1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc bị nghi “phóng đại” năng lực tàu sân bay

(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng tàu sân bay Sơn Đông mới của Trung Quốc có thể sẽ mang được ít máy bay chiến đấu hơn dự tính và cần thêm thời gian để hoàn thiện trước khi đáp ứng được các tiêu chuẩn tác chiến.

Trung Quốc bị nghi “phóng đại” năng lực tàu sân bay - 1

Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc tại cảng ở Đại Liên (Ảnh: BI)

Hình ảnh từ đoạn phóng sự do kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV thực hiện cho thấy, khoảng 30 phi công lái máy bay chiến đấu trên tàu sân bay đã có mặt khi Chủ tịch Tập Cận Bình dự lễ biên chế tàu sân bay Sơn Đông tại tỉnh Hải Nam hôm 17/12. Sơn Đông là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc và là tàu sân bay đầu tiên do Bắc Kinh tự đóng.

Giới phân tích nhận định, sự xuất hiện của 30 phi công cho thấy số lượng phi công có khả năng lái máy bay chiến đấu trên tàu sân bay của Trung Quốc hiện mới chỉ đủ cho 2 đội bay, tương đương 24 máy bay chiến đấu J-15, thay vì 36 máy bay chiến đấu trên tàu Sơn Đông như truyền thông Trung Quốc đưa tin trước đó.

“Tỷ lệ tiêu chuẩn giữa số lượng máy bay chiến đấu trên tàu sân bay với số lượng phi công là 2:3. Sơn Đông chưa trang bị nhiều máy bay chiến đấu vì tàu này mới chỉ đang ở giai đoạn biên chế ban đầu”, chuyên gia hải quân Li Jie tại Bắc Kinh cho biết.

Trước đó, CCTV đưa tin hồi tháng 8 rằng, tàu sân bay Sơn Đông có thể chở tới 36 máy bay chiến đấu J-15 do Trung Quốc sản xuất, nhiều hơn gần 50% so với sức chứa của tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Zhou Chenming tại Bắc Kinh, mặc dù tàu sân bay Sơn Đông có nhiều không gian để chứa máy bay chiến đấu hơn tàu sân bay Liêu Ninh, song Sơn Đông khó có thể chở cùng một lúc tới 36 chiếc J-15.

“J-15 khá lớn, trong khi một tàu sân bay không thể chỉ chở toàn máy bay chiến đấu”, chuyên gia Zhou nhận định.

Hải quân Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng một hạm đội gồm 4 nhóm tàu sân bay và đã tăng cường huấn luyện phi công lái máy bay chiến đấu trong suốt một năm qua. Hải quân Trung Quốc chọn cách đào tạo học viên từ các trường đại học không quân hải quân, hơn là huấn luyện các phi công đã có kinh nghiệm trong lực lượng không quân.

Theo chuyên gia Li, tàu sân bay Sơn Đông vẫn chưa hoàn thiện “năng lực tác chiến ban đầu” (IOC), tức là các tiêu chuẩn cơ bản để có thể triển khai trên thực địa.

“Tàu này cần có thêm thời gian”, ông Li nói.

Tới tháng 5 năm ngoái, tức 6 năm sau khi được biên chế, tàu sân bay Liêu Ninh mới đạt được IOC. Liêu Ninh là tàu sân bay thuộc lớp Kuznetsov của Liên Xô, được Trung Quốc tân trang lại sau khi mua của Ukraine.

Năng lực tiêm kích tàu sân bay

Trung Quốc bị nghi “phóng đại” năng lực tàu sân bay - 2

Máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Trung Quốc mất hơn 10 năm để phát triển máy bay chiến đấu J-15, được cho là “nhái” theo nguyên bản của dòng máy bay chiến đấu 2 động cơ Su-33 của tập đoàn Sukhoi Nga dù thiết kế này đã có tuổi đời hơn 30 năm. J-15 hiện là tiêm kích tàu sân bay nặng nhất thế giới, nhưng nó cũng là tiêm kích tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc.

Giới phân tích quân sự vẫn hoài nghi năng lực tác chiến của J-15, đặc biệt sau khi xảy ra vụ hai chiếc J-15 rơi tháng 4/2016 làm 1 người chết và 1 người thương nặng. Các cuộc điều tra nói rằng 2 vụ rơi máy bay là do hệ thống kiểm soát bay trục trặc.

Động cơ và trọng lượng lớn của J-15 khiến máy bay chiến đấu này hoạt động không thực sự hiệu quả. Khi cất cánh trong tình trạng không vũ khí, J-15 nặng tới 17,5 tấn, trong khi F-18 của Hải quân Mỹ chỉ nặng 14,5 tấn.

J-15 có thể mang theo hơn 3 tấn vũ khí. Tuy nhiên, do trọng lượng máy bay lớn nên cần mang nhiều nhiên liệu cho chuyến bay, vì vậy để đạt tầm bay tối đa là 700 km, J-15 chỉ mang được tối đa 2 tấn vũ khí. Nếu mang theo tối đa vũ khí, J-15 buộc phải giảm bớt nhiên liệu, khi đó tầm tác chiến của máy bay này sẽ bị rút ngắn lại.

“Nhiều năm trước, Trung Quốc quyết định sẽ tiết kiệm chút ngân sách và thay vì mua thẳng Su-33 từ Nga để có thể được Nga cung cấp giấy phép sản xuất chính thống ở Trung Quốc, họ đã lựa chọn mua nguyên mẫu của Su-33. Kết quả là, quá trình phát triển J-15 tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn kỳ vọng của Bắc Kinh rất nhiều. Mặt khác, các máy bay chiến đấu này thiếu đi độ tin cậy nhất định”, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho biết.

Do thiết kế phóng máy bay theo cơ chế nhảy cầu cả trên tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, thời gian cần thiết để J-15 cất cánh từ tàu sân bay gấp 3 lần so với thời gian  các máy bay F-18 được phóng từ tàu sân bay Mỹ.

“Máy phóng hơi nước trên tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ chỉ mất 45 giây để phóng một máy bay, trong khi dốc phóng nhảy cầu mất từ 1 phút rưỡi tới 2 phút”, chuyên gia Li nói thêm.

Một nguồn tin thân cận với hải quân Trung Quốc cho biết tàu sân bay Liêu Ninh có thể phóng 14 máy bay chiến đấu J-15 trong một lần thử nghiệm, trong khi tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ có thể phóng tới 40 máy bay chiến đấu.

“Liêu Ninh và Sơn Đông cho đến nay vẫn chỉ có thể được sử dụng cho mục đích phòng vệ, vì tàu sân bay lớp Kuznetsov được thiết kế để có mang các hệ thống tên lửa uy lực, thay vì phóng máy bay chiến đấu”, nguồn tin cho biết.

Thành Đạt

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm