1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc có còn mạnh?

Thị trường chứng khoán lao dốc, đồng tiền giảm giá và vụ nổ gây thiệt hại lớn ở kho cảng Thiên Tân là những chủ đề nóng về Trung Quốc mà các hãng truyền thông thế giới đồng loạt đăng tải những ngày vừa qua.

Thực tế này khiến nhiều người cho rằng Trung Quốc sẽ suy thoái. Nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu của "Thập niên Trung Quốc", thời điểm mà sự ảnh hưởng của cường quốc mới nổi này trên thế giới đang bước qua một ngưỡng quyết định.

Trung Quốc, thử thách, phát triển

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Getty)

Tạp chí TIME đưa ra 5 thực tế giải thích vì sao sự lớn mạnh của Trung Quốc vẫn là điều chắc chắn, ngay cả khi nước này đối mặt với những tin tức tồi tệ.

Mùa hè khắc nghiệt

Các chỉ số kinh tế đều cho thấy một sự sụt giảm của Trung Quốc trong một khoảng thời gian - xuất khẩu giảm 8% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Từ 12/6 đến 8/7, thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 32%. Ngày 27/7, thị trường này mất 8,5%, mức tụt giảm lớn nhất trong một ngày đơn lẻ.

Ngày 11/8, chính phủ Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ để khởi động nền kinh tế đang chậm dần của nước này. Đến cuối tuần, giá trị đồng tiền này đã mất 4,4%, mức giảm lớn nhất trong 20 năm qua.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại nhưng vẫn ở mức mà bất kỳ quốc gia phát triển nào cũng thèm muốn. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục tiến đến vị trí số 1.

Năm 2014, tổng GDP của Trung Quốc vượt qua Mỹ tính theo sức mua. Theo cách tính này, Trung Quốc chiếm tới 16,32% GDP của thế giới năm 2014, lớn hơn Mỹ (16,14%).

Ấn tượng hơn cả quy mô nền kinh tế Trung Quốc là tốc độ tăng trưởng. Năm 2000, xuất - nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 3% tổng lượng hàng hóa được mua bán trên toàn cầu. Nhưng năm 2014, con số này đã vọt lên hơn 10%.

Năm 2006, Mỹ là đối tác thương mại lớn hơn Trung Quốc của 127 nước. Đem so thì Trung Quốc chỉ là đối tác thương mại lớn hơn Mỹ của 70 quốc gia. Ngày nay, các con số đó đều đã đảo chiều: 124 nước giao thương với Trung Quốc nhiều hơn với Mỹ.

Sự kiên cường của Trung Quốc

Bất chấp những bất ổn mới đây, nền kinh tế Trung Quốc vẫn rất mạnh. Một phần là bởi các nhà lãnh đạo đã dành nhiều thập niên để tạo dựng các kho dự trữ ngoại hối và ngày nay chúng có giá trị 3,7 nghìn tỷ USD, cao nhất thế giới.

Quan trọng hơn nữa, đó là ban lãnh đạo chính trị dưới quyền ông Tập Cận Bình. Chủ tịch Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp, chứng kiến 414.000 quan chức bị kỷ luật và 200.000 người khác bị kết tội.

Những việc làm cương quyết như vậy đã giúp cho chính phủ của ông cải thiện được tín nhiệm trong dân chúng.

Đẩy mạnh sự thịnh vượng (và ảnh hưởng)

Một ban lãnh đạo thống nhất còn giúp ích cho Bắc Kinh theo đuổi chiến lược toàn cầu toàn diện.

Trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư trên khắp thế giới. Các khoản vốn nước này rót vào châu Phi tăng từ 7 tỷ USD năm 2008 lên 26 tỷ USD năm 2013, giúp cho lục địa này xây dựng được nhiều tuyến đường mới, cả đường bộ lẫn đường sắt và cảng biển.

Ở Mỹ Latinh, Trung Quốc còn cam kết đầu tư 250 tỷ USD trong thập niên tới đây, tạo cho Bắc Kinh một nền móng vững chắc ở phương Tây. Điều này giúp cho cường quốc châu Á gia tăng sự ảnh hưởng ra bên ngoài khu vực, đảm bảo các nguồn cung dài kỳ về những mặt hàng mà nước này cần để tiếp sức cho nền kinh tế, tạo việc làm cho lao động trong nước và giúp mở thêm các thị trường mới cho xuất khẩu.

Trung Quốc còn muốn dùng tiền để tái định hình cấu trúc tài chính thế giới. Mới đây, Trung Quốc mở Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) để cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Trong số 57 nước tham gia như các thành viên sáng lập có một số đồng minh của Mỹ, bất chấp sự phản đối từ Washington. Với các sáng kiến như AIIB, Bắc Kinh sẽ tiếp tục rót vốn cho các dự án hạ tầng trong những năm sắp tới.

Thách thức

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức dài hạn.

Đến năm 2050, ước tính lực lượng lao động của nước này sẽ giảm 17%. Về nhân khẩu học - vào năm 1980, tuổi trung bình của lực lượng lao động ở Trung Quốc là 22,1; năm 2013 là 35,4 và đến năm 2050 là 46,3.

Một lực lượng lao động già hóa được ví như một ngôi sao bóng đá tuổi cao: cần nhiều tiền hơn và không năng suất như thời trẻ.

Ô nhiễm tiếp tục khiến Trung Quốc phải trả giá - chưa đầy 1% trong tổng số 500 thành phố của nước này đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng không khí mà Tổ chức Y tế thế giới đặt ra.

Bộ Môi trường Trung Quốc thừa nhận, gần 2/3 lượng nước ngầm và 1/3 nước bề mặt "không phù hợp cho tiếp xúc của con người".

Một nghiên cứu mới ước tính, 4.000 người Trung Quốc chết sớm mỗi ngày do ô nhiễm không khí.

Khi ngày càng nhiều người Trung Quốc gia nhập tầng lớp trung lưu, ban lãnh đạo nước này sẽ phải giải quyết nhu cầu lớn hơn của người dân về nước và không khí sạch.

Rõ ràng, sự lớn mạnh của Trung Quốc đang làm thay đổi trật tự đã được thiết lập của thế giới. Thế nhưng, những yếu điểm của nước này cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn cầu. Còn quá sớm để khẳng định yếu tố nào trong hai mặt kể trên gây bất ổn hơn, nhưng dù thế nào thì thế giới vẫn sẽ được định hình bởi cả những thành công lẫn thất bại của Bắc Kinh.

Theo Thanh Hảo

Vietnamnet

Trung Quốc có còn mạnh? - 2