Trung - Ấn lại đấu đá với nhau vì tàu sân bay... trên cạn
Thứ trưởng Bộ quốc phòng Ukraina Vladimir Petrovsky Mozart vừa cho biết, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đang ngỏ ý muốn sử dụng trung tâm huấn luyện phi công tiêm kích hạm Nitka của không quân nước này.
Thứ trưởng Mozart cho biết, cả 2 quốc gia này đều rất quan tâm và đã đưa vấn đề sử dụng trung tâm huấn luyện phi công mà Nga vừa triệt thoái vào trong khuôn khổ hợp tác quân sự với Ukraina. Tuy nhiên ông cũng cho biết, hiện Ukraina vẫn chưa đạt thành hiệp định với bất cứ quốc gia nào, mọi vấn đề sẽ được cân nhắc và đưa ra quyết định trong thời gian tới.
Hãng thông tấn Nga Itar-Tass cho biết, do Ukraina không có hàng không mẫu hạm nên Nitka đối với Kiev là vô dụng, chắc chắn họ sẽ cho nước khác thuê trung tâm huấn luyện tiêm kích hạm này. Đầu năm nay, Nga đã ngừng hoạt động đào tạo phi công tại trung tâm này, mất đi khách hàng lớn nhất là Nga nên họ cho quốc gia khác thuê trung tâm này cũng là hợp lý.
Tuy nhiên, Itar-Tass cũng tiết lộ là trước đây, Trung Quốc và Ấn Độ cũng nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đến trung tâm này nhưng hiện tình hình đã khác nhiều. Bắc Kinh cũng vừa đưa vào sử dụng một trung tâm tương tự trong nước nên có thể sẽ không thuê Nitka, còn Ấn Độ cũng đang xây dựng một trung tâm tương tự nên hiện cũng không mặn mà. Trong khi đó, các quốc gia khác chưa có ai bày tỏ sự quan tâm.
Trung tâm huấn luyện mặt đất là yếu tố cấu thành không thể thiếu trong công tác đào tạo phi công tiêm kích hạm
Các chuyên gia quân sự Nga thì lại có quan điểm khác. Họ cho rằng, tuy Trung Quốc đã đi trước Nga trong hạng mục xây dựng trung tâm huấn luyện phi công tiêm kích hạm nhưng có thể Bắc Kinh sẽ vẫn thuê Nitka vì quốc gia thuộc Liên Xô này rất giàu kinh nghiệm huấn luyện, đào tạo phi công tiêm kích hạm. Trung Quốc thuê trung tâm này với mục đích chính là nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia Ukraina.
Gần đây, Tạp chí Kanwa Defence Review tiết lộ, trung tâm huấn luyện phi công tiêm kích hạm của Trung Quốc đã đưa vào sử dụng hệ thống phóng tiêm kích hạm của Ukraina. Nitka không chỉ lắp đặt các đường băng sân bay kiểu cầu bật, mà còn có cả các thiết bị phóng máy bay. Thiết bị này được lắp đặt hệ thống cung cấp điện hoàn hảo, với khả năng phóng các máy bay với vận tốc khởi điểm 240km/h.
Ngày trước, Liên Xô chỉ xây dựng trung tâm huấn luyện tiêm kích hạm duy nhất này ở bán đảo Crimea của Ukraina, sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, nó thuộc sở hữu của Ukraina. Nga không còn trung tâm huấn luyện tiêm kích hạm nào, nên năm 1997 họ đã ký hợp đồng thuê trung tâm này để các phi công Nga có thể thực hành huấn luyện 1, 2 tháng/năm. Sau đó, do quan hệ giữa 2 nước cũng không được “mặn mà” lắm nên đã nhiều lần Kiev đe dọa không cho Moscow thuê nữa.
Những phiền phức mà Ukraina gây ra cộng với việc việc phi công của mình phải triển khai huấn luyện ngoài lãnh thổ là điều làm Nga không hài lòng. Vì vậy, hải quân Nga đã quyết định chấm dứt sứ mệnh huấn luyện tại căn cứ này, triển khai xây dựng trung tâm huấn luyện tiêm kích hạm ở Eysk, thuộc khu vực biển Azov. Cuối tháng 7 vừa qua, trung tâm huấn luyện của Nga đã chính thức hoạt động, 2 chiếc tiêm kích hạm MiG-29K đã hoàn tất những chuyến bay đầu tiên tốt đẹp trên mô hình đường băng tàu sân bay của trung tâm.
Điểm khác biệt lớn nhất của trung tâm huấn luyện tiêm kích hạm mới của Nga, so với trung tâm cũ Liên Xô xây dựng ở Ukraina là nó còn bao gồm cả trung tâm huấn luyện trực thăng hạm. Các chuyên gia quân sự Nga cho biết, sau khi được đưa vào sử dụng, nếu Ấn Độ muốn, Nga sẽ giúp Ấn Độ huấn luyện phi công tiêm kích hạm và trực thăng hạm.