Trụ sắt bí ẩn của thành phố Đê-li
(Dân trí) - Sừng sững giữa đền thờ, Trụ sắt Gupta là một trong những di tích hấp dẫn nhất của thành phố Đê-li, Ấn Độ, không chỉ vì vẻ đẹp của nó mà còn vì một bí ẩn lớn: tồn tại suốt 1.600 năm mà không hề gỉ.
Trước đây, những khách du lịch đến Đê-li thường ghé thăm một cột trụ cao trước lối vào nhà thờ Hồi giáo Quwwatul và cố sức ôm vòng quanh thân cột. Cây cột này thân tròn, cao 7,3m (1m chìm dưới đất), đường kính giảm dần từ 48cm ở chân tới 29cm trên đỉnh, nặng xấp xỉ 6,5 tấn. Cột chạm khắc nhiều hoa văn cầu kì. Theo tín ngưỡng địa phương nếu ai ôm trọn được thân cột sẽ gặp may mắn, nên khách tham quan đều háo hức thử. Tuy nhiên chính quyền lo sợ cây cột quý bị ảnh hưởng nên đã dựng hàng rào bao quanh thân cột.
Ra đời từ thế kỉ thứ 4 dưới triều đại vua Gupta, cây cột vốn là bệ đỡ của một tượng thần trong đền Muttra, nhưng sau đó khi ngôi đền bị phá hủy để xây dựng nhà thờ Quwwatul hiện nay, cây cột là phần duy nhất còn sót lại. Những dòng chữ lưu lại trên thân cột cho biết người ta đã dựng nó để ca tụng vị thần Vishnu của đạo Hindu và vua Chandra - một vị vua bí ẩn mà tới nay vẫn là bài toán đố với giới sử học.
Tuy nhiên điều khiến người ta kinh ngạc nhất là, cây sắt này chứa đến 98% sắt rèn, vậy mà trải qua 1.600 năm, đứng lộ thiên dưới khí hậu khắc nghiệt người ta không hề thấy một vết gỉ sét nào trên cột, kể cả những hoa văn và chữ viết nhỏ nhất.
Sắt vốn là thứ kim loại dễ gỉ sau vài năm chứ đừng nói là hàng nghìn năm. Cho tới bây giờ người ta vẫn chưa tìm được cách để chống gỉ sét ở những đồ dùng bằng sắt, chẳng lẽ cách đây 1.600 năm người Ấn Độ đã có được kĩ thuật luyện sắt không gỉ? Kì lạ là trong tư liệu cổ Ấn Độ không hề nhắc đến thành tựu này, mà người ta cũng không hề tìm thấy bất cứ vật nào khác bằng sắt không gỉ như thế. Do vậy giả thuyết về một kĩ nghệ làm sắt không gỉ bị thất truyền là không có căn cứ.
Gần đây, bí mật mới được sáng tỏ. Các nhà khoa học Ấn Độ đã phát hiện ra rằng một lớp màng mỏng, là hợp chất của sắt, ôxy và hyđrô đã bảo vệ cây cột này. Lớp bảo vệ này hình thành 3 năm sau khi cây cột ra đời và dần dày lên với tốc độ rất chậm, tính tới nay sau 1.600 năm nó mới dày 1/20mm. Một điều quan trọng nữa là phốtpho trong sắt chiếm tỉ lệ 1% (ngày nay chỉ có 0,05%), chính là chất xúc tác quyết định để phản ứng tạo màng xảy ra. Tỉ lệ phốt pho đặc biệt cao này có thể lí giải được vì xưa kia người Ấn Độ sử dụng than củi - loại vật liệu chứa nhiều phôtpho - để luyện sắt. Những thợ rèn Ấn Độ cổ đại chắc không thể ngờ cách luyện kim của họ đã tạo ra một thành công ngoài sự mong muốn.
Cây trụ sắt Delhi giờ đây không còn bí ẩn nhưng sức hấp dẫn của nó vẫn còn nguyên vẹn. Khách thập phương đến đây để chiêm ngưỡng tận mắt vẻ đẹp tinh tế và sự bền bỉ chứng tỏ kĩ năng luyện kim bậc thầy của người Ấn Độ cổ .
Ngọc Nga (tổng hợp)