1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Đông và châu Phi – một năm nhìn lại

Gần 5 năm kể từ ngày khởi đầu làn sóng bạo lực Trung Đông - Bắc Phi, song các nước ở khu vực này vẫn chật vật đối phó với vấn đề an ninh khi bạo lực và xung đột vẫn bùng phát ở khắp nơi.

Trung Đông và châu Phi – một năm nhìn lại - 1

Hiện trường đổ nát sau một vụ không kích tại Syria (Ảnh: THX/TTXVN)

Điểm nóng vẫn chưa hạ nhiệt

Cuộc nội chiến tại Syria kéo dài hơn bốn năm qua chưa có hồi kết thì một cuộc chiến mới chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) được hình thành tại quốc gia Trung Đông này.

Liên minh do Mỹ đứng đầu đã tiến hành các chiến dịch không kích lớn ở cả Syria và Iraq, nhưng kết quả đạt được không nhiều. Sức mạnh của IS ngày càng lan rộng khiến lần lượt nhiều vùng đất chiến lược ở Iraq và Syria rơi vào tay tổ chức khủng bố này.

Trước tình hình đó, đáp ứng lời kêu gọi trợ giúp của chính quyền Syria, bắt đầu từ ngày 30-9-2015, Nga đã mở màn chiến dịch không kích chống IS. Chiến dịch không kích của Nga đã gây thiệt hại đáng kể cho IS và giúp chính quyền Damascus giành lại nhiều vùng đất chiến lược từ phiến quân.

Tuy nhiên, những diễn biến trên mặt trận chống khủng bố ngày càng khó lường. IS gia tăng hoạt động và thâm nhập ngày càng sâu vào các nước, tới tận trung tâm châu Âu và Mỹ.

Loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu do IS tiến hành ngày 13-11-2015 ở thủ đô Paris của Pháp làm 130 người thiệt mạng. Nhiều vụ tấn công do IS trực tiếp chỉ đạo như: Vụ xả súng kinh hoàng tại thành phố San Bernadino, thuộc bang California của Mỹ làm 14 người thiệt mạng và ở nhiều nước khác buộc phương Tây phải mở rộng mặt trận chống khủng bố ở Trung Đông.

Pháp, Anh và Đức, các nước từng từ chối tham gia các chiến dịch không kích IS ở Syria, đã trở thành những đồng minh chủ chốt cùng Mỹ mở rộng việc đưa máy bay tham chiến chống IS từ Iraq sang Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ dù lúc đầu không ủng hộ các cuộc không kích của Mỹ ở Syria, song trước diễn biến phức tạp của cuộc chiến chống IS, Ankara buộc phải tham gia các chiến dịch không kích, mở các căn cứ cho máy bay Mỹ và liên quân xuất kích.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên cả Nga và phương Tây cùng tham gia cuộc chiến chống kẻ thù chung IS, song không cùng mặt trận. Nga ủng hộ và hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống IS, trong khi liên quân do Mỹ đứng đầu lại hậu thuẫn lực lượng đối lập ở Syria.

Mặc dù hậu thuẫn hai phía đối địch, song trước diễn biến phức tạp của mặt trận này, một số nước như: Anh, Pháp đã “bắt tay” Nga, trong khi Mỹ cũng để ngỏ khả năng tăng cường hợp tác với Moskva trong cuộc chiến chống khủng bố.

Với mục tiêu bảo vệ các quốc gia Hồi giáo khỏi các tổ chức và các nhóm khủng bố đang ngày càng trở nên nguy hiểm, ngày 15-12-2015, Saudi Arabia cũng tuyên bố thành lập một liên minh quân sự Hồi giáo gồm 34 quốc gia chống chủ nghĩa khủng bố. Liên minh này do Saudi Arabia dẫn đầu, với trung tâm tác chiến chung đặt tại thủ đô Riyadh để điều phối và hỗ trợ các chiến dịch quân sự.

Gần 5 năm kể từ ngày khởi đầu làn sóng bạo lực Trung Đông - Bắc Phi, song các nước ở khu vực này vẫn chật vật đối phó với vấn đề an ninh khi bạo lực và xung đột vẫn bùng phát ở khắp nơi, từ Syria, Iraq, Israel, Palestine đến Libya, Ai Cập, Tunisia.

Mặc dù Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột kéo dài nhất trong lịch sử thế giới hiện đại giữa Israel và Palestine, song bạo lực vẫn xảy ra liên tiếp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở vùng đất Trung Đông khói lửa này.

Các vụ đụng độ giữa cảnh sát Israel và người Palestine xảy ra ở các vùng đất Israel chiếm đóng gây nhiều thương vong cho cả hai phía, trong đó phần lớn là dân thường Palestine. Tiến trình hòa bình Trung Đông vì thế dậm chân tại chỗ và giải pháp hai nhà nước vẫn xa vời.

Trong khi đó, các nước như Ai Cập, Tunisia vừa phải tiếp tục hoàn tất tiến trình chuyển tiếp chính trị, phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, vừa phải đối phó mối đe dọa khủng bố. Nhiều vụ tấn công đẫm máu đã xảy ra ở Ai Cập, Tunisia, Libya, gây thiệt hại nặng nề cho các nền kinh tế bên bờ Địa Trung Hải vốn có thu nhập cao từ du lịch.

Riêng tại Tunisia, xảy ra hai vụ đánh bom đẫm máu làm hàng chục người thiệt mạng, trong đó có nhiều công dân các nước phương Tây, khiến nước này phải áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt.

Ai Cập đã tiến hành các đợt truy quét các phần tử IS ở Bán đảo Sinai, tiêu diệt nhiều tay súng nhưng cũng khiến nhiều nhân viên an ninh thiệt mạng.

Libya gần như bị tan rã bởi một đất nước có hai Quốc hội, hai Chính phủ. Những nỗ lực trung gian hòa giải của cộng đồng quốc tế, trong đó đại diện là Liên hợp quốc, vẫn chưa đạt kết quả. Sự hỗn loạn biến Libya trở thành mảnh đất màu mỡ cho IS hoạt động và có nguy cơ thành căn cứ mới của IS sau khi tổ chức cực đoan này bị truy quét ráo riết ở Iraq và Syria.

Đối với các quốc gia Tây Phi và miền nam châu lục, an ninh, khủng bố cũng là vấn đề nổi cộm.

Nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram ở Nigeria trở thành mối đe dọa lớn, liên tiếp tiến hành các vụ tấn công đẫm máu làm hàng nghìn người thiệt mạng trong năm qua. Các nước trong khu vực buộc phải thành lập một liên minh chống Boko Haram.

Trước mối đe dọa từ nhóm khủng bố có tư tưởng chống phương Tây này, Mỹ và Pháp, dù bận rộn với mặt trận chống IS ở Syria và Iraq, vẫn phải đưa lính đặc nhiệm tới châu Phi và đổ không ít tiền của giúp các binh sĩ Lục địa đen chống khủng bố.

Trong số hơn 33 tỷ USD mà Mỹ cam kết sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau của các nước châu Phi, một số tiền không nhỏ sẽ dành cho các nỗ lực chống khủng bố và duy trì hòa bình, an ninh ở khu vực này.

Hợp tác bình đẳng – cơ hội mới cho hòa bình và ổn định

Hồ sơ hạt nhân của Iran, cuộc đàm phán kéo dài hơn một thập kỷ đã được khép lại sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran với các cường quốc Nhóm P5+1 ký ngày 14-7. Thỏa thuận hạt nhân này đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ giữa Iran với Mỹ và EU, mở cánh cửa hợp tác giữa hai bên từng trải qua thời gian dài đối đầu.

Ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết, nhiều nhà lãnh đạo các nước châu Âu đã tới thăm quốc gia Hồi giáo nhằm đón đầu làn gió đầu tư mới. Chuyển biến trong quan hệ Iran - phương Tây đem đến nhiều cơ hội cho cả hai phía. Tuy nhiên vẫn còn không ít thách thức trong quá trình thực thi thỏa thuận khi quá khứ đối đầu thật sự chưa thể khép lại đối với hai bên.

Có thể thấy, bức tranh Trung Đông-châu Phi năm 2015 đan xen những gam màu sáng tối. Bên cạnh những mảng sáng của cơ hội hợp tác mới, những thách thức an ninh và mối đe dọa khủng bố vẫn là góc tối mà khu vực này tiếp tục phải đối mặt.

Tuy nhiên, với vị trí trung tâm trên “bản đồ lợi ích” của các cường quốc, vấn đề chống khủng bố và bạo lực không chỉ là thách thức của riêng Trung Đông, châu Phi mà còn là nỗi lo chung của các cường quốc vốn luôn muốn duy trì và tăng cường ảnh hưởng ở khu vực có vị trí địa-chính trị chiến lược này./.

Theo Tấn Vũ (tổng hợp)

Đảng Cộng sản Việt Nam