1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Đông hỗn loạn chưa từng có

Chưa bao giờ tình hình Trung Đông lại nguy hiểm như hiện nay. Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi ra mặt đòi lật đổ chính quyền Syria trong khi vai trò của Mỹ mờ nhạt. Tình hình trong khu vực cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi, không còn ngoan ngoãn vâng lời Mỹ.

Cả Ankara lẫn Ryiadh cùng chỉ trích Washington quá thụ động trước “những tham vọng của Nga tại Trung Đông”. Viễn cảnh vãn hồi hòa bình cho Syria thêm xa vời, trong lúc mà cuộc nội chiến trên quê hương của ông Bachar Al-Assad đang trở thành một ngòi nổ đe dọa an ninh khu vực.

Thổ Nhĩ Kỳ gây hấn và tấn công Syria

Trong 2 ngày cuối tuần qua, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ dội bom ở phía bắc thành phố Aleppo, nhắm vào thành trì của lực lượng Kurdistan (YPG), nhánh vũ trang của đảng Liên minh Dân chủ Kurdistan Syria (PYD). Về mặt chính thức, Ankara giải thích hành động này nhằm trả đũa các đợt pháo kích của quân thánh chiến vừa chiếm được tỉnh Azaz, cách đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ có 5 km.

Dù vậy, mọi người biết quá rõ ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ. Qua các đợt oanh kích liên tục trong 2 ngày qua, trước hết Ankara muốn chặn đường đảng PYD của người Kurdistan tại Syria, một chi nhánh của đảng Lao động Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ PKK. Đảng PKK bị Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.


Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào các khu vực người Kurd đang kiểm soát ở miền Bắc Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào các khu vực người Kurd đang kiểm soát ở miền Bắc Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ không muốn để cho phe nổi dậy Kurdistan tại Syria chiếm được thế thượng phong nhờ có sự hỗ trợ của cả Mỹ lẫn Nga. Ankara cũng không muốn xảy ra kịch bản các lực lượng nổi dậy Kurdistan lợi dụng thời điểm này để lập một vùng Kurdistan tự trị ở miền Bắc Syria, sát cạnh đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là điều mà Ankara không thể chấp nhận được bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại sau khi thành lập được một vùng Kurdistan tự trị ở miền Bắc Syria, thì sẽ đến lượt người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ đòi ly khai.

Mỹ tới nay hậu thuẫn cho tổ chức Kurdistan tại Syria PYD và trong thỏa thuận ngừng các hành động thù nghịch tại Syria vừa được Nga, Mỹ đồng ý tại Hội nghị An ninh Quốc tế Munich vào tuần trước, dường như các bên đều có ý định lôi kéo đảng Kurdistan PYD Syria về phía mình để củng cố mặt trận trên bộ chống IS. Chính quyền Obama đã lập tức kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngưng chiến dịch oanh kích vào miền Bắc Syria. Nhưng theo giới quan sát, Ankara tạm bỏ ngoài tai lời kêu gọi của Mỹ.

Trong một cuộc điện đàm hôm 14-2, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "không cho phép" những chiến binh YPG "thực hiện những hành vi gây hấn".

Thổ Nhĩ Kỳ không ngớt khẳng định quyết tâm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria. Đồng thời cũng chính Ankara tuyên bố sẵn sàng đưa quân vào Syria trong khuôn khổ một liên minh quốc tế chống IS. Nhưng một lần nữa cộng đồng quốc tế lo ngại đó chỉ là một cái cớ để Ankara nhắm thẳng vào các lực lượng Kurdistan. Dẫu sao, chiến dịch không kích vừa qua của Ankara được coi như là một tính toán cực kỳ nguy hiểm.

Về mặt pháp lý thì rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ gây hấn và tấn công Syria. Chính quyền Damascus đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc can thiệp. Ngày 14-2, Chính quyền Syria lên án vụ pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực do PYD chiếm giữ bên trong lãnh thổ Syria, mô tả việc này là một nỗ lực nhằm nâng cao tinh thần của những nhóm "khủng bố". Trong bản thông cáo, chính phủ Damas nói rằng việc của Syria nên để người của họ tự giải quyết.

Arab Saudi là nguồn gốc khiến khu vực Trung Đông chìm thêm vào bất ổn

Điều nguy hiểm hơn nữa là Thổ Nhĩ Kỳ còn muốn lôi kéo Arab Saudi vào cuộc. Ngày 13-2, trả lời phỏng vấn Hãng tin CNN, Ngoại trưởng Arab Saudi, Adel al-Dzhubeyr cho biết: “Tôi không nghĩ rằng ông Assad sẽ ra đi. Riyadh chủ trương một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria. Tuy nhiên, nếu giải pháp trên thất bại, thì nguyên nhân chính nằm ở chính quyền Syria và các đồng minh của họ”.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Dzhubeyr cho rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải bị hạ bệ bằng vũ lực.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Dzhubeyr cho rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải bị hạ bệ bằng vũ lực.

Ngoại trưởng Arab Saudi cũng khẳng định, Ryiadh sẵn sàng đưa quân vào Syria để chiến đấu chống lại tổ chức IS, tuy nhiên, lực lượng quân đội Arab Saudi sẽ chỉ hoạt động trong đội hình liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu.

Các chuyên gia cho rằng đây là phản ứng mang tính bất thường, bột phát, không được thẩm định nghiêm túc của vương triều Arab Saudi. Thực tế này cho thấy những chuyển biến khó lường đoán trong bộ máy chính quyền Arab Saudi, có thể dẫn đến những khủng hoảng hết sức nghiêm trọng cho chính bản thân quốc gia này và cho khu vực.

Phản ứng trước thông tin này, Phó Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Iran Masoud Jazayeri cảnh báo Arab Saudi không được đưa quân tới Syria. Phát biểu trên kênh truyền hình Al-Aalam, ông Jazayeri nhấn mạnh Iran sẽ không để tình hình ở Syria diễn biến theo cách mà các quốc gia bảo trợ phiến quân mong muốn và Iran sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết vào thời điểm thích hợp. Iran là một quốc gia Hồi giáo theo hệ phái shiite và là kẻ thù không đội trời chung của Arab Saudi.

Còn với Nga, quan hệ giữa Ankara và Moscow đang trong giai đoạn xấu nhất từ hàng chục năm qua sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ của Nga vào mùa thu 2015.

Nhiều đánh giá thậm chí đi đến kết luận Arab Saudi là nguồn gốc khiến khu vực Trung Đông chìm thêm vào bất ổn, có chuyên gia cho rằng cần phải tính đến khả năng chế độ Ryiadh sụp đổ.

Đầu tháng 12-2015, tức hơn hai tuần sau loạt khủng bố tấn công Paris, báo chí Đức và nhiều nước giới thiệu bản báo cáo “bất thường” của Cơ quan Tình báo Đức (BND), lên án chính sách can thiệp phiêu lưu quân sự và chính trị của Thái tử kế vị số hai, Bộ trưởng Quốc phòng Arab Saudi Mohammed Ben Salman (bản tin Reuters ngày 2-12-2015), đoạn tuyệt với truyền thống đối ngoại thận trọng của cố Quốc vương Abdallah (trong số các can thiệp mang tính phiêu lưu, báo cáo nói trên nêu ra chiến dịch can thiệp quân sự tại Yemen - mà nhiều chuyên gia cho rằng Ryiadh không thể giành chiến thắng - và hậu thuẫn dành cho các lực lượng thánh chiến tại Syria).

Tờ báo tài chính Anh Financial Times, số ra ngày 7-12-2015, nêu giả thiết “nếu vương triều Wahhabite tan vỡ?” (Wahhabisme là tư tưởng làm nền tảng cho chế độ quân chủ Hồi giáo theo hệ phái Sunni của Arab Saudi và một số quốc gia Arập khác). Financial Times ghi nhận hình ảnh ngày càng xấu đi của Arab Saudi trong mắt truyền thông phương Tây.

Những tòa nhà bị hư hại nặng nề ở Aleppo, Syria.
Những tòa nhà bị hư hại nặng nề ở Aleppo, Syria.

Hồi cuối tháng 9-2015, Middle East Eye – một trang mạng thời sự độc lập Anh– đăng tải thông tin về lời kêu gọi thay đổi lãnh đạo tại Arab Saudi (của một thành viên hoàng gia xin ẩn danh), nhằm tránh cho vương triều tan vỡ. Cũng trên trang mạng này, nhà báo, nhà chính trị học Anh Nafeez Ahmed có bài phân tích: “Sự sụp đổ của Arab Saudi là không thể tránh khỏi”.

Bên cạnh nguyên nhân dự trữ ngoại tệ bốc hơi do dầu hỏa mất giá, chính quyền Arab Saudi còn phải đối mặt với một loạt các thách thức trong nước như nạn thất nghiệp dâng cao, các nhu yếu phẩm chính yếu ngày càng trở nên đắt đỏ (như thực phẩm, nước sạch), do Arab Saudi chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu.

Bài “báo động về khả năng phá sản của Arab Saudi: chế độ Ryiadh có kháng cự được lại cơn sốc?” trên báo Atlantico (ngày 28-10-2015), cho biết, theo một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với đà sụt giảm hiện nay khối dự trữ ngoại tệ khổng lồ của quốc gia này “chỉ trụ lại được trong vòng 5 năm nữa. Tình trạng này sẽ để lại hậu quả nặng nề cho toàn khu vực”.

Nhà chính trị học người Pháp Frédéric Encel, chuyên gia về khu vực Trung Đông, cho rằng “chúng ta đang chứng kiến (…) những năm cuối cùng của chế độ Ryiadh”.

Mỹ đâu rồi?

Từ Ankara đến các thủ đô Arab, châu Âu đến tận Washington, Tổng thống Barack Obama bị chỉ trích là thiếu quyết đoán và thụ động. Chính thái độ lừng khừng này đã làm cho tình hình Syria nghiêm trọng thêm.

Một chuyên gia của Pháp nói rằng giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rất bất bình với Chính phủ Mỹ. Đối với Ankara, không phải chỉ có chiến thắng của Nga tại Syria làm phẫn nộ, mà vì cả một chiến lược địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, đặt trên nền tảng “không vấn đề” biến thành “không giải pháp”. Vì vị trí địa lý ở vùng châu thổ Địa Trung hải, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành tâm điểm của khủng hoảng. Là thành viên của NATO, Ankara không thể hành động một mình, nhưng “vấn đề là ông tư lệnh tối cao”. Ông này là Tổng thống Mỹ.

Một viên chức Thổ Nhĩ Kỳ giải thích: "Tổng thống Obama đã lấy một quyết định sai lầm khi vào giờ chót từ bỏ ý định oanh kích tấn công Damascus ngày 31-8-2013 trả đũa chính sách dùng vũ khí hóa học". Một viên chức khác bức xúc: "Trật tự thế giới hoàn toàn dựa vào vai trò chủ động của Washington. Mà nếu Mỹ không muốn thì chúng tôi phải làm sao?".

Phi cơ thuộc Không quân Arab Saudi.
Phi cơ thuộc Không quân Arab Saudi.

Chính cựu Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius than phiền “thái độ mập mờ của vị cơ trưởng”. Một nhà ngoại giao phương Tây khác lo ngại “tình hình Syria diễn biến theo quyết định của Moscow và Tehran hơn là ở các thủ đô phương Tây”.

Càng ngày báo chí Mỹ càng chỉ trích mạnh chủ nhân Nhà Trắng. Washington Post gọi chính quyền Obama là “mô hình của thụ động và đạo đức hỗn độn”. Ngoại trưởng John Kerry là kẻ “ngây thơ”. Báo chí Arab như Cairo Review cũng dùng lời rất nặng: "Chưa bao giờ một tổng thống Mỹ lại thành công đưa cả người Arập, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ vào chung một nỗi niềm cay đắng".

Theo Đan Kô (tổng hợp)

An ninh thế giới