Trung Quốc có chiêu thức gì đối phó với đòn áp thuế của Mỹ?
Chủ tịch Tập Cận Bình đang có rất nhiều lựa chọn để đáp trả mối đe dọa của Mỹ trên mặt trận thương mại.
Đại diện cấp cao về thương mại của Chủ tịch Tập Cận Bình, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Washington vào ngày 9/5 để tham gia một cuộc đàm phán được coi là thử thách đối với niềm tin về kinh tế của Mỹ và Trung Quốc.
Sau những lo ngại về đà tăng trưởng chậm thời gian gần đây, cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump đều nhìn thấy những dấu hiệu phục hồi đối với nền kinh tế của mỗi nước. Điều này khiến họ không dễ dàng chấp nhận một thỏa thuận “yếu”, ít mang lại lợi ích cho mỗi bên và có nhiều động lực hơn để đáp trả các đòn áp thuế lẫn nhau. Helen Qiao, giám đốc bộ phận kinh tế Trung Quốc của Ngân hàng America Merrill Lynch có trụ sở ở Hồng Kông nhận xét: “Nếu các bên đạt được một thỏa thuận thì đó sẽ là tin tốt lành, nhưng hiện giờ cả Mỹ và Trung Quốc đều cảm thấy không cần thiết phải nhanh chóng đạt được một thỏa thuận với những nhượng bộ đáng kể ở mỗi bên”.
Những số liệu kinh tế sáng sủa đã tạo cho Tổng thống Mỹ Donald Trump có thêm đòn bẩy để theo đuổi lập trường cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Cuối tuần qua, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ tăng thuế từ 10% lến 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 10/5 tới, đồng thời đe dọa sẽ "sớm" áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc. Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có rất nhiều lựa chọn để đáp trả mối đe dọa của Mỹ.
Ăn miếng trả miếng
Hãng tin Bloomberg dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc đang chuẩn bị đánh thuế đáp trả sau khi quyết định áp thuế bổ sung của Tổng thống Trump có hiệu lực từ ngày 10/5 tới. Theo đó, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đánh thuế vào các lĩnh vực dễ “gây tổn thương về mặt chính trị” cho ông Trump, chẳng hạn như lĩnh vực nông nghiệp của Mỹ. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể thực thi những biện pháp cứng rắn đối với các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc.
“Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ phải đưa ra một số hình thức đối phó để tránh gây ảnh hưởng đến chính sách kinh tế trong nước”, bà Helen Qiao nói.
Trong trường hợp xấu nhất, rào cản thuế quan của Mỹ sẽ bị đáp trả bằng biện pháp tăng thuế tương ứng từ Trung Quốc, đặc biệt những loại xe ô tô do Mỹ sản xuất dễ rơi vào tầm ngắm. Và Trung Quốc có thể chuyển sang mua sản phẩm nông nghiệp từ các quốc gia khác, chẳng hạn như đậu nành của Brazil, thay vì nhập khẩu từ Mỹ.
Biện pháp mạnh tay này tuy không khó thực hiện, nhưng nó dễ kéo dài cuộc chiến thương mại và làm giảm uy tín của Trung Quốc trong việc chứng tỏ nước này là quốc gia luôn đấu tranh vì thương mại tự do.
Khoanh tay đứng nhìn
Chủ tịch Tập Cận Bình có thể thực hiện chiến thuật khoanh tay đứng nhìn cho đến khi ông Trump tự xóa bỏ các mối đe dọa. Tuy vậy không rõ lần này, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ nhượng bộ hay không. Tổng thống Trump hiện đang bị chi phối bởi các cuộc thăm dò dư luận cũng như nhiều cuộc điều tra chống lại ông. Nhiều khả năng, ông sẽ tính tới đẩy mạnh cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc khi bước vào chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 tới, bởi điều này sẽ giúp ông đánh lạc hướng dư luận và nhận được thêm nhiều sự ủng hộ của cử tri.
Ông James McGregor, Chủ tịch công ty APCO Worldwide tại Trung Quốc cho biết, dù Chủ tịch Tập Cận Bình “án binh bất động” thì tình hình cũng dễ leo thang căng thẳng bởi “sự bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc – những người không thật sự hiểu nhau, những người đầy quyền lực và có ảnh hưởng to lớn đối với hệ thống kinh tế và chính trị của mỗi quốc gia mà họ đứng đầu”.
Tận dụng sự khác biệt trên chính trường Mỹ
Trung Quốc có thể tận dụng sự khác biệt giữa hai trường phái chính trị tại Mỹ, một trường phái có quan điểm cứng rắn và một trường phái có quan điểm ôn hòa về vấn đề thương mại Mỹ-Trung để đạt được lợi ích. Theo nhà phân tích Peter Martin, và Kevin Hamlin của tờ Bloomberg, một mặt Bắc Kinh vẫn công khai bày tỏ lập trường cứng rắn với Washington, nhưng phía sau lại âm thầm tiến hành các cuộc đàm phán riêng rẽ với những nhân vật có quan điểm ôn hòa.
Trong quá khứ, Trung Quốc từng duy trì đối thoại với những nhân vật cấp thấp hơn hoặc tìm đến những nhân vật đóng vai trò trung gian hòa giải như cựu Bộ Trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson hay cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger. Tuy vậy, biện pháp này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả.
Các nhà phân tích trên cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình có vẻ như luôn muốn gạt chiến tranh thương mại sang một bên để tập trung vào cuộc cạnh tranh quyền lực lâu dài với Mỹ. Một thỏa thuận thương mại sẽ giúp ông huy động các nguồn lực giải quyết những vấn đề ưu tiên trong nước, thay vì luôn phải đau đầu nghĩ biện pháp đối phó với đòn áp thuế mới của Mỹ.
Đàm phán trực tiếp
Lựa chọn rủi ro nhất của Trung Quốc hiện giờ là đàm phán trực tiếp: Phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu sẽ tới thủ đô Washington để đối thoại với phái đoàn Mỹ bất chấp cảnh báo tăng thuế của Tổng thống Trump.
Theo giới chuyên gia, đàm phán trực tiếp có thể mang đến một thỏa thuận, nhưng không thể không cân nhắc những rủi ro tiềm ẩn. Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình muốn duy trì đà đối thoại và đồng ý nhượng bộ để đạt được thỏa thuận với phía Mỹ thì điều này có thể gây bất lợi cho Trung Quốc.
Ngược lại nếu ông tìm cách gây sức ép với nhà lãnh đạo Mỹ thì sẽ làm Tổng thống Trump nổi giận và tìm cách áp thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. McGregor nhận xét rằng: “Chủ tịch Tập Cận Bình đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan vì không có bất cứ sự đảm bảo nào về việc kết quả đàm phán sẽ phù hợp với chính sách kinh tế của Trung Quốc”.
Theo Hồng Anh
VOV