1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên thử tên lửa hay phóng vệ tinh?

(Dân trí) - Tuyên bố phóng vệ tinh của Triều Tiên vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật của Chủ tịch Kim Nhật Thành đã làm dấy lên nghi ngờ liệu nước này phóng vệ tinh thật hay chỉ là một vụ thử tên lửa “trá hình”?

Triều Tiên thử tên lửa hay phóng vệ tinh?

Phát thanh viên đài truyền hình Triều Tiên KRT thông báo về vụ phóng vệ tinh tháng tới.
 

Phóng vệ tinh hay thử tên lửa?

 

Vụ phóng vệ tinh được Triều Tiên dự trù diễn ra từ ngày 12-16/4. Trước đây Triều Tiên cũng ra tuyên bố tương tự khi thử tên lửa tầm xa.

 

Đối với các cuộc phóng vệ tinh và tên lửa, thì tên lửa đẩy đều giống nhau và khác biệt duy nhất là vật gì sẽ được gắn trên tên lửa đó, là một đầu đạn hay là vệ tinh.

 

Triều Tiên nổi tiếng với tên lửa đẩy Taepodong. Trong vụ phóng sắp tới, tầng đầu tiên của tên lửa dự kiến sẽ rơi xuống Hoàng Hải, trong khi tầng thứ hai rơi xuống Thái Bình Dương.

 

Trong một vụ thử tên lửa, đạn sẽ bắn ra từ tên lửa. Ngoài ra, trong một vụ thử tên lửa hoàn chỉnh, đầu đạn quay trở về trái đất theo hình cung parabol trước khi nhằm vào mục tiêu. Trong khi đó, nếu phóng vệ tinh, tên lửa cần phải đi với tốc độ và đường đi cụ thể, đã được lập sẵn, để vệ tinh có thể phóng vào quỹ đạo. Vì vậy một vụ phóng vệ tinh đòi hỏi độ chính xác cao hơn phóng tên lửa.

 

Giới chuyên gia cho rằng, xét về thực tế, Triều Tiên có vẻ không có đủ cơ sở hạ tầng tiên tiến để phát triển vệ tinh, dù là để thử hay để giám sát, nên có lý do để tin rằng vụ phóng sắp tới là một vụ phóng tên lửa.

 

Hé lộ về tên lửa

 

Vụ phóng dự kiến sẽ có sự “góp mặt” của tên lửa Taepodong-2 hoặc phiên bản nâng cấp của tên lửa tầm xa Triều Tiên đã thử vào năm 2009. Đây là tên lửa 2-3 tầng, có tầm xa thiết kế lên tới 6.700km, có nghĩa là có thể nhắm tới tận Alaska.

 

Nó có sức chứa đầu đạn nặng khoảng 650-1.000 kg (trong phiên bản tầm ngắm). Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi đầu đạn được giảm, tên lửa này có thể vươn tới tầm xa 10.000km, tức là về mặt lý thuyết có thể đặt Bờ biển Tây Mỹ trong “tầm ngắm”.

 

Song giới chuyên gia cho biết Taepodong-2 chưa bao giờ được phóng thành công. Vụ phóng năm 2009 đã bị thất bại sau khi tên lửa bay qua bầu trời Nhật Bản. Vụ thử năm 2006 cũng bị thất bại khi tên lửa phát nổ 40 giây sau khi được phóng.

 

Triều Tiên đã tiến hành vụ phóng tên lửa Taepodong đầu tiên vào năm 1998 và cho biết tên lửa mang theo một vệ tinh. Giới chuyên gia nhận định vụ phóng đó cũng thất bại.

 

Mục đích

 

Triều Tiên cho biết tên lửa mới là một phần trong chính sách phát triển không gian và cho mục đích sử dụng hòa bình của chính phủ.

 

Song các chuyên gia quân sự và hạt nhân cho rằng Taepodong được Triều Tiên phát triển thực chất là để dùng chống lại vũ khí hạt nhân Mỹ.

 

Nhiều chuyên gia cũng tin, mặc dù hai vụ thử hạt nhân năm 2006 và 2009 của Triều Tiên thành công một phần, nhưng nước này không có công nghệ để thu nhỏ thiết bị hạt nhân vừa với đầu đạn. Tuy nhiên, nước này có thể dùng bom sinh học hoặc bom bẩn, để phóng xạ có thể bị khuếch tán qua chất nổ thông thường.

 

Kho tên lửa của Triều Tiên

 

Các chuyên gia cũng cho rằng Triều Tiên đã có một khoản thu lớn từ tên lửa và công nghệ tên lửa. Quốc gia Đông Bắc Á này có hơn 1.000 tên lửa với các loại tầm xa khác nhau và đã xuất khẩu được tên lửa cùng công nghệ ra nước ngoài, trong đó Iran là một trong những khách hàng chính.

 

Ngoài ra, Triều Tiên cũng được cho là sở hữu hơn 800 tên lửa đạn đạo, trong đó có 600 tên lửa Scud, với tầm xa tới 500km và 200 tên lửa Rodong, tên lửa bắt đầu được triển khai vào năm 1998, với tầm xa ước tính lên tới 1.400km.

 

Bên cạnh đó Triều Tiên cũng được tin đã triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung có thể bắn trúng các mục tiêu trong khoảng cách 3.000km, đặt các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam trong “tầm ngắm”.

 

Phan Anh

Theo Reuters