1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung - Nga chưa thể ký thỏa thuận khí đốt

(Dân trí) - Bất chấp những ngôn từ hoa mỹ được tung hứng trong chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc vẫn chưa thể đặt bút ký vào thỏa thuận khí đốt lịch sử như giới phân tích kỳ vọng trước đó.

Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình chưa đạt được đồng thuận trong giá khí đốt.

Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình chưa đạt được đồng thuận trong giá khí đốt.

Kết thúc cuộc hội đàm song phương ở Thượng Hải ngày hôm qua, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký Tuyên bố chung cam kết tăng cường hợp tác trên nhiều phương diện.

Theo tuyên bố, hai nước đặc biệt chú trọng hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Liên minh Á - Âu (sẽ được thành lập ngày 1/1/2015).

Hai bên cũng cam kết đi sâu hợp tác, phối hợp quan điểm để đưa ra các đề xuất chung trong khuôn khổ "Hội nghị cấp cao lần thứ 4 về tương tác và giải pháp xây dựng lòng tin ở châu Á" (CICA) diễn ra ở Thượng Hải.

Mặc dù đạt được một loạt thỏa thuận, nhưng phần nội dung quan trọng nhất và được trông đợi nhiều nhất là hai bên sẽ ký kết hợp đồng kỷ lục về khí đốt lại không diễn ra.

Theo các nguồn tin thân cận, các nhà đàm phán của hai bên đã không thể đi đến nhất trí về mức giá bán khí đốt cho Trung Quốc, khiến hợp đồng trị giá 400 tỷ USD phải tạm thời gác lại.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, vẫn bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ được ký kết vào hôm nay (21/5) trước khi Tổng thống Putin về nước.

“Chuyến thăm vẫn chưa kết thúc. Các cuộc thương lượng sẽ tiếp tục và (kết quả) có thể đạt được bất cứ lúc nào. Chúng tôi chỉ còn phải thảo luận thêm một chút về giá cả”, ông Dmitry Peskov nói.

Trong trường hợp hợp đồng vẫn chưa thể ký được trong ngày hôm nay, hai nhà lãnh đạo đặt mục tiêu sẽ đặt bút ký vào cuối tuần này tại Diễn đàn APEC sẽ diễn ra ở St. Petersburg.

Theo ước tính, nhu cầu khí đốt của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2020. Trong khi đó, Nga cũng đang có nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Á để bù đắp suy giảm từ thị trường châu Âu do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Vũ Anh
Theo Xinhua, AFP