1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Triều đại” nhà Bush trên chính trường Mỹ: Tổng thống là nghề gia truyền

Mỹ không có nhiều triều đại chính trị mạnh và nổi danh như gia tộc Bush. Sự thành công của họ là một nỗ lực không ngừng nghỉ để giành lấy tiền bạc, quyền lực và tất cả những quyền lợi chính đáng khác.

Gia tộc Bush đã cống hiến trong cả lĩnh vực hành pháp và lập pháp của Chính phủ liên bang Mỹ. Triều đại này đã tạo nên hai đời tổng thống - thứ 41 và 43, cũng như đã sản sinh ra hai vị thống đốc bang và nhiều chính trị gia đầy quyền lực khác.

Lý giải nguyên nhân thành công của gia tộc Bush trên chính trường, nhiều ý kiến cho rằng một phần bởi các thành viên gia tộc rất linh hoạt và biết cách thích ứng theo thời gian. Họ được dạy rằng không cần thiết phải khoe khoang, đo đếm thành tích cá nhân, mà nên tự thân vận động.

Gia tộc tài chính hàng đầu

Bởi sự gần gũi giữa George W. Bush (Bush “con”) với bang Texas, cùng những mối quan hệ mật thiết trong ngành công nghiệp dầu mỏ, mà gia đình Bush thường bị xem là một băng trùm thống lĩnh ngành này. Tuy nhiên, trên thực tế, dầu mỏ chỉ là một trong số rất nhiều các lĩnh vực mà gia tộc Bush đang đầu tư với chuyên môn tài chính bậc thầy của họ.

Truyền thống của nhà Bush được tạo lập dựa trên việc theo đuổi giàu sang từ hệ thống ngân hàng đầu tư, những dự án kinh doanh nhạy bén thời chiến tranh và vẫn tiếp tục được phát huy cho đến ngày hôm nay. Ngoài ra, gia tộc này cũng nắm trong tay hàng loạt doanh nghiệp cũng như sở hữu nhiều đội tuyển thể thao góp mặt tại các giải đấu lớn.

Nhà Bush đại diện cho lợi ích giới thượng lưu, và luôn có một động lực mạnh mẽ thôi thúc họ tiếp tục nắm quyền và duy trì những lợi ích này. Trên thực tế, gia tộc Bush đã thống trị ngành đường sắt, tài chính và công nghiệp dầu mỏ từ thế kỷ XX. Samuel P. Bush, một trong 2 vị tổ phụ của gia tộc Bush, là một vị giám đốc điều hành ngân hàng lão luyện. Samuel tham gia vào hội đồng quản trị của ngân hàng dự trữ liên bang Cleveland và hỗ trợ việc thành lập Phòng Thương mại Mỹ.

Trong suốt Thế chiến I, ông làm ở Bộ Công nghiệp chiến tranh, nơi ươm mầm và nuôi dưỡng các dự án kinh doanh chiến tranh, cùng những mối quan hệ với giới thượng lưu đã đặt nền móng cho tài sản của gia tộc Bush. Trong khi đó, ông của George W. Bush, Prescott S. Bush, được cho là người biến tên tuổi của một gia tộc trở thành một triều đại nổi tiếng, định hình nên di sản nhà Bush.

“Triều đại” nhà Bush trên chính trường Mỹ: Tổng thống là nghề gia truyền - 1

Ảnh chụp đại gia đình nhà Bush.

Là con của một ông trùm ngành thép và đường sắt ở Ohio, Prescott S. Bush từ sớm đã quyết tâm không theo nghiệp cha. Ông tham gia tích cực các hoạt động xã hội khi là một thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết và tài năng của Trường Yale. Prescott nuôi dạy con cái trong một môi trường gia đình khuyến khích lòng trung thành và sự cạnh tranh, không hề có ý thức hưởng bất kỳ đặc quyền, đặc lợi nào.

Năm 1952, sau thất bại vào thượng viện hai năm trước đó, ông Prescott đã giành được một ghế thượng nghị sĩ tại Connecticut. Di sản ông để lại là ủng hộ lập pháp dân sự, mở rộng hạn ngạch nhập cư, phản đối tăng lương cho các thượng nghị sĩ. Trong tầm nhìn của ông, quan chức đắc cử phải đáp ứng yêu cầu thu nhập độc lập và lối sống đạo đức. Niềm đam mê chính trị của Prescott đã thấm vào huyết quản các thế hệ tương lai nhà Bush.

Người viết tiểu sử nhà Bush tiết lộ, Prescott đã thiết lập ba “lời sấm truyền” để gia tộc thừa hưởng và phát huy là: tự thân, không thực sự giàu có và luôn phải chạy đua để phụng sự đất nước. Prescott S. Bush gia nhập ngành dầu mỏ bằng một ghế trong Ban quản trị Dresser Industries - một công ty thiết bị dầu mỏ, sau này sáp nhập với Halliburton vào cuối những năm 1990. Con trai Prescott, George H.W. Bush (Bush “cha”), cũng đã bắt đầu sự nghiệp ở Dresser Industries. Thương vụ đầu tư đầu tiên của Bush “cha” vào lĩnh vực dầu mỏ là Công ty Bush-Overby. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh, đưa đến việc thành lập công ty dầu mỏ mới là Zapata Petroleum vào năm 1953, và 10 năm sau, một cuộc sáp nhập đã cho ra đời Tổng Công ty Pennzoil. Pennzoil vẫn tiếp tục kiếm được gần 3 tỷ USD vào năm 1999.

Đến thời George W. Bush, công việc kinh doanh vẫn tiếp tục. Bush “con” tốt nghiệp Đại học Yale vào năm 1968 và tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard năm 1975. Những năm 1980, lần đầu tư mạo hiểm đầu tiên của George W. Bush là lập Công ty Arbusto Energy. Ông kinh doanh tại chính văn phòng của cha đã sử dụng nhiều năm trước. Công ty Arbusto Energy kinh doanh khá tệ với lợi nhuận thu về ít ỏi. George W. Bush thậm chí chỉ nhận được 45 xu cho mỗi đồng USD đầu tư của mình.

Những nhà đầu tư ban đầu được ông kêu gọi chính là người thân và bạn bè của gia đình Bush như người chú Jonathan Bush - chủ sở hữu công ty chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng giới ngoại giao, hay người bà Dorothy Bush – chủ chi khoản tiền 25.000 USD nhằm “động viên” cháu trai. Những mối quan hệ của nhà Bush đã được đền đáp bằng việc giành được một bản hợp đồng khoan dầu ngoài khơi với Bahrain. Động thái này cho thấy mối quan hệ khăng khít và tăng cường kết nối giữa gia đình Bush với các tầng lớp có địa vị ở Ảrập Saudi.

Tham vọng tổng thống thứ ba

Người viết tiểu sử nhà Bush nói rằng: “Dù có thích hay không, mọi người đều phải thừa nhận, gia tộc Bush lập nên một triều đại chính trị thành công nhất trong lịch sử chính trị Mỹ”. Quả thực, gia tộc Bush đã có hai người làm tổng thống. Giờ đây, cháu nội của của cựu Tổng thống George H.W.Bush - George Prescott Bush - với các hoạt động chính trị tích cực, cũng đang trở thành niềm hi vọng sẽ là người của gia tộc Bush lãnh đạo Nhà Trắng trong tương lai. Năm 2014, ở tuổi 38, George đã chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí ủy viên đất đai của Văn phòng đất đai Texas. Chức vụ uỷ viên đất đai của Texas tưởng chừng như ít người biết đến, nhưng nó có thể là bước đệm để tới một vị trí cao hơn.

“Triều đại” nhà Bush trên chính trường Mỹ: Tổng thống là nghề gia truyền - 2

Jeb Bush (phải) được coi là một trong những nhân vật được kỳ vọng sẽ trở thành tổng thống thứ ba của nhà Bush sau người cha George H.W. Bush (giữa) và anh trai George W. Bush (trái).

George Prescott Bush đã trở thành người đầu tiên của gia tộc Bush giành được chiến thắng ngay trong lần đầu tranh cử. Từ rất sớm, George đã cảm nhận và học được nhiều bài học vận động tranh cử. 12 tuổi, anh tham dự hội nghị quốc gia đảng Cộng hòa năm 1988 - nơi ông nội anh được đề cử tranh cử tổng thống. Anh còn tích cực tham gia đội vận động tranh cử ở bang Floria để giúp ông bác George W.Bush tranh cử tổng thống, là cánh tay đắc lực giúp người cha Jeb Bush tái tranh cử chức thống đốc bang Florida năm 2002.

Với lợi thế thành thạo tiếng Tây Ban Nha, rất nhiều nhân vật chóp bu của đảng Cộng hòa tại Texas đánh giá anh là nhân tố chìa khóa để tiếp cận cộng đồng người người gốc Mỹ Latinh đang ngày càng gia tăng trong bang. Vị ủy viên trẻ tuổi mong mỏi người dân Texas đánh giá anh dựa trên thành tích, công việc anh làm được chứ không phải sức mạnh từ cái tên gia tộc.

Bên cạnh người con trai, Jeb Bush cũng được coi là một nhân tố quan trọng để nhà Bush “chiếm lại” vị trí quyền lực nhất Nhà Trắng. Tuy nhiên, ông Jeb sẽ phải đối mặt với những ứng viên nặng ký như cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton hay nhà tỷ phú Donald Trump.

Trên thực tế, thách thức quan trọng nhất là cử tri Mỹ không chỉ phản đối kiểu “gia đình trị”, mà còn bị ám ảnh nặng nề của quá khứ, nhất là trong thời gian nắm quyền Tổng thống Bush “cha” và Bush “con”. Họ đã sai lầm kép, không rút ra được bài học ở chiến tranh Việt Nam, để rồi lại lao vào cuộc chiến vùng Vịnh, nhất là khi mở cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan, khiến cho kinh tế Mỹ rơi vào cuộc đại khủng hoảng (2008).

Sau khi Jeb Bush có những màn trình diễn mờ nhạt trong các buổi tranh luận với các ứng viên khác, ông George W. Bush đã phải lên tiếng ủng hộ em trai. Vị cựu lãnh đạo nhấn mạnh còn quá sớm để đảng Cộng hòa lựa chọn ứng viên chính tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào tháng 11/2016. Ông khẳng định Jeb Bush vẫn là một ứng cử viên mạnh mẽ.

“Nếu không thể xử lý những thăng trầm của chiến dịch tranh cử thì không thể xử lý những biến cố trong nhiệm kỳ tổng thống”, ông Bush khuyên em trai không nên lo lắng trước sự chỉ trích của ứng viên “cứng rắn” Donald Trump. Một nhà tài trợ trong sự kiện gây quỹ cho ông Jeb ở khu phố Georgetown cho biết cựu Tổng thống George W. Bush rất tin tưởng vào em trai. Sự kiện này sẽ gom góp số tiền 350.000 USD cho chiến dịch tranh cử của ông Jeb.

Vào tuần tới, Jeb Bush sẽ phát hành một cuốn sách điện tử về những năm tháng làm việc. Song song đó, ông cũng thực hiện một bài phát biểu quan trọng trong tháng 11 ở thành phố Tampa, bang Florida. Đây được xem là cơ hội để ông ghi điểm và lấy lại vị thế trước các ứng viên Cộng hòa khác.

Trong quá trình tranh cử, Jeb Bush luôn nói: “Cuộc tranh cử 2016 không phải là cuộc tranh cử của quá khứ, không phải của bố mẹ hay anh tôi, mà là cuộc chiến đấu với những kế hoạch để đưa Mỹ tiến về phía trước”. Bản thân gia đình Bush rất tin tưởng ông Jeb, cho rằng ông có đủ khả năng, tài cán để trở thành người lãnh đạo quốc gia nên chẳng có lý do gì để không ra tranh cử. Tuy nhiên, một trong số những điều thú vị về bầu cử Mỹ là không ai biết được điều gì sẽ xảy ra khi luôn có những yếu tố bất ngờ. Vì thế, câu trả lời tổng thống Mỹ có phải là “nghề gia truyền” của gia tộc Bush hay không vẫn còn đang ở phía trước…

Theo Hồng Hạnh

An ninh Thế giới

“Triều đại” nhà Bush trên chính trường Mỹ: Tổng thống là nghề gia truyền - 3