Triệu triệu người khắp thế giới háo hức chào đón năm mới
(Dân trí) - Người Australia nô nức cắm trại dọc Cầu Vịnh Sydney để có vị trí đẹp nhất chiêm ngưỡng pháo hoa khai màn cho lễ đón giao thừa trên khắp thế giới. Thủ đô Hà Nội lần đầu tiên chuẩn bị lễ đếm ngược chính thức; còn Đài Loan bắn pháo hoa hình rồng uốn lượn…
Khi chiếc kim đồng hồ tiến dần đến năm 2011, người người trên khắp châu Á nô nức chuẩn bị đón chào thời khắc giao thừa, hi vọng cho một năm mới với nhiều thuận lợi, hạnh phúc, bình yên. Người châu Âu cũng mong ngóng tới lễ chào đón năm mới có thể giúp họ quên đi những lo ngại về kinh tế.
Tại New York, gần một triệu người dự kiến sẽ chen chân trên Quảng trường thời đại để ngắm nhìn lễ thả bóng truyền thống vào giữa đêm. Tuyết rơi dày “đôn” 50cm cho các con phố sẽ là một nét đáng nhớ đối với người dân ở thành phố được mệnh danh là Big Apple (Quả táo lớn) trong năm nay.
Ít nhất 1,5 triệu người dự kiến sẽ nối gót nhau trên Vịnh ở Sydney, thành phố lớn đầu tiên trên thế giới năm mới “đi qua”. Các lễ đón chào sẽ khai màn bằng màn trình diễn trên không, với máy bay, và cuộc diễu hành của các du thuyền quanh vịnh.
Tới buổi chiều nay, hàng ngàn người đã được chứng kiến màn cầu hôn hết sức ngoạn mục từ trên không. Dòng chữ “Hãy cưới anh Behnoosh” đã được một chiếc máy bay viết nên chỉ ngay sau giờ trưa.
Còn ở những nơi khác tại Australia, kế hoạch bắn pháo hoa có thể bị hủy ở Melbourne, do bão sấm đang hình thành và ở Adelaide, do thời tiết nắng nóng, cùng gió to khiến giới chức trách lo ngại có thể gây ra hỏa hoạn, cháy rừng.
Người dân "xí chỗ" dọc Vịnh Sydney để có vị trí đẹp nhất ngắm màn trình diễn pháo hoa.
Song tại Christchurch, New Zealand, hai trận động đất mới đây không làm lay chuyển kế hoạch đón giao thừa thâu đêm của người dân.
“Giờ lại càng có lý do hơn bao giờ hết cho mọi người đoàn tụ và đón giao thừa”, quyền thị trưởng Christchurch Ngaire Button cho hay. Ông cũng kêu gọi người dân tổ chức đón giao thừa tại Quảng trường Nhà thờ lớn. Một trận động đất mạnh 7,1 richter đã khiến hàng ngàn ngôi nhà ở thành phố này bị bị hư hại, song may mắn không có ai thiệt mạng.
Tại thành phố chính của New Zealand, Auckland và thủ đô Wellington, pháo hoa sẽ vẽ nên con số 2011, trong khi người dân nhảy múa, ca hát thâu đêm. Nhạc hội cũng diễn ra ở một số trung tâm, và dự kiến kéo dài tới tận 5 giờ sáng ngày hôm sau.
Trong khi đó, tại Việt Nam, năm nay đánh dấu năm đầu tiên thủ đô Hà Nội chào đón năm mới bằng một buổi lễ đếm ngược thời khắc giao thừa hoành tráng, với màn trình diễn ánh sáng, với DJ nước ngoài trước cửa Nhà hát lớn với kiến trúc Pháp thanh lịch.
Người Việt Nam trước kia ít chú ý tới tết Tây, mà thay vào đó tập trung nhiều hơn đến Tết Ta, tết cổ truyền, sẽ bắt đầu vào ngày 3/2 năm nay. Nhưng trong những năm gần đây, ảnh hưởng của phương Tây bắt đầu len lỏi vào trong văn hóa Việt.
Còn tại Hàn Quốc, theo chính quyền thành phố Seoul, có tới 100.000 người dự kiến sẽ đổ ra đường dự lễ rung chuông ở trung tâm Seoul, với giới chức trách và 11 người dân thường cùng gióng lên 33 hồi chuông lớn ở chiếc chuông đồng khổng lồ treo ở đền chuông Bosingak vào giữa đêm (15h GMT).
Một số người Hàn Quốc cũng sẽ lên núi hoặc ra biển vào sớm ngày thứ bảy để đón chào ánh bình minh đầu tiên của năm mới.
Vào giữa đêm, ở Đài Bắc, Đài Loan, hình một con rồng uốn lượn vút lên tòa nhà cao nhất thành phố sẽ được tạo nên bằng pháo hoa. Khoảng 50 vũ công sẽ đánh trống, nhảy múa trên dòng sông đóng băng để chứng tỏ sự hòa hợp của con người với thiên nhiên.
Còn tại châu Âu, nhiều người sẽ dự tiệc đơn giản là để quên đi những lo lắng về kinh tế, sau một năm phải chứng kiến Hy Lạp, rồi Ireland cần đến sự cứu trợ tài chính hay các nước khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, cũng đang vật lộn trước nguy cơ tương tự.
Nếu không ở nhà hay tham dự các bữa tiệc riêng, người Tây Ban Nha thường quy tụ về các quảng trường chính để ăn 12 quả nho, từng quả một, trong khi chuông điểm đếm ngược tới năm 2011.
Tại thủ đô Dublin của Ireland, người dân sẽ đổ về nhà thờ lớn Christchurch để lắng nghe tiếng chuông điểm báo năm mới.
Và ở London, hàng ngàn người sẽ chứng kiến màn trình diễn pháo hoa, ca nhạc ở vòng đu quay London Eye (Mắt London) cao 135m, nằm bên bờ nam của sông Thames. Londone Eye nằm gần như đối diện với tháp đồng hồ Big Ben nổi tiếng tại Toàn nhà quốc hội, nơi sẽ rung chuông chào đón năm 2011.
Tại Paris, hàng ngàn người dự kiến sẽ chen chân tới Champs Elysees và khu vực quanh Tháp Eiffel để xem bắn pháo hoa và trình diễn ánh sáng.
Phan Anh
Theo AP