Trung - Nhật lần đầu đối thoại an ninh sau 4 năm
(Dân trí) - Trung Quốc và Nhật Bản hôm nay (19/3) đã có cuộc đối thoại an ninh cấp cao đầu tiên sau 4 năm, sau những căng thẳng gần đây về vấn đề lãnh thổ và bất đồng từ lịch sử.
Cuộc gặp diễn ra tại Tokyo nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp 3 bên với sự tham gia của Hàn Quốc vào thứ Bảy tới.
Vòng đàm phán cuối cùng giữa Nhật và Trung Quốc diễn ra năm 2011, trước khi căng thẳng bùng phát do tranh cãi liên quan đến một quần đảo trên biển Hoa Đông.
Trung Quốc ngoài ra cũng cho rằng Nhật đã không bày tỏ sự chân thành đúng mực trước quá khứ hiếu chiến trong Thế chiến II.
Dù vậy, theo phóng viên BBC đưa tin về cuộc gặp, Bắc Kinh tin rằng quan hệ đang từng bước cải thiện, và mục tiêu hàng đầu của cuộc gặp lần này là thiết lập một đường dây nóng về thông tin trên biển.
Đã từng có lo ngại rằng một cuộc đụng độ - dù vô tình hay hữu ý - giữa các tàu tuần tra bán quân sự của Trung Quốc và Nhật trong khi làm nhiệm vụ quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột.
Thứ trưởng ngoại giao Nhật khẳng định với các phóng viên rằng cả hai bên hy vọng “thảo luận cụ thể về ý định và suy nghĩ đằng sau chính sách quốc phòng của mỗi bên”.
Người đồng cấp phía Trung Quốc, trợ lý ngoại trưởng Liu Jianchao cho biết Trung Quốc hy vọng hai nước có thể “xây dựng một ý trí đối diện với lịch sử một cách công bằng và hướng về tương lai”.
Hồi tháng 11, Chủ tịch Trung Quốc và thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Bắc Kinh, nhưng cả hai nhà lãnh đạo đã có cái bắt tay rất lạnh lùng, miễn cưỡng.
Ngoài các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ, Trung Quốc cũng muốn bàn về những thay đổi trong chính sách quân sự của Nhật dưới thời thủ tướng Abe.
Nhật vẫn bảo vệ việc tái diễn giải hiến pháp hòa bình đề cho phép quân đội sử dụng vũ lực bảo vệ các đồng minh bị tấn công, mà Tokyo gọi là “phòng thủ tập thể”. Trung Quốc thì từng cáo buộc Nhật đang “tái quân sự hóa”.