1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ: "Phản ứng của quốc tế tác động tới tính toán của Trung Quốc"

Mỹ phản đối các hành vi cưỡng ép, hăm dọa và phi ngoại giao trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ

Hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc tại Biển Đông đã trở thành một tâm điểm của phiên điều trần về ngân sách dành cho chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2015. Tại đây, các nghị sỹ Mỹ đã yêu cầu chính phủ của Tổng thống Barack Obama phản ứng mạnh hơn nữa để ngăn chặn những bước tiến nguy hiểm của Trung Quốc.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ: Phản ứng của quốc tế tác động tới tính toán của Trung Quốc

Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel: Mỹ không phản đối quyền đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc nhưng phản đối các hành vi cưỡng ép, hăm dọa và phi ngoại giao


Trong phiên điều trần diễn ra tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vào sáng nay (21/5, theo giờ Việt Nam), các nghị sỹ Mỹ đã bày tỏ mối lo ngại đặc biệt trước hàng loạt các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc trong thời gian qua. Ngay trong phần hỏi đáp đầu tiên với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Daniel Russel, nhiều Hạ nghị sỹ đã mạnh mẽ lên án việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu trong vùng biển của Việt Nam và khai hoang trái phép tại bãi đá Gạc Ma.

Trả lời câu hỏi về phản ứng của Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel cho biết: "Mỹ đã trao đổi trực tiếp với Trung Quốc về những vấn đề này qua kênh ngoại giao và nói thẳng rằng Trung Quốc phải sử dụng biện pháp ngoại giao thay vì vũ lực. Vấn đề ở đây không phải là tiềm lực của Trung Quốc mạnh như thế nào mà là cơ sở pháp lý của nước này mạnh như thế nào trong các tranh chấp lãnh thổ. Mỹ không phản đối quyền đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc nhưng phản đối các hành vi cưỡng ép, hăm dọa và phi ngoại giao".

Theo ông Russel, Mỹ đã hối thúc Trung Quốc hợp tác với các nước láng giềng cũng như các nước ASEAN đang đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông tìm kiếm một thỏa thuận về cơ chế ngăn ngừa xung đột hoặc kiểm soát các vụ việc xảy ra trên biển để thúc đẩy quá trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Mỹ không chỉ muốn có quan hệ tích cực và xây dựng với Trung Quốc và còn rất muốn Trung Quốc có quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng.

Toàn cảnh phiên điều trần

Toàn cảnh phiên điều trần

Hạ Nghị sỹ đại diện bang California, Ami Bera cảnh báo nếu Mỹ không có phản ứng thích đáng để buộc Trung Quốc phải chùn bước và hành động theo phương thức ngoại giao phù hợp với quy chuẩn quốc tế, Bắc Kinh sẽ tiếp tục áp dụng cách hành xử như hiện nay trong các tranh chấp khác, chẳng hạn như với Philippines. Theo ông Bera, Mỹ cần phải gửi đến Trung Quốc thông điệp rằng hành động của họ là không thể chấp nhận được trong thế giới hiện đại, nơi luật pháp và các quy định quốc tế đang hiện diện.

Về vấn đề này, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel cho biết trong chuyến thăm châu Á gần đây, Tổng thống Obama đã thể hiện bằng cả lời nói và hành động về cam kết của Mỹ đối với ổn định trong khu vực cũng như quyết tâm của Washington trong việc ủng hộ luật pháp, quy tắc và quy chuẩn quốc tế. Ông Russel nhấn mạnh, ngoài kênh ngoại giao của Mỹ thì sự lên án và chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với hành động đơn phương của Trung Quốc chắc chắn có tác động quan trọng tới tính toán của giới lãnh đạo tại Bắc Kinh.

Trong khi đó, Hạ nghị sỹ Dana Rohrabacher cho rằng phản ứng của chính phủ Mỹ là chưa đủ mạnh đối với các hành động mà ông gọi là "bạo lực và ngạo mạn" của Trung Quốc. Ngoài vấn đề Biển Đông, các nghị sỹ Mỹ còn tỏ ý quan ngại trước những hành vi của Trung Quốc mà Mỹ cáo buộc là thao túng tiền tệ và tấn công mạng.

Về việc Bộ Tư pháp Mỹ vừa kết tội 5 quân nhân Trung Quốc đột nhập mạng máy tính của các công ty Mỹ để đánh cắp bí mật kinh doanh, Trợ lý Ngoại trưởng Russel cho biết: "Việc kết tội 5 quân nhân Trung Quốc không chỉ là phản ứng của Mỹ đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc mà còn thể cam kết mạnh mẽ của Tổng thống Obama đối với an ninh mạng và chống tội phạm mạng. Mỹ rất quan ngại về những hành động tin tặc do chính phủ Trung Quốc bảo trợ nhằm đánh cắp bí mật thương mại cũng như thông tin nhạy cảm của các công ty Mỹ và chuyển cho các công ty Trung Quốc để phục vụ mục đích thương mại".

Ông Russel cho biết, chính phủ Mỹ đã đề xuất khoản ngân sách 1,2 tỷ USD dành cho các hoạt động tại khu vực Đông Á-Thái Bình Dương năm 2015, bao gồm hơn 800 triệu USD cho các chương trình hỗ trợ nước ngoài. Mỹ dự kiến sẽ cung cấp 18 triệu USD để tăng cường năng lực của lực lượng tuần duyên Việt Nam trong lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, ứng phó thảm hoạ và các hoạt động khác. Mỹ cũng sẽ tăng hỗ trợ cho chương trình Quản trị vì tăng trưởng trọn vẹn (Governance for Inclusive Growth) nhằm giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quan trọng trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).                        

Theo Nhật Quỳnh-Huy Hoàng
VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm