ quan trọng nữa là bán 30 tuabin khí gas dành cho 15 tàu khu trục Type-052D, loại động cơ mà Trung Quốc đang sản xuất theo giấy phép và có thể đã cải tiến để trang bị cho các tàu hiện đại hơn.

Trung Quốc dựa nhiều vào công nghệ Ukraine trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, nhưng ngày càng giảm, đặc biệt là khi Trung Quốc đã phát triển năng lực thiết kế và sản xuất của riêng họ. Tuy nhiên, có thể vẫn có một số công nghệ nữa mà Trung Quốc đang theo đuổi, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và tên lửa và Ukraine có truyền thống sản xuất những loại đó rất chất lượng và tân tiến.

Nga vẫn là nguồn cung cấp công nghệ quân sự quan trọng nhất của Trung Quốc, nhưng Ukraine đã cung cấp một số mặt hàng mà Moscow không muốn hoặc chậm cung cấp, phản ánh vai trò của nước này từ thời Liên Xô như một trung tâm đóng tàu quân sự và hàng không vũ trụ.

Dữ liệu của SIPRI cho thấy thương mại Nga - Trung lớn hơn đáng kể, bao gồm các thương vụ mua các động cơ phản lực cánh quạt tiên tiến hơn cho máy bay, radar và tên lửa đất đối không, chống hạm và chống tăng cũng như súng hải quân và máy bay vận tải. Tuy nhiên, Moscow nhiều khi không phải lúc nào cũng "mặn mà" cung cấp công nghệ mới nhất cho Bắc Kinh.

Sức ép của Washington đã có tác động đáng kể trong mối quan hệ Kiev - Bắc Kinh. Năm ngoái, chính phủ Ukraine xác nhận tạm dừng chuyển giao nhà sản xuất chế tạo động cơ máy bay Motor Sich cho công ty công nghệ hàng không Trung Quốc Skyrizon do Mỹ lo ngại về vấn đề chuyển giao công nghệ ép buộc.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm