Triều Tiên dùng Seoul làm "con tin" bắt cóc Mỹ, Hàn
10 triệu cư dân Seoul và bao nhiêu doanh nghiệp lớn nhỏ sẽ chạy đi đâu nếu chiến sự nổ ra? Triều Tiên đã túm lấy điểm yếu này, coi Seoul là “con tin” để bắt cóc Hàn Quốc và Mỹ.
Những điểm yếu chí mạng của Seoul đã khiến cục diện bên bốn lạng, kẻ ngàn cân trên bán đảo Triều Tiên chưa tìm ra lối thoát. Đây là nội dung đăng trong bài xã luận trên Hoàn Cầu ngày 7/4.
Hoàn Cầu cho rằng, cục diện ở Triều Tiên và Hàn Quốc ngày càng leo thang, vấn đề thế cân bằng hiện có trên bán đảo Triều Tiên có bị phá vỡ hay không đã trở thành tiêu điểm được nhiều bên quan tâm.
Một tên lửa của Bắc Triều Tiên được phóng đi từ gần một vùng biển biên giới, ngày 14/3/2013.
Seoul là thủ đô và trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa của Hàn Quốc, là thành phố lớn nhất của quốc gia này. Chỉ riêng dân số ở khu vực hành chính, không bao gồm khu đô thị vệ tinh đã lên tới trên 10 triệu người, chiếm 1/5 tổng dân số Hàn Quốc. Mặc dù diện tích Seoul chỉ chiếm 0,6% diện tích lãnh thổ Hàn Quốc nhưng GDP lại chiếm 1/5 tổng GDP của quốc gia này. Tỉ lệ 1/5 này đã quyết định tầm quan trọng của Seoul, tuy nhiên cũng chính tỉ lệ 1/5 này đã quyết định đến sự “yếu đuối” của Seoul. Seoul chỉ cách khu vực phi quân sự 40 km, nằm trong tầm ngắm của hầu hết đại bác và tên lửa Scud của Triều Tiên. Và vụ pháo kích gần đây nhất của Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc diễn ra vào năm 2010. Nghiên cứu cho thấy, 80% hỏa lực của Triều Tiên tập trung trong phạm vi 100km tính từ khu vực phi quân sự, bao gồm khoảng 700.000 binh lính, 8.000 khẩu đại bác và 2.000 chiếc xe tăng.
Theo số liệu thống kê của tờ báo quân sự của Anh Jane's Defence Weekly, Triều Tiên hiện có tên lửa Scud-B có tầm bắn 300 km, tên lửa Huashan-5 có tầm bắn 330km, tên lửa Huashan-6 có tầm bắn 500 km, tên lửa Nodong với tầm bắn khoảng 1.300 km, tên lửa Taepodong-1 với tầm bắn 1.500-2.000 km, tên lửa Taepodong-2 với tầm bắn 3.750 – 6.000 km. Xét về tầm bắn có thể thấy, ngoài tên lửa Scud và Huashan không thể gây nguy hiểm cho Nhật Bản, xét về lý thuyết các loại tên lửa khác đều có thể bắn tới Nhật Bản và dư sức bắn sang Hàn Quốc. Và loại tên lửa Nodong có thể bắn sang Tokyo được cải tiến từ loại tên lửa Scud-C. Loại tên lửa này có thể mang đầu đạn thường quy hoặc chất độc thần kinh VX, độ bắn chính xác là 50m, thời gian chuẩn bị bắn là 60 phút.
Triều Tiên có nhiều loại tên lửa với tầm bắn khác nhau.
Tên lửa Triều Tiên trong cuộc diễu binh mới đây.
Hiện nay, quân đội Triều Tiên sở hữu 30-100 tên lửa loại này. Một loại tên lửa khác có thể bắn sang lãnh thổ Nhật Bản là Taepodong-1, tên lửa này ra đời ngày 31-8-1998, số lượng có hạn, ước đoán chỉ có 15 tên lửa, còn Taepodong-2 thì lại càng ít hơn với số lượng 5 tên lửa. Còn việc liệu Triều Tiên có đủ khả năng tấn công Mỹ hay không vẫn cần phải chứng thực, một là không có bệ phóng, hai là có giải quyết được vấn đề thu nhỏ đầu đạn hạt nhân hay không.
Ngoài ra, số xe pháo của quân đội Triều Tiên cũng rất lớn, có 3.500 pháo kéo, 4.400 pháo tự hành, 2.500 pháo đa nòng, 7.500 pháo cối, 11.000 pháo phòng không. Theo Sách Trắng phòng thủ của Nhật Bản, Triều Tiên hiện có hai quân đoàn pháo binh và 30 lữ đoàn pháo binh, chỉ riêng lân cận khu vực phi quân sự đã có 10.850 khẩu pháo. Bình thường số xe pháo này được giấu trong hang núi, rất nhiều xe còn được trang bị quỹ đạo tròn để có thể tấn công ở bất cứ góc độ nào. Nếu các xe pháo này tấn công cùng lúc, trong một tiếng đồng hồ có thể bắn đi hơn 500.000 quả đạn, trong tích tắc thủ đô Seoul sẽ biến thành biển lửa vì nằm trong tầm bắn của chúng. Nguồn tin cho biết, Triều Tiên đã cải tiến súng phóng tên lửa 22 nòng 240 mm thành tổ hợp có tầm bắn lên tới 120km với uy lực cực lớn.
Từ đó có thể thấy, Seoul đã trở thành điểm chí mạng yếu nhất quyết định sự an nguy của Hàn Quốc, chính vì thế Hàn Quốc quyết định từ ngày 14-9-2012, sẽ di dời 16 ban ngành trung ương và 16 cơ quan nghiên cứu tài chính của chính phủ với 13.000 công chức, viên chức đang làm việc ra thành phố Se-jong – thủ đô hành chính của nước này. Tuy nhiên, trước sự liều lĩnh và khó lường của Triều Tiên, 10 triệu cư dân Seoul sẽ chạy đi đâu? Bao nhiêu doanh nghiệp lớn và vừa sẽ chạy đi đâu? Triều Tiên đã túm lấy điểm yếu này, coi Seoul là “con tin” để bắt cóc Hàn Quốc và Mỹ, mặc dù bên bốn lạng, kẻ ngàn cân nhưng vẫn không bên nào chịu nhượng bộ trước bên nào.
Chính vì vậy, chỉ số quan trọng để phán đoán bán đảo Triều Tiên có xảy ra chiến tranh hay không, ai thắng ai thua không nằm ở việc ai “to mồm” hơn ai, mà là Hàn Quốc có giải quyết được nguy cơ tiềm ẩn đe dọa Seoul hay không, đồng thời, Triều Tiên có giữ được sự uy hiếp hiệu quả đối với Seoul hay không?