1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung - Nhật trong cuộc đua vũ trụ

(Dân trí) - Nhật Bản khẳng định, dự án thám hiểm Mặt Trăng mà nước này đang xúc tiến là dự án lớn nhất trong lĩnh vực trên kể từ khi phái bộ Apollo đưa những người đầu tiên lên Mặt Trăng. Trong khi đó, Trung Quốc cũng cho biết họ sẽ tiến hành nghiên cứu bề mặt của Mặt Trăng để giúp hoạch định kế hoạch đổ bộ lên hành tinh này.

Sau nhiều năm bị trì hoãn để các kỹ sư xử lý một số vấn đề kỹ thuật, Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) mới đây cho biết vệ tinh Mặt trăng SELENE đã sẵn sàng cho vụ phóng vào ngày 13/9 tới.

 

Trung Quốc cũng cho biết nước này dự định phóng vệ tinh thăm dò Chang'e 1, song không tiết lộ thời gian chính xác. Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều nói rằng mọi hệ thống đều đã sẵn sàng.

 

Theo trang web của Cơ quan hàng không vụ trụ quốc gia Trung Quốc, vệ tinh của nước này và tên lửa đẩy Trường Chinh 3 đã trải qua các cuộc thử nghiệm và công trình xây dựng khu vực phóng vệ tinh đã hoàn tất.

 

Chương trình vũ trụ phục vụ mục đích quân sự của Trung Quốc đã đạt được những bước tiến lớn trong những năm gần đây. Bắc Kinh đã tạo ra cú sốc lớn trong khu vực hồi năm 2003 khi nước này trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á đưa tàu vũ trụ có người lái lên quỹ đạo. Ngoài ra, Trung Quốc cũng khiến các nước khác phải lo ngại khi dùng tên lửa phá hủy một vệ tinh cũ hồi đầu năm nay.

 

Trong khi đó, Nhật Bản luôn bám sát Trung Quốc trong lĩnh vực trên. Sau một thập kỷ nỗ lực, tháng 2 vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã hoàn thành một mạng lưới gồm 4 vệ tinh do thám có thể hàng ngày theo dõi bất cử điểm nào trên Trái Đất.

 

Chương trình trên được thúc đẩy sau vụ Bắc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo Taepodong năm 1998 bay qua đảo Honshu và rơi xuống Thái Bình Dương. Tuy nhiên, một trong những vệ tinh trên gặp sự cố khiến hiệu quả của mạng lưới trên trở nên đáng nghi ngờ. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm, chính phủ Nhật Bản chi khoảng 60 tỷ yên (khoảng 508 triệu USD) cho các vệ tinh do thám.

 

Các cường quốc trong khu vực như Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan đều đã đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Bắc Triều Tiên cũng khẳng định đưa đưa một vệ tinh lên quỹ đạo cùng với vụ phóng tên lửa đạn đạo năm 1998 và đã sử dụng vệ tinh đó để phát các bài hát ca ngợi nhà lãnh đạo Kim Châng In, song lời khẳng định trên vẫn chưa được chứng minh.

 

Tuy nhiên, chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc và Nhật Bản được coi là những chương trình vũ trụ tham vọng nhất. Các quan chức JAXA cho biết dự án phóng vệ tinh SELENE trị giá 32 tỷ yên (khoảng 271 triệu USD) là dự án thám hiểm Mặt Trăng lớn nhất kể từ sau chương trình Apollo cả về phạm vi và tham vọng, vượt qua cả chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Liên Xô cũ và NASA. SELENE gồm đưa một vệ tinh chính vào quỹ đạo quanh Mặt Trăng và đưa hai vệ tinh nhỏ hơn vào các quỹ đạo Mặt Trời để nghiên cứu nguồn gốc cũng như sự phát triển của Mặt Trăng.

 

Trong khi đó, vệ tinh Chang'e 1 sẽ sử dụng các camera âm thanh nổi và quang phổ kế tia X để tái hiện những hình ảnh ba chiều của bề mặt Mặt Trăng và nghiên cứu bụi trên đó. Ước tính, Trung Quốc đã chỉ 185 triệu USD cho công việc trên.

 

Mặc dù, các quan chức hai nước đều tìm cách giảm bớt tầm quan trọng của việc hai bên cạnh tranh lẫn nhau, song thế đối đầu của họ trong khu vực không bao giờ có thể che giấu được.

 

Tờ "Thời báo Nhật Bản" số ra ngày 27/8 nhận định, điều quan trọng lúc này không phải là vấn đề khoa học mà là nước nào sẽ đặt chân lên Mặt Trăng trước.

 

Giới phân tích nhận định, với việc hai cường quốc lớn nhất ở châu Á thực hiện các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng vào đầu tháng tới, đây sẽ là cuộc chạy đua vũ trụ gay gắt nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. 

 

Anh Đức