Trung Quốc bất ngờ "dịu giọng" sau loạt đòn trừng phạt của Mỹ
(Dân trí) - Trung Quốc kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán với chính quyền của tổng thống đắc cử Mỹ khi quan hệ song phương đang leo thang căng thẳng.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung hôm nay 7/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố "hai nước nên hợp tác cùng nhau".
"Chúng ta cần nỗ lực để tái khởi động đối thoại, quay trở lại đúng quỹ đạo, tái xây dựng niềm tin lẫn nhau trong giai đoạn tiếp theo của quan hệ Mỹ - Trung", ông Vương Nghị nói.
Nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng hai nước "hoàn toàn có thể hợp tác trong các lĩnh vực như xử lý dịch bệnh, phục hồi kinh tế và biến đổi khí hậu". Ông Vương cho biết "nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay đối với hai nước là cùng nhau loại bỏ tất cả rào cản để đạt được một cuộc chuyển giao suôn sẻ trong quan hệ Trung - Mỹ".
Khác với giọng điệu cứng rắn thường thấy của các nhà ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi hai nước nỗ lực để "tăng cường sự đồng thuận" và hợp tác.
"Đối với những vấn đề không thể giải quyết ngay lập tức, chúng ta cần duy trì lập trường mang tính xây dựng để kiểm soát tình hình nhằm tránh tăng nhiệt và leo thang quan hệ Mỹ - Trung", ông Vương Nghị cho biết thêm.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung được cho là xuống mức thấp nhất kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền hồi năm 2017. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới căng thẳng trong nhiều vấn đề, từ thương mại cho tới Covid-19, Biển Đông, Hong Kong, Đài Loan…
Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi đối thoại với Mỹ sau khi ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden được truyền thông xướng tên là tổng thống đắc cử của Mỹ. Theo kế hoạch, tổng thống đắc cử Mỹ sẽ tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1 năm sau.
Ông Biden ngày 3/12 tuyên bố sẽ không lập tức dỡ bỏ thuế quan mà Tổng thống Donald Trump đã áp đặt lên Trung Quốc. Ông Biden nói rằng mục tiêu của ông là khiến Trung Quốc hiểu rằng có những chuẩn mực quốc tế mà họ phải tuân theo.
Trong cuộc phỏng vấn với New York Times gần đây, ông Biden cho biết đội ngũ của ông sẽ theo đuổi các chính sách nhằm vào "các hành động lạm dụng" của Trung Quốc như đánh cắp sở hữu trí tuệ, bán phá giá, trợ cấp bất hợp pháp cho các doanh nghiệp, ép các công ty của Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc.
Theo ông Biden, Mỹ cần xây dựng sự thống nhất đảng phái và tăng cường đầu tư chính phủ vào lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, hạ tầng và giáo dục để có thể cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Ông cũng cho rằng Mỹ cần lấy lại đòn bẩy để sử dụng trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc sau thỏa thuận đình chiến thương mại.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước thông báo đã dừng 5 chương trình trao đổi văn hóa với Trung Quốc, cáo buộc đây là "công cụ tuyên truyền quyền lực mềm" của Bắc Kinh. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ban hành lệnh trừng phạt với các quan chức Trung Quốc bị cho là có liên quan tới các "hoạt động đe dọa" những quan điểm bất đồng chính kiến với Bắc Kinh.
Mỹ được cho là chuẩn bị giáng đòn trừng phạt lên ít nhất 12 quan chức Trung Quốc bị cáo buộc liên quan tới vấn đề Hong Kong. Washington cũng công bố quy định mới hạn chế thời hạn thị thực đối với đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc từ 10 năm xuống còn 1 tháng.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3/12 cũng đưa thêm 4 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách trừng phạt, nâng tổng số doanh nghiệp Trung Quốc bị liệt vào sách đen của Mỹ lên 35. Đây là những doanh nghiệp mà Washington cho rằng thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc và có thể gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia của Mỹ.