Triều Tiên doạ sẽ hành động cứng rắn
(Dân trí) - CHDCND Triều Tiên đã lên tiếng cảnh báo Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc rằng Bình Nhưỡng sẽ thực hiện “các bước đi cứng rắn”, nếu cơ quan bao gồm 15 nước này có bất kỳ hành động nào nhằm đáp trả vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.
Washington, Tokyo và Seoul cho rằng việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm xa hôm chủ nhật là vi phạm một nghị quyết của Hội đồng bảo an năm 2006, trong đó cấm Bình Nhưỡng thử các loại tên lửa như vậy. Nghị quyết đó được thông qua sau khi Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân.
Ông Pak nói rằng những chỉ trích đối với vụ phóng là không dân chủ và bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền sử dụng không gian vũ trụ một cách hoà bình.
“Điều đó là không công bằng. Trong khi bản thân họ phóng hàng trăm vệ tinh thì chúng tôi lại không được phép làm vậy. Điều đó không dân chủ”, Phó đại sứ Pak nói.
Hội đồng bảo an đã tổ chức 1 cuộc họp khẩn cấp kéo dài 3 giờ hôm chủ nhật nhưng không đạt được nhất trí nào về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, ngoại trừ việc đồng ý sẽ quay trở lại vấn đề này. Nga và Trung Quốc, với sự ủng hộ của 3 thành viên khác trong Hội đồng bảo an, phản đối yêu cầu của Mỹ và Nhật nhằm đưa ra một nghị quyết trừng phạt Triều Tiên.
5 thành viên thường trực của Hội đồng bảo an - gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga - cùng với Nhật Bản, đã gặp nhau tại trụ sở của Liên Hợp Quốc hôm thứ 2 nhưng cũng không đưa ra được thoả thuận nào.
Các nhà ngoại giao của 6 cường quốc dự kiến gặp lại nhau hôm qua, nhưng cuộc họp đã bị hoãn do vài phái đoàn “chưa sẵn sàng”. Chưa rõ là khi nào cuộc gặp này sẽ diễn ra.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 7/4 cho rằng Hội đồng bảo an “cần tránh đưa ra bất kỳ quyết định vội vàng nào” về Triều Tiên. Cả Bắc Kinh và Mátxcơva đều kêu gọi tái khởi động các vòng đàm phán 6 bên giữa 2 miền Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga vốn bị đình trệ từ tháng 12 năm ngoái.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói tại Bắc Kinh: “Có những điểm giống nhưng cũng có những điểm khác biệt giữa công nghệ phóng vệ tinh và tên lửa. Về bản chất, phóng vệ tinh khác phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân. Vấn đề này cũng liên quan đến quyền của các nước nhằm sử dụng không gian cho mục đích hoà bình”.
Bắc Kinh cho rằng bất kỳ hành động nào của Hội đồng bảo an đều phải “thận trọng và tương xứng”.
Quân đội Mỹ nói rằng tên lửa Taepodong-2 đã không đưa được vệ tinh vào quỹ đạo, trong khi Bình Nhưỡng khẳng định vệ tinh đang truyền dữ liệu và các bài hát cách mạng.
Các nhà phân tích cho rằng vụ phóng thực chất là một vụ thử tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm xa có thể vươn tới bang Alaska của Mỹ. Giới phân tích cũng nhận định, vụ phóng chứng tỏ công nghệ tên lửa của Triều Tiên đã phát triển mặc dù phải mất nhiều năm nữa Bình Nhưỡng mới sở hữu tên lửa có khả năng đe doạ Mỹ.
Ánh Ninh
Theo Reuters