Trung Quốc bắt đầu dùng hệ thống vệ tinh định vị tự sản xuất
(Dân trí) - Trung Quốc bắt đầu thử hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu (Beidou), một bước nữa chấm dứt sự lệ thuộc vào vệ tinh Mỹ - báo chí trong nước đưa tin, trong khi phương Tây lưu ý Bắc Đẩu cũng là một loại vũ khí có thể được dùng trong chiến tranh.
Trung Quốc bắt đầu thử hệ thống vệ tinh định vị do chính họ điều hành ngày 27/12. Mang tên là Bắc Đẩu (Beidou), đây được cho là bước đầu giúp Trung Quốc thoát khỏi sự lệ thuộc vào màng lưới vệ tinh định vị toàn cầu GPS của Mỹ (do Lầu Năm Góc phát triển và do chính phủ Mỹ kiểm soát).
“Việc sử dụng thử đánh dấu sự kiện là hệ thống này đã chuyển từ giai đoạn xây dựng sang giai đoạn ứng dụng”, ông nói.
Hiện nay, hệ thống Bắc Đẩu chỉ mới có 10 vệ tinh, kể cả một chiếc vừa được phóng lên trong tháng 12/2011.Nhưng theo kế hoạch vào năm 2012, Trung Quốc sẽ đưa thêm 6 vệ tinh khác lên quỹ đạo để tăng cường tính chính xác và mở rộng tầm hoạt động của hệ thống.
Theo báo chí Trung Quốc, hệ thống Bắc Đẩu sẽ bao gồm tổng cộng 35 vệ tinh và sẽ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực từ ngư nghiệp, khí tượng cho đến viễn thông.
Trong buổi họp báo, Giám đốc quản trị hệ thống Bắc Đẩu không hề đề cập đến các ứng dụng quân sự mà chỉ nói đến các dịch vụ dân sự thông thường, tương tự như hệ thống GPS của Mỹ. Đó là khả năng cung cấp thông tin chỉ đường cho những người lái xe, giúp xác định vị trí các xe vận tải đường trường hay tàu thuyền trên biển…
Nhưng theo hãng tin AFP, cơ quan điều hành hệ thống Bắc Đẩu lại là Tập đoàn Khoa học Công nghệ Không gian Vũ trụ Trung Quốc, một trong những nhà cung cấp chính cho chương trình không gian của Trung Quốc, một chương trình chủ yếu do quân đội kiểm soát.
“Do vậy, không thể loại trừ việc hệ thống này được dùng vào các mục tiêu quân sự”, hãng tin viết.