Trùm Wagner lên tiếng về vụ rò rỉ tài liệu mật của Lầu Năm Góc
(Dân trí) - Lãnh đạo lực lượng quân sự tư nhân Nga Wagner Yevgeny Prigozhin bày tỏ nghi ngờ về vụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ liên quan tới tình hình chiến sự ở Ukraine.
RT đưa tin, ông Prigozhin ngày 14/4 nhận định, các tài liệu của Lầu Năm Góc bị rò rỉ lên mạng thời gian qua không có bất cứ thông tin chiến lược nào có thể gây hại tới Ukraine trong cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua với Nga.
Lãnh đạo Wagner nghi ngờ, sự chú ý của giới truyền thông với các tài liệu này có thể là một nỗ lực của phương Tây nhằm trì hoãn kế hoạch phản công vào mùa xuân của Ukraine.
"Bản thân các tài liệu không gây ra bất kỳ mối nguy hiểm chiến lược nào. Tuy nhiên, vụ rò rỉ đã được công bố rộng rãi và ngay sau đó, các tuyên bố từ các nguồn thân cận với Lầu Năm Góc bắt đầu nói về sự cần thiết phải trì hoãn cuộc phản công của Ukraine cho tới mùa hè", ông nói, cho rằng nội dung được công bố chủ yếu dựa trên các nguồn tin mở.
Ông Prigozhin cho hay, các tài liệu bị rò rỉ không có bất cứ thông tin nào có thể tác động tiêu cực tới kế hoạch phản công mà Ukraine đã lên trong thời gian qua.
"Rõ ràng là quân đội Ukraine chỉ đạo về mặt chiến thuật các hoạt động quân sự, nhưng phương Tây là bên chỉ đạo về mặt chiến lược", ông nhận định.
Theo ông, phía Ukraine đã sẵn sàng phản công và Nga sẵn sàng để đối phó. Ông dự đoán, sẽ chưa thể có các hoạt động đàm phán giữa 2 bên mà chỉ có các trận chiến để mỗi bên quyết định ưu thế vào lúc này.
Cả Mỹ và Ukraine chưa bình luận về nhận định của ông Prigozhin. Trước đó, Mỹ đã bắt Jack Teixeira, 21 tuổi, với cáo buộc làm rò rỉ hơn 100 tài liệu tuyệt mật của Bộ Quốc phòng.
Trong tuần qua, vụ rò rỉ đã gây nên một vụ việc chấn động giới chức quốc phòng và tình báo của nước này.
Những tài liệu trên đã tiết lộ nhiều hoạt động cũng như hợp tác quân sự bí mật của quân đội Mỹ cùng các nước đồng minh. Đặc biệt, nhiều chi tiết quan trọng liên quan đến hoạt động của NATO tại Ukraine cũng nằm trong những tài liệu bị rò rỉ.
Vụ việc này đã khiến Lầu Năm Góc hứng chịu nhiều chỉ trích. Một số chuyên gia quân sự cho rằng sự cố trên xảy ra do quân đội Mỹ đã cấp quyền truy cập thông tin mật cho quá nhiều người.