Trực thăng quân sự Nga rơi ở Crimea, hai phi công thiệt mạng
(Dân trí) - Một trực thăng tấn công Mi-28 của Nga đã rơi ở phía bắc Crimea hôm 12/5 khiến hai phi công thiệt mạng.
"Vào lúc 15h42 chiều (giờ Moscow) ngày 12/5, một trực thăng Mi-28 đã rơi trong chuyến bay huấn luyện theo lịch trình ở quận Dzhankoi, Crimea. Trực thăng không chở theo đạn dược", Bộ Quốc phòng Nga thông báo hôm 12/5.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, vụ tai nạn không gây thiệt hại dưới mặt đất. Cả hai phi công trên trực thăng đều thiệt mạng.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết máy bay gặp nạn do trục trặc kỹ thuật. Một cuộc điều tra đã được tiến hành để xác định nguyên nhân vụ việc.
Vụ việc xảy ra vài tuần sau khi một máy bay chiến đấu MiG-31 rơi trong chuyến bay huấn luyện ở miền bắc Nga vào cuối tháng 4. Vụ tai nạn không gây thương vong vì cả hai phi công đều thoát ra ngoài an toàn và máy bay rơi xuống một khu vực vắng người.
Trực thăng tấn công Mi-28 do các kỹ sư Liên Xô thiết kế và có chuyến bay thử đầu tiên vào năm 1982. Được trang bị một pháo 2A42 cỡ nòng 30mm tại bệ pháo dưới mũi cùng các vũ khí treo ngoài được gắn trên các mấu cứng dưới cánh, Mi-28 được cho là có khả năng tấn công hiệu quả các mục tiêu mặt đất, đặc biệt là xe tăng và xe chiến đấu bộ binh của đối phương.
Để bảo vệ kíp lái, Mi-28 có 2 buồng lái được bọc thép với đầy đủ các thiết bị điện tử hiện đại. Bên cạnh đó, cánh quạt đuôi của trực thăng này được tạo hình chữ X và nghiêng 55 độ để giảm tiếng ồn.
Mi-28 cũng có khả năng cơ động cao và có thể bay ở tầm thấp. Trực thăng này được Nga sử dụng rộng rãi trong các môi trường chiến đấu, bao gồm chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tính đến nay, hơn 120 trực thăng loại này đã được xuất xưởng và phục vụ trong các lực lượng không quân của Nga, Iraq và Algeria.
Biến thể Mi-28N đã được nâng cấp đáng kể và tích hợp khả năng tấn công ban đêm. Mi-28N là trực thăng tấn công thế hệ mới. Ngoài khả năng tác chiến linh hoạt bất kể các điều kiện thời tiết và thời gian, trực thăng 2 chỗ ngồi này có khả năng tấn công xe chiến đấu bọc thép cũng như các mục tiêu trong hang động, hầm chứa và những lớp phòng thủ vững chắc nhất.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea ở phía Nam Ukraine từ năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý. Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu đường và mạng lưới điện, đồng thời triển khai nhiều khí tài quân sự đến đây, biến Crimea thành trung tâm hậu cần quân sự cho các lực lượng của Nga.
Giới chức Ukraine nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại khu vực Crimea chiến lược ở Biển Đen. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng khẳng định, xung đột bắt đầu ở Crimea thì cũng sẽ kết thúc ở Crimea, ngầm ý rằng Kiev sẽ bằng mọi cách giành lại quyền kiểm soát bán đảo này từ Nga.