Trình làng Liên Hợp Quốc, ông Biden sẽ nói gì trước các lãnh đạo thế giới?
(Dân trí) - Tổng thống Biden hôm nay sẽ có bài phát biểu đầu tiên tại Liên Hợp Quốc, giữa lúc vai trò dẫn dắt thế giới của Mỹ gặp sóng gió vì rút quân khỏi Afghanistan hay thỏa thuận an ninh với Anh, Australia.
Nhà Trắng xem bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần này là một cơ hội để khẳng định lại vị thế của nước Mỹ, đồng thời thuyết phục các quốc gia thành viên rằng "Mỹ đã trở lại", đúng như cam kết của Tổng thống Joe Biden khi nhậm chức.
Tiếp sau đó là một tuần bận rộn của Tổng thống Biden với các cuộc họp song phương, hội nghị thượng đỉnh về Covid-19 do Mỹ chủ trì vào ngày 22/9, nhằm huy động thêm nguồn tài chính cho việc phân phối vắc xin toàn cầu; cuộc họp các nhà lãnh đạo của nhóm Quad; và phiên họp của hội đồng an ninh Liên Hợp Quốc về tình trạng mất an ninh khí hậu vào ngày 23/9.
"Đây là một tuần quan trọng đối với Tổng thống Biden và sự lãnh đạo của ông trên trường quốc tế", một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết.
Quan chức này nói thêm, bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ "tập trung vào vấn đề Mỹ và các đồng minh đánh dấu kết thúc chương về 20 năm chiến tranh và mở ra một chương về ngoại giao chuyên sâu bằng cách nỗ lực tập hợp đồng minh, đối tác và các thể chế để đối phó với những thách thức lớn của thời đại".
Trong bài phát biểu, Tổng thống Biden cũng sẽ nhấn mạnh việc "muốn tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới", để tránh việc thế giới bị chia thành nhiều khối. "Ông Biden tin vào sự cạnh tranh mạnh mẽ, chuyên sâu, có nguyên tắc và không dẫn đến xung đột", quan chức trên nói thêm.
Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ lo ngại, sự cạnh tranh Mỹ - Trung đang chặn đứng những tiến triển trong nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu. Ông Guterres nói rằng, những nỗ lực của đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry nhằm đạt được thỏa thuận với Trung Quốc "phần lớn đã thất bại vì Trung Quốc nói họ không thể hợp tác về khí hậu hay bất kỳ điều gì khác".
"Tôi tin rằng chúng ta cần tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, vì Chiến tranh Lạnh cũ dễ quản lý hơn. Rõ ràng, bây giờ mọi thứ phức tạp hơn", Tổng thư ký Guterres nói.
Bản thân nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu tuần họp của Liên Hợp Quốc với nhiều gánh nặng khi phải đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc, rạn nứt sâu sắc với Pháp và sự hoài nghi lan rộng giữa các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc về cam kết của ông đối với chủ nghĩa đa phương, nhất là sau những bất đồng về Israel, cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan và một thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân khiến các nước đối thủ và cả đồng minh đều bất ngờ.
Ngày 20/9, Tổng thống Biden nỗ lực dàn xếp một cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang tìm cơ hội gặp người đồng cấp Jean-Yves Le Drian tại New York, nhưng phía Pháp được cho là chưa chấp thuận.
Trong điều kiện bình thường, ông Biden có thể dễ tìm cách xoa dịu vấn đề bằng cách trao đổi với các lãnh đạo thế giới, nhưng trong bối cảnh nhiều hạn chế do Covid-19, những tiếp xúc đó đang bị hạn chế.
Ông Biden dự kiến sẽ chỉ có một cuộc họp song phương ở New York trong ngày 21/9 với Thủ tướng Australia Scott Morrison, trước khi quay trở lại Washington để gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson.