Triển vọng và thách thức trong quan hệ Mỹ - Trung năm 2024
Sau gần một năm căng thẳng với nhiều diễn biến vô tình lẫn cố ý, quan hệ Mỹ - Trung đã khép lại năm qua trong trạng thái hạ nhiệt. Mối quan hệ này có thể diễn biến ra sao trong năm bầu cử Mỹ 2024?
Trong 3 năm dưới thời Tổng thống Joe Biden, quan hệ Mỹ - Trung dường như vận hành theo chu kỳ "thăng trầm" kéo dài một năm. Dù trong năm dù xảy ra chuyện gì, tới gần cuối năm, lãnh đạo 2 nước vẫn gặp và cùng chia sẻ những nụ cười, đem lại khoảng lặng tạm thời cho quan hệ song phương.
Năm 2021, nhà ngoại giao hàng đầu của 2 bên có cuộc "đấu khẩu" nảy lửa tại Alaska hồi tháng 3. Tới ngày 15/11/2021, ông Biden và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên qua hình thức trực tuyến.
Tháng 8/2022, chuyến thăm tới đảo Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi đã khiến Trung Quốc phản đối gay gắt. Tới giữa tháng 11 năm ấy, ông Biden và ông Tập gặp nhau bên lề hội nghị G20 ở Bali, Indonesia.
Năm 2023 cũng không ngoại lệ. Quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục chứng kiến những diễn biến "trầm" rồi "thăng", theo các chuyên gia.
Năm 2023: Cuộc gặp lịch sử sau nhiều căng thẳng
"Năm vừa qua trong quan hệ Mỹ - Trung được đóng khung bởi 2 sự kiện thể hiện những bước chuyển đôi khi đầy kịch tính trong cạnh tranh Trung - Mỹ", ông Daniel Sneider, giảng viên Nghiên cứu Á Đông tại Đại học Stanford (Mỹ), nói với phóng viên Dân trí.
Sự kiện đầu tiên xoay quanh quả khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, khiến Tổng thống Biden ra lệnh bắn hạ tại vùng biển ngoài khơi bang Nam Carolina.
Sự cố khinh khí cầu đã cản trở những bước tiến đầu tiên trong nỗ lực giảm căng thẳng mà 2 bên cùng thực hiện thông qua cuộc gặp của ông Biden và ông Tập chỉ hơn 3 tháng trước đó tại Indonesia.
Cũng vì sự cố này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được cho là đã hủy chuyến đi dự kiến tới Trung Quốc. Hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc đều chững lại tại thời điểm thế giới trải qua nhiều biến động, nhất là căng thẳng ở Đài Loan, vẫn âm ỉ.
Tới ngày 15/11, quan hệ Mỹ - Trung chứng kiến một khoảnh khắc then chốt nữa, đó là cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại San Francisco, Mỹ. Nó "về cơ bản là sự nối lại hoạt động đối thoại và bình thường hóa bị bỏ dở giữa chừng", theo ông Sneider.
Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Biden đã "nhấn mạnh rằng Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh", thông cáo của Nhà Trắng cho biết. Nhưng ông cũng nói rằng "thế giới kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm để ngăn không cho nó trở thành xung đột, đối đầu hoặc cuộc Chiến tranh Lạnh mới".
Cuộc gặp lịch sử đã giúp cải thiện quan hệ Mỹ - Trung ở một số lĩnh vực, như việc hai bên nhất trí nối lại đối thoại quân sự cấp cao, hợp tác chống ma túy, tăng số chuyến bay thẳng giữa 2 nước, và khởi động trao đổi về việc gia hạn thỏa thuận hợp tác khoa học - công nghệ Mỹ - Trung…
"Một sự kiện vào đầu năm, một sự kiện vào gần cuối năm. Điều này thể hiện sự cải thiện phần nào đối với mối quan hệ này trong năm nay", ông Zhiqun Zhu, Giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell (Mỹ), nói với phóng viên Dân trí.
Sự cải thiện ấy không tự nhiên mà có. Washington được cho là đã chủ động tiếp cận Bắc Kinh với chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken hồi tháng 6. Nhiều quan chức nội các cùng phái đoàn Quốc hội Mỹ sau đó cũng lần lượt thăm Trung Quốc.
Phía Trung Quốc cũng nắm bắt cơ hội này để khôi phục trao đổi song phương. Chuyến thăm Washington vào tháng 10 của Ngoại trưởng Vương Nghị được nhiều người cho là để tạo tiền đề cho cuộc gặp của ông Biden và ông Tập tại San Francisco.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng quan hệ giữa 2 cường quốc lớn nhất thế giới vẫn mang đậm tính cạnh tranh. Kể cả khi quan chức Mỹ - Trung nối lại trao đổi song phương vào tháng 6, mỗi bên vẫn tung biện pháp được cho là nhắm vào bên kia.
Chẳng hạn trong lĩnh vực công nghệ, đầu tháng 7, Trung Quốc đã ra quy định hạn chế xuất khẩu các kim loại thiết yếu trong sản xuất chip. Trong 2 tháng sau, ông Biden ra lệnh hạn chế đầu tư của các công ty Mỹ vào công nghệ Trung Quốc, đồng thời tiếp tục siết xuất khẩu chip tiên tiến.
Ông Sneider nhấn mạnh rằng dù chưa thể sớm nối lại mối quan hệ mang tính chất hợp tác nhiều hơn, Mỹ - Trung đều nhất trí về việc cần ngăn chặn xung đột, hợp tác trong một số lĩnh vực, đồng thời cố gắng thiết lập các "rào chắn" chống lại sự leo thang căng thẳng ngoài ý muốn.
"Nhưng không có gì đảm bảo rằng họ sẽ thành công", ông Sneider nói.
Triển vọng và thách thức trong năm 2024
Năm 2024 dự kiến tiếp tục là năm nhiều sóng gió đối với quan hệ Mỹ - Trung và không nên đặt kỳ vọng quá cao, theo các chuyên gia.
Ngay vào giữa tháng 1/2024 sẽ là thử thách đầu tiên đối với mối quan hệ giữa 2 cường quốc: Cuộc bầu cử chính quyền trên đảo Đài Loan.
"Nếu ứng viên đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) thắng cử và Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ, quan hệ Mỹ - Trung sẽ phát sinh cuộc khủng hoảng mới", Giáo sư Zhu nhận định.
Vấn đề đảo Đài Loan luôn là chướng ngại vật lớn trong quan hệ Mỹ - Trung. Chính một trong những mục tiêu của ông Tập khi gặp ông Biden vào tháng 11 là để nghe đối phương tái khẳng định lập trường tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc" về hòn đảo nói trên.
Theo Reuters, các cuộc bầu cử trên đảo Đài Loan từng khiến leo thang căng thẳng. Năm 1996, Mỹ từng cử nhóm tàu sân bay tới khu vực sau khi Trung Quốc tổ chức tập trận và thử tên lửa trước thềm cuộc bỏ phiếu.
Gần đây, Bắc Kinh đã kêu gọi người dân trên đảo Đài Loan đưa ra "lựa chọn đúng đắn".
Không chỉ vậy, "năm 2024 là năm bầu cử (ở Mỹ), sẽ có nhiều biến động đối với quan hệ song phương này", bà Yun Sun, nghiên cứu viên cấp cao và đồng Giám đốc Chương trình Đông Á và Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson của Mỹ, nói với phóng viên Dân trí.
Đồng tình, ông Zack Cooper, học giả nghiên cứu về cạnh tranh Mỹ - Trung tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), cho rằng lịch trình chính trị của Mỹ trong năm 2024 khiến đây là năm còn khó khăn hơn. "Giọng điệu (của các bên) có thể gay gắt hơn trong năm sau", ông nói.
Nếu không có bất ngờ vào phút chót, cuộc bầu cử sắp tới nhiều khả năng là cuộc tái đấu giữa ông Biden và cựu Tổng thống Donald Trump, theo Reuters. Và chắc chắn chủ đề Trung Quốc sẽ được nhắc đến trong quá trình tranh cử, đi kèm những phát ngôn có thể khiến Bắc Kinh không hài lòng.
Chẳng hạn, ông Sneider cho rằng ông Trump chắc chắn sẽ công kích ông Biden là "không đủ cứng rắn" với Bắc Kinh. Trong khi ông Biden cũng sẽ lấy cạnh tranh với Trung Quốc làm chủ đề trong chiến dịch tranh cử để thúc đẩy việc xây dựng lại năng lực sản xuất của Mỹ và đảm bảo sự bền bỉ của chuỗi cung ứng.
Kết quả của cuộc bầu cử cũng có thể tác động mạnh tới quan hệ song phương, đặc biệt nếu ông Trump tái đắc cử. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đồng thời tung cáo buộc về nguồn gốc Covid-19.
Dù có thể không hài lòng với ông Biden, phía Trung Quốc vẫn e dè nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump - người đồng nghĩa với sự khó lường, bà Sun nói với Reuters.
Trong khi đó, ông Sneider cho rằng để đạt tiến triển trong quan hệ Mỹ - Trung vào năm tới có thể khó khăn nhưng không phải là không thể.
"Trên thực tế, tôi nghĩ rằng ông Biden sẽ vui lòng chứng minh rằng căng thẳng có thể được xoa dịu và hòa bình được đảm bảo", ông Sneider nói.