1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Triển vọng hòa bình cho Syria sau 5 năm nội chiến

(Dân trí) - Hội nghị đàm phán hòa bình cho Syria đã bắt đầu được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) từ 29/1 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ) và các nước trung gian hòa giải nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài đã gần 5 năm qua ở Syria.

 


Tiến trình đàm phán hòa bình Syria (Ảnh: CBS)

Tiến trình đàm phán hòa bình Syria (Ảnh: CBS)

 

Các bên tham gia gồm có đoàn của chính phủ Syria 16 người, đại diện phe đối lập chính (HNC) 17 người, và đại diện khác của phe đối lập 25 người. Cuộc đàm đầu tiên diễn ra vào ngày 31/1 theo hình thức gián tiếp, khiến dư luận cho rằng triển vọng hòa bình cho khu vực Trung Đông đang hé mở.

Những bất đồng cần tháo gỡ

Cuộc đàm phán hòa bình Syria lần thứ 3 được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 25/1 nhưng đã bị hoãn lại do các bên vẫn chưa thể thống nhất về việc ai sẽ đại diện cho các đoàn đại biểu đối lập.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, cuộc đàm phán bao gồm cả các tay súng đối lập nhưng không phải “những kẻ khủng bố cực đoan”.

Trong khi đó, Ủy ban đàm phán cấp cao của liên minh do Saudi Arabia đứng đầu, trong đó bao gồm cả Liên minh Dân tộc Syria (NC) có trụ sở ở Riyadh cho biết, đã gửi danh sách 3 đại biểu tham gia đàm phán. Tuy nhiên, danh sách này bị chỉ trích mạnh mẽ vì đề tên Mohamed Alloush - lãnh đạo của nhóm nổi dậy Quân đội Hồi giáo làm trưởng đoàn.

Chính phủ Syria vẫn thường xuyên cho rằng, Quân đội Hồi giáo và một số nhóm vũ trang khác là “khủng bố”. Nga cũng lên tiếng bác bỏ đề xuất của Saudi Arabia và yêu cầu cuộc đàm phán phải có sự tham dự của cựu phó Thủ tướng Syria Qadri Jamil cũng như lãnh đạo lực lượng người Kurd ở Syria.

Vấn đề tương lai của Tổng thống Assad vẫn tiếp tục là đề tài gây tranh cãi giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, trong một nỗ lực được cho là để tìm kiếm sự thỏa hiệp, Mỹ đã không buộc ông Assad phải ra đi như một điều kiện tiên quyết cho quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria, và ông vẫn có quyền tham gia tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử được tổ chức trong tương lai.

Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry nói: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình giống như các quốc gia bị ảnh hưởng sâu sắc từ hậu quả của cuộc nội chiến Syria, để thúc đẩy mang lại hòa bình, ổn định cho người dân Syria”.

Lợi thế của các bên đàm phán

Theo giới quan sát, chính phủ Syria tham gia đàm phán với lợi lớn trên chiến trường, trước đó quân chính phủ và các dân quân địa phương giành được quyền kiểm soát thị trấn Rabia. Đây là chiến thắng có ý nghĩa chiến lược thứ hai của lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad sau khi tái chiếm thị trấn Salma (12/1).

Một sỹ quan quân đội Syria ở Latakia nói với AFP: “Trong những tuần tới, chúng tôi có thể tuyên bố rằng, tất cả các khu vực ở Latakia được giải phóng khỏi các nhóm vũ trang” và chuẩn bị đánh vào các thị trấn đang bị phiến quân chiếm giữ ở phía Đông tỉnh Idlib.

Giáo sư Fawaz Gerges chuyên nghiên cứu tình hình chính trị Trung Đông tại trường Đại học Kinh tế London nhân định: “sự can dự của Nga đã thực sự thay đổi cục diện ở Syria. Quân đội Syria đã chuyển từ chế độ phòng thủ sang tấn công” chiếm lại nhiều khu vực quan trọng trước đó đã bị mất.

Đối với phe đối lập ở Syria lại gặp một số khó khăn, nhất là tìm ra phe đối lập được gọi là “ôn hòa” tham dự đàm phán. Tờ Wall Street Journal Joe Lauria cho biết, Nhà Trắng từ lâu đã ngầm ủng hộ rất nhiều nhóm phiến quân Hồi giáo tại Syria và không ít nhóm trong số này là khủng bố nhưng lại “ẩn” dưới danh nghĩa phe đối lập.

Sau cuộc sàng lọc bước đầu Mỹ đã loại bỏ được IS và Tổ chức Mặt trận al-Nusra. Tuy nhiên, trong số hàng chục nhóm còn lại có không ít nhóm hợp tác rất chặt chẽ với Tổ chức Mặt trận al-Nusra và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác.

Theo giới phân tích, trước thềm đàm phán hòa bình, quân Chính phủ Syria đang giành lợi thế lớn hơn, họ đã xuất hiện ở khắp nơi, nhất là các thị trấn lớn ở tỉnh ven biển Latakia.

Triển vọng hòa bình đang nhen nhóm

Cho đến nay, ngoài phái đoàn của chính phủ Syria còn có đại biểu của nhóm phiến quân tự nhận là đại diện cho phe đối đã đến Geneva. Đoàn đại diện của phe đối lập HNC mà Mỹ và các nước Arab cho là “ôn hòa” cũng đã đến Geneva vào ngày 31/1, nhưng nói là để thảo luận về vấn đề nhân đạo và đòi hỏi những yêu cầu của họ phải được thực hiện.

Theo giới chức LHQ, các đoàn đại biểu đối lập riêng rẽ vẫn có thể cùng tham dự Hội nghị, nhưng ở các phòng riêng biệt, ý kiến của họ phản ánh qua đại diện phái viên của LHQ. Cuộc đàm phán mới này sẽ kéo dài trong vòng 6 tháng, tuy không liên tục.

Ông Staffan de Mistura (đại diện LHQ) cũng khẳng định: “Dù vẫn còn những nguy cơ và căng thẳng về chính trị nhưng những nguy cơ và căng thẳng này đã được chúng tôi tính đến. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, mục tiêu của chúng tôi là rất rõ ràng, sẽ không có bất kỳ điều kiện nào được đưa ra ít nhất là cho đến khi cuộc đàm phán diễn ra. Tất cả vẫn còn đang để ngỏ”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng thừa nhận rằng, những thách thức vẫn còn đang ở phía trước, việc tìm lời giải cho bài toán Syria không hề đơn giản và sẽ cần rất nhiều thời gian.

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, với sự nỗ lực của LHQ, sự nhượng bộ lẫn nhau của các cường quốc đang can dự vào khu vực, có thể được coi là một tia hy vọng về “buổi bình minh của hòa bình” trên đất nước Syria vốn đã chịu nhiều đau khổ trong suốt gần 5 năm qua, với hàng triệu người bị thiệt mạng, bị thương và bỏ chạy ra nước ngoài.

Nguyễn Nhâm