1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên kiên quyết không đàm phán với Mỹ "theo kiểu" Iran

(Dân trí) - Triều Tiên ngày 21/7 tuyên bố không quan tâm tới việc phương Tây đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời khẳng định sẽ không từ bỏ vũ khí nguyên tử nếu Mỹ tiếp tục giữ nguyên "lập trường thù địch" với Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các sỹ quan quân đội Triều Tiên. (Ảnh:

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các sỹ quan quân đội Triều Tiên. (Ảnh: AFP)

Hãng tin CBS News dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 21/7 cho biết vấn đề hạt nhân Triều Tiên "không phải là một nội dung có thể được đưa ra trên bàn đàm phán". Đây được coi là phản ứng đầu tiên của Bình Nhưỡng sau khi các cường quốc phương Tây đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran hồi giữa tháng này.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng nói rằng chương trình hạt nhân của nước này là “sự phòng ngừa tối cần thiết” trước chính sách ngoại giao “thù địch” của Mỹ.

“Việc so sánh tình hình của chúng tôi với thỏa thuận hạt nhân của Iran là không hợp lý, bởi chúng tôi luôn là đối tượng của sự thù địch về quân sự của Mỹ, bằng chứng là những cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn với quy mô lớn”, tuyên bố của Bộ trên cho biết. 

“Chúng tôi không có bất kỳ mối quan tâm nào đối với việc đối thoại về vấn đề đóng băng hoặc từ bỏ chương trình hạt nhân Triều Tiên”, một đại diện của Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố. “Rõ ràng Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và các cường quốc hạt nhân đều có lợi ích của riêng mình.”

Tuần trước, Iran và nhóm 6 cường quốc thế giới đạt được thỏa thuận hạt nhân sau hơn một thập kỷ đàm phán, động thái được cho là có thể thay đổi khu vực Trung Đông.

Theo thỏa thuận, các lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và Liên Hợp Quốc áp đặt sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Iran phải đồng ý hạn chế dài hạn chương trình hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm chế tạo bom hạt nhân.

Thỏa thuận hạt nhân Iran là một chiến thắng chính trị quan trọng của Tổng thống Barack Obama, người từ lâu đã cam kết sẽ thu hẹp khoảng cách với các nước có quan hệ thù địch với Mỹ, bao gồm cả Triều Tiên.

Bên cạnh đó, thỏa thuận hạt nhân Iran đã được cả Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ mạnh mẽ, mở đường cho hai tổ chức này hủy bỏ chính sách cấm vận và trừng phạt Tehran.

Giới phân tích cho rằng cách thức giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran rất có thể được sử dụng làm tiền lệ và khuôn mẫu để giải quyết những vấn đề nan giải và nhạy cảm khác trên thế giới.

Hiện Triều Tiên cũng đang chịu lệnh trừng phạt nặng nề của Mỹ, EU và LHQ liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Giới phân tích nhận định Mỹ sẽ được khích lệ bởi thỏa thuận với Iran và rảnh tay hơn, do đó có nhiều lợi thế và tự tin hơn để tập trung vào việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Đồng thời, trong bối cảnh dư luận quốc tế ủng hộ thỏa thuận Iran, áp lực với Triều Tiên sẽ càng được gia tăng.

Hiện có khuôn khổ đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh (Trung Quốc) để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Được hình thành theo sáng kiến của Trung Quốc, với sự tham gia của 2 nước trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga, khuôn khổ đàm phán này hiện bị đình trệ do Triều Tiên đơn phương rút khỏi tiến trình.

Bạch Trúc 
Theo CBS
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các sỹ quan quân đội Triều Tiên. (Ảnh: