1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc "chùn tay" chiến lược ngoại giao nhân dân tệ ở sân sau của Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn khi các quốc gia Mỹ Latin - vốn được xem là khu vực "sân sau" của Mỹ - vay vốn do các nước này gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Trung Quốc chùn tay chiến lược ngoại giao nhân dân tệ ở sân sau của Mỹ - 1

Dự án đập thủy điện Coca Codo Sinclair của Ecuador do Trung Quốc đầu tư và xây dựng (Ảnh minh họa: New York Times)

Năm 2010, Trung Quốc, với nền kinh tế phát triển mạnh và các công ty nhà nước tìm cách mở rộng ra toàn cầu, đã để mắt tới Mỹ Latin. Đây là khu vực giàu tài nguyên nhưng thiếu ngân sách và có vị trí địa chiến lược là "sân sau" của Mỹ. Rất nhanh chóng, Trung Quốc đổ tiền cho các nước này vay khoản tiền kỷ lục 35 tỷ USD trong 1 năm để xây cảng, đường sá, đường xe lửa và các công trình cơ sở hạ tầng.

Một thập niên trôi qua và Trung Quốc dần trở nên thận trọng hơn với các khoản vay khi chứng kiến các quốc gia trong khu vực "chật vật" trả nợ cho Bắc Kinh.

Lần đầu tiên trong 15 năm, hai ngân hàng chính sách lớn nhất Trung Quốc Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc không cho khu vực này vay thêm bất cứ khoản nào trong năm 2020.

Dữ liệu trên được trích dẫn từ bản báo cáo của tổ chức Đối thoại Liên châu Mỹ và trung tâm chính sách và phát triển toàn cầu của đại học Boston. Hai tổ chức có trụ sở tại Mỹ này đã theo dõi trong hàng năm qua chính sách "ngoại giao nhân dân tệ" của Trung Quốc ở khu vực "sân sau" của Washington.

Tầm ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao gia tăng của Trung Quốc ở khu vực đã làm các nhà hoạch định chính sách của Mỹ lo ngại. Thách thức giành lại tầm ảnh hưởng đang đặt lên vai của Tổng thống Mỹ Joe Biden - người cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực này là mối đe dọa an ninh quốc gia. Nhưng giới quan sát nhận định đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Mặt khác, đại dịch Covid-19 đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho Trung Quốc ở khu vực. Một mặt, Bắc Kinh có thể gia tăng tầm ảnh hưởng bằng việc tài trợ thiết bị y tế cho khu vực. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra chính là đại dịch đã tàn phá nền kinh tế các nước Mỹ Latin, khiến họ càng thêm khó khăn trong việc trả nợ Trung Quốc.

Trung Quốc chịu ảnh hưởng lớn từ những thiệt hại này. Năm ngoái, Ecuador đã đàm phán để xin Trung Quốc hoãn trả nợ 1 năm với khoản tiền gần 900 triệu USD. Venezuela cũng đề nghị Bắc Kinh gia hạn thêm thời gian trả nợ.

"Với việc khu vực Mỹ Latinh đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có, Trung Quốc dường như không thể cho vay thêm nữa. Thay vào đó, họ phải tự vật lộn với danh mục đầu tư có vấn đề của chính họ", chuyên gia Margaret Myers từ tổ chức Đối thoại Liên châu Mỹ nhận định.

Giờ đây, Trung Quốc tuyên bố họ sẽ thận trọng hơn khi xem xét các dự án và thận trọng khi đầu tư sau khi đối mặt với thực tế là nhiều nước đi vay mà không thể chi trả đúng hạn.