1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên - “quê hương thứ 2” của nhiều cựu du học sinh Việt Nam

Trong lòng cô Đồng Thị Chúc-cựu du học sinh ở Triều Tiên, đất nước này không chỉ là nơi cô học tập mà còn là “quê hương thứ 2” mà cô rất mực nhớ mong.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cô Đồng Thị Chúc vẫn không quên một ngày tháng 8/1965, cô cùng 300 sinh viên Việt Nam lên chuyến tàu sang Triều Tiên học tập. Lần đầu tiên nhận được thông báo sang Triều Tiên học, cô nữ sinh 20 tuổi cảm thấy lòng đầy ngỡ ngàng và lo lắng bởi chưa biết gì nhiều về đất nước ấy.

Thế nhưng, khi sang đến nơi, sự đón tiếp thịnh tình của nhân dân nước bạn đã khiến cô Chúc cảm thấy an lòng. Đặt chân xuống tàu sau hành trình dài tới Triều Tiên, đoàn sinh viên Việt Nam được nước bạn đón tiếp nhiệt tình và chu đáo. Cô Chúc kể rằng đoàn Việt Nam sau đó được đưa vào một khu ký túc xá 5 tầng vừa được nước bạn thi công xong, mọi thứ đều đầy đủ và tươm tất để phục vụ đoàn học sinh Việt Nam sang. Không những thế, hàng ngày nước bạn đều cử xe đưa đón đoàn học sinh của ta.

Triều Tiên - “quê hương thứ 2” của nhiều cựu du học sinh Việt Nam - 1..jpg

Cô Đồng Thị Chúc - cựu du học sinh Việt Nam ở Triều Tiên

 

Dù vậy, lần đầu tiên đến một đất nước xa lạ, trong những ngày đầu, nỗi nhớ nhà không lúc nào nguôi ngoai trong lòng cô gái trẻ. Cô Chúc kể rằng, ngày ấy, các phương tiện thông tin liên lạc còn chưa có, những bức thư viết tay là cách duy nhất để cô liên lạc với gia đình và bạn bè ở quê hương. Ngoài ra, cô Chúc cũng phải mất một khoảng thời gian để thích nghi với đồ ăn, thức uống và khí hậu ở Triều Tiên. Mùa đông ở Triều Tiên, nhiệt độ có thể xuống tới âm 25 độ C, giá rét vô cùng. Thế nhưng, cô vẫn nhớ về những chiếc lò sưởi của nước bạn. Trong các phòng ở và xe đưa đón sinh viên Việt Nam ở Triều Tiên, vào những ngày mùa đông, những lò sưởi ấm áp đều được trang bị đầy đủ.

Một kỷ niệm về tấm lòng hiếu khách của nhân dân Triều Tiên mà cô Chúc còn nhớ mãi và vô cùng trân quý là vào năm 1967, khi đất nước Triều Tiên trải qua trận lũ lụt nghiêm trọng, trong khi các sinh viên nước bạn phải nghỉ học để đi chống lụt thì đoàn sinh viên Việt Nam vẫn được tạo điều kiện hết sức có thể để hoàn thành công việc học tập. Cô Chúc chia sẻ rằng cho đến sau này, khi nhớ lại, càng nghĩ cô lại càng thấm thía tấm lòng đáng quý của nước bạn khi đã hết lòng giúp đỡ đoàn sinh viên của chúng ta ngay cả khi họ đang gặp khó khăn.

Triều Tiên - “quê hương thứ 2” của nhiều cựu du học sinh Việt Nam - 2..jpg

Hình ảnh cô Đồng Thị Chúc trong một ngày mùa đông ở Triều Tiên.

 

Triều Tiên - “quê hương thứ 2” của nhiều cựu du học sinh Việt Nam - 3..jpg

Bức ảnh ngày 30/7/1968 chụp cô Chúc (hàng 2, thứ 3 từ phải sang) cùng những người bạn tại tháp Chiến Thắng, Triều Tiên.

 

 
 

5 năm gắn bó với đất nước Triều Tiên và những con người mến khách, ký ức về bạn bè và thầy cô ở nước bạn mãi là kỷ niệm đẹp trong lòng cô Chúc. Đó là anh chàng lớp trưởng Triều Tiên thầm để ý cô gái trẻ Việt Nam duyên dáng, dịu dàng. Đó là những người thầy, người cô nước bạn hết lòng quan tâm và chỉ dạy cho các sinh viên Việt Nam. Cô Chúc đã dùng hai từ “tuyệt vời” khi nhắc đến những con người ấy, khi xúc động chia sẻ những ân tình mà cô không bao giờ quên về những năm tháng học tập và sinh sống ở Triều Tiên. Người thầy hướng dẫn cô Chúc làm đồ án tốt nghiệp với cô mãi là một con người vô cùng đáng kính bởi sự tận tâm, tận tình chỉ dạy.

Năm 2014, khi trở lại Triều Tiên thăm thầy, nhận được tin thầy đã mất, cô Chúc lòng đầy xúc động đã viết nên những câu thơ chạm tới trái tim trong bài thơ “Thầy ơi”: “Con về muộn quá hôm nay/Lối xưa giờ đã ken đầy bóng cây/Nơi đây đầy dấu chân Thầy/Nơi đây kiến thức Thầy bày cho con/Bao nhiêu nước để đá mòn?/Công Thầy sâu nặng, chúng con ghi lòng”. Những câu thơ của cô Chúc cũng là nỗi lòng của những người đã học ở Triều Tiên mà mỗi lần ngâm lên đều thấy lòng mình rưng rưng.

Đến Triều Tiên học tập, cô Chúc tự nhận là một cái “duyên”. “Duyên” để cô được đến đất nước ấy. ‘Duyên” để cô quen biết những người thầy, người bạn tuyệt vời. “Duyên” để cô gặp gỡ những người Triều Tiên thân thiện và hiếu khách. Một cái “duyên” gặp gỡ để rồi chính cái “duyên” ấy khiến cô Chúc sau hơn nửa thế kỷ vẫn không nguôi nỗi nhớ Triều Tiên. Cô gọi đất nước ấy là “quê hương thứ hai của mình”, là vùng đất mà cô hết mực yêu quý và biết ơn.

“Chốn cũ” ấy là nơi đã lưu giữ một thời tuổi trẻ của cô, nơi đầy ắp kỷ niệm và những tình cảm đẹp đẽ của những năm tháng thanh xuân, là nơi mà sau 42 năm trở lại, cô như đã “tìm lại bóng mình ngày xưa” ở đó. Dù hiện giờ không còn liên lạc với người nào ở Triều Tiên nữa nhưng tự sâu thẳm trong lòng, cô luôn hướng về đất nước mà mình đã từng gắn bó một thời. Mỗi lần nhắc đến Triều Tiên, cảm xúc trong lòng cô Chúc lại dâng trào với những xúc động khó nói thành lời

Triều Tiên - “quê hương thứ 2” của nhiều cựu du học sinh Việt Nam - 4..jpg

Các sinh viên Việt Nam từng học tập và sinh sống tại Triều Tiên.

 

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra ở Hà Nội ngày 27 và 28/2, cô Chúc chia sẻ cô cảm thấy vô cùng vui mừng, mong chờ và kỳ vọng. Gắn bó với đất nước Triều Tiên trong những năm tháng tuổi trẻ, cô mong mọi sự tốt đẹp sẽ đến với đất nước ấy trong cuộc gặp Thượng đỉnh lần này, mong sẽ có một ngày hòa bình đến với Bán đảo Triều Tiên. Cô luôn khắc khoải ước nguyện rằng Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ ngày càng hòa hợp, gắn bó và hợp tác với nhau, cũng như những lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ để đất nước Triều Tiên có cơ hội để vươn lên và phát triển.

Người ta vẫn nói: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”, Triều Tiên là một “mảnh tâm hồn” thiêng liêng trong lòng cô Chúc và những người bạn như cô, từng học tập và sinh sống tại nước bạn. Với cô Chúc, tình yêu đã làm “đất lạ hóa quê hương”, những ân tình sâu nặng hóa thành kỷ niệm không phai và thành những ước mong từ tận sâu trong lòng khi một ngày nào đó, hòa bình sẽ lại đến với mảnh đất mà cô và nhiều người từng yêu và sẽ mãi rất yêu.

Theo Kiều Anh

VOV.VN