1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc bị chỉ trích cưỡng ép kinh tế trong đánh giá chính sách tại WTO

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ và các đồng minh đã chỉ trích Trung Quốc vì hành vi thương mại không công bằng trong đánh giá chính sách tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm nay.

Trung Quốc bị chỉ trích cưỡng ép kinh tế trong đánh giá chính sách tại WTO - 1

Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen (Ảnh: SCMP).

Phản ứng trước động thái trên, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen ngày 28/10 cho biết, nhiều khiếu nại và yêu cầu do Mỹ và các nước phương Tây đưa ra trong đợt đánh giá định kỳ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) về chính sách thương mại Trung Quốc vào tuần trước đã nhắm đến nhiều lĩnh vực, như quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường, không nằm trong phạm vi diễn đàn hoặc lĩnh vực do WTO giám sát.

Ông Wang cho rằng phần lớn khiếu nại không được coi là đánh giá công bằng, thay vào đó chỉ nên được xem là đề xuất cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ nghiêm túc xem xét tất cả quan ngại của các nước trong phạm vi WTO để đáp ứng các nghĩa vụ của mình với tư cách là một thành viên của tổ chức.

Trong đợt đánh giá thành viên đối với Trung Quốc, các nước gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Anh, Australia và Canada đều chỉ trích các hành vi của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đã thực hiện "các hành vi thương mại không công bằng" và gây ra "sự ép buộc kinh tế".

Đánh giá lần này được cho là cứng rắn hơn nhiều so với đợt đánh giá hồi năm 2018, cho thấy căng thẳng giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại phương Tây chủ chốt đã trở nên nghiêm trọng như thế nào trong những năm gần đây.

Năm nay, Trung Quốc đã nhận được kỷ lục 2.562 câu hỏi từ 39 quốc gia thành viên, tăng 16% so với đợt đánh giá năm 2018.

Theo bảng xếp loại hiện tại của WTO, Trung Quốc nằm trong nhóm các nước đang phát triển và được hưởng những đặc quyền riêng dành cho nhóm này. Theo đó, Trung Quốc được phép trợ giá nông nghiệp và đặt hàng rào thuế quan cao hơn đối với hàng hóa dịch vụ nhập khẩu từ các nền kinh tế phát triển hơn.

Việc Trung Quốc tự nhận là nền kinh tế đang phát triển khiến Mỹ không hài lòng. Washington đề xuất đưa Trung Quốc ra khỏi nhóm này nhằm giảm bớt những đặc quyền mà Bắc Kinh và các nước đang phát triển khác được hưởng về thương mại trong khuôn khổ WTO.

Mỹ từ lâu đã than phiền rằng có quá nhiều nước thành viên WTO tự cho mình là nước đang phát triển để được hưởng những đặc quyền có lợi trong giao dịch thương mại. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã cho rằng WTO có xu hướng thiên vị Trung Quốc kể từ khi nước này gia nhập tổ chức vào năm 2001.

Tuy vậy, những nước có nền kinh tế lớn mạnh như Trung Quốc vẫn khẳng định quyền ưu đãi đặc biệt mà họ được hưởng là hòn đá tảng quan trọng trong hệ thống thương mại toàn cầu. Trung Quốc vẫn tự coi mình là quốc gia đang phát triển, dù nước này là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Những tranh cãi trên đã phản ánh sự chia rẽ về căn bản trong nội bộ WTO và đe dọa tương lai của tổ chức thương mại đa phương toàn cầu này. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn khẳng định nước này không trốn tránh trách nhiệm. Thứ trưởng Wang cho biết Trung Quốc đã đáp ứng tất cả nghĩa vụ của WTO và nước này vẫn là nền kinh tế đang phát triển.