Trưng cầu dân ý tại Thái Lan: Thắng nhưng chưa triệt để
(Dân trí) - Ngày 19/8, Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu ý dân về bản dự thảo hiến pháp mới của nước này. Tuy nhiên theo giới phân tích, với việc có tới 41,76% cử tri phản đối dự thảo hiến pháp, cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra vẫn là một lực lượng chính trị không thể bỏ qua tại đất nước chùa Vàng này.
Thắng nhưng chưa triệt để
Kết quả kiểm 95% số phiếu bầu trong cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên của Thái Lan cho thấy đã có 58,24% người dân chấp nhận dự thảo hiến pháp mới, được soạn thoả nhằm ngăn chặn sự trở lại của một chính phủ độc đảng như chính phủ của cựu Thủ tướng Thaksin.
Chỉ 30 phút sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont đã tuyên bố thắng lợi, nói rằng đa số người Thái đã thông qua bản dự thảo hiến pháp.
Phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia, ông Surayud nói: "Chúng tôi cho rằng bản dự thảo hiến pháp này đã được người dân thông qua và vào cuối tháng Tám, nó sẽ được đệ trình lên Nhà Vua để phê chuẩn".
Trong khi đó, Ủy ban bầu cử Thái Lan ước tính chỉ có khoảng 55% người dân, trong tổng số 45 triệu cử tri tại nước này tham gia cuộc trưng cầu dân ý, một tỷ lệ thấp hơn so với cuộc bầu cử gần đây, khi có khoảng 70% người dân tham gia bỏ phiếu.
Một trong những người từng là thủ lĩnh của đảng Người Thái Yêu người Thái (TRT) đã bị cấm hoạt động, ông Chanturon Chaisang thừa nhận rằng những nỗ lực của nhóm chính trị của ông nhằm ngăn chặn sự ủng hộ bản dự thảo hiến pháp đã thất bại.
Chấm dứt bất ổn?
Nhiều người Thái Lan, đặc biệt những người sống ở Bangkok, đã đi bỏ phiếu với mong muốn chấm dứt sự bất ổn kéo dài tại đất nước, xuất hiện kể từ khi gia đình ông Thaksin bán quyền kiểm soát của đế chế truyền thông mà ông đã sáng lập cho Xinhgapo vào tháng 1/2006.
Các nhà phân tích cho biết giới đầu tư cũng thở phào vì đã không xảy ra xáo trộn lớn, mặc dù chiến thắng ở tỷ lệ chênh lệch không lớn này cho thấy cuộc tổng tuyển cử tới đây tại Thái Lan sẽ là một cuộc chiến sáp lá cà, lộn xộn và bẩn thỉu.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc có tới 41,76% người dân bác bỏ dự thảo hiến pháp, đã gửi đến các tướng lĩnh quân sự đã lật đổ ông Thaksin trong cuộc đảo chính không đổ máu hồi tháng 9/2006 rằng họ sẽ phải vật lộn để kiểm soát thành phần của chính phủ tới đây.
Nhà phân tích chính trị Chris Baker nói: “Kết quả này nhắn nhủ chính quyền quân sự Thái Lan rằng họ sẽ gặp rắc rối trong một cuộc bầu cử và điều này khiến người ta có lý do để quan ngại về việc có thể có nỗ lực những nhằm tác động tới kết quả bầu cử”.
Ngay cả khi TRT đã bị giải tán và 111 thành viên của đảng này bị cấm tham gia vào các hoạt động chính trị, lãnh đạo của TRT vẫn hy vọng vào một sự ủng hộ lớn từ khu vực nông thôn, vốn đã hai lần giúp họ lên nắm quyền, sẽ tập hợp dưới cái tên một đảng mới.
Một số nhà quan sát cho rằng, chỉ riêng việc đa số cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu có thể coi là thắng lợi của chính phủ lâm thời bởi trên thực tế cuộc bỏ phiếu được coi là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ này.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát khác lại cho rằng dự thảo hiến pháp mới sẽ gây ra thêm đảo chính mới trong tương lai bởi lẽ Thái Lan chắc chắn sẽ không có được một chính phủ ổn định sau bầu cử.
Lịch sử Thái Lan cho thấy kể từ năm 1932 sau khi thể chế quân chủ chuyên chế được chuyển thành quân chủ lập hiến, chưa một chính phủ được bầu nào có thể tồn tại đến hết nhiệm kỳ, ngoại trừ chính phủ đầu tiên của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra (từ năm 2001 đến 2005). Sau nhiệm kỳ ổn định đó, cuối cùng ông Thaksin cũng không tránh khỏi bị lật đổ bằng một cuộc đảo chính quân sự.
Giới quan sát cho rằng với 41,76% cử tri nói không với dự thảo hiến pháp mới, cuộc trưng cầu dân ý này đã chứng tỏ rằng vẫn có sự chia rẽ lớn trong nội bộ người dân Thái Lan. Điều này sẽ là một trở ngại lâu dài cho tiến trình hoà giải cũng như sẽ ảnh hưởng lớn tới sự ổn định trong tương lai của Thái Lan.
Kiến Văn