1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trên bàn đàm phán G8

(Dân trí) - "Phát triển và trách nhiệm" là khẩu hiệu cho Hội nghị thượng đỉnh G8 năm nay. Thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ nhà của Hội nghị, đã đưa vấn đề thay đổi khí hậu phát và triển châu Phi lên làm trọng điểm cho hội nghị năm nay, bên cạnh các vấn đề khác.

Chính sách đối ngoại: Cũng giống những năm trước, các nhà lãnh đạo trong khối G8 sẽ kiểm tra lại các chính sách đối ngoại và những chính sách an ninh quan trọng. Các vấn đề của năm nay bao gồm: tình trạng bất ổn ở dải Gaza, Israel, phát triển ở Libăng và chương trình hạt nhân của Iran.

 

Toàn cầu hóa: Thủ tướng Merkel cho biết bà sẽ thúc đẩy tạo dựng nền kinh tế toàn cầu tự do và trật tự kinh tế mở. Vấn đề là phải tạo ra "luật chơi" công bằng trong thị trường vốn, thương mại thế giới, và thiết lập các tiêu chuẩn xã hội cũng như môi trường.

 

Châu Phi: G8 muốn phát triển một "cách tiếp cận có chất lượng mới" với việc viện trợ cho châu Phi. Ý tưởng này bao gồm cung cấp viện trợ cho các quốc gia chứng tỏ thiện chí cải cách và có trách nhiệm. Những tiêu chí chính là có chính phủ quản lý tốt, một môi trường đầu tư tốt hơn, hòa bình và an ninh, chống lại HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét. Thách thức cho phương Tây là thực hiện đúng các cam kết viện trợ phát triển trước đây.

 

Bảo vệ khí hậu: Hội nghị G8 sẽ tạo ra một diễn đàn đàm phán thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012. Để chống lại sự nóng lên toàn cầu, thế giới cần đồng thuận trong vấn đề cắt giảm khí thải nhà kính. Mục tiêu là phải giảm lượng khí thải độc hại 50% trước năm 2050 - một hiệp ước cụ thể đang được trông đợi vào thời điểm này.

 

Các quốc gia công nghiệp hóa mới: G8 sẽ giúp đỡ các nước công nghiệp mới như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico và Nam Phi với kế hoạch là tạo ra "Tiến trình Heiligendamm". Ý tưởng mở rộng G8 cho Trung Quốc, hoặc thành G13 đã bị Thủ tướng Merkel bác bỏ.

 

Kinh tế thế giới: Các lãnh đạo G8 cũng muốn giảm bớt rủi ro tiềm ẩn trong sự bùng nổ kinh tế toàn cầu. Họ muốn giải quyết vấn đề mất cân đối toàn cầu như thâm hụt thương mại Mỹ, sự phát triển mạnh mẽ dự trữ tiền tệ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc (hiện đang nắm giữ 1.200 tỉ USD), thặng dư thương mại ở Nhật, Trung Quốc và một phần châu Âu cũng như các nước xuất khẩu dầu.

 

Quỹ đầu cơ: Đức kêu gọi có sự minh bạch hơn trong quản lý các quỹ đầu cơ, hiện đang ít bị giám sát. Các quỹ đầu cơ, hiện có khoảng 9.000 quỹ, hoạt động chủ yếu ở Mỹ và Anh, hiện đang nắm giữ 1.883 tỉ USD.

 

Đánh cắp bản quyền: Để bảo vệ sở hữu trí tuệ, G8 muốn phát triển các chiến lược chống lại việc ăn cắp bản quyền phim và phần mềm với sự giúp đỡ của các nước công nghiệp mới. Mục tiêu là khống chế mức cầu cho các sản phẩm ăn cắp bản quyền. Tính riêng nền kinh tế Đức đã phải chịu thiệt hại hàng năm khoảng 34 tỉ USD trước nạn ăn cắp bản quyền. Con số này trên toàn cầu là khoảng 161 tỉ USD.

 

Chủ nghĩa bảo hộ: Các nước đang tăng hàng rào bảo hộ với đầu tư nước ngoài trong các khu vực chiến lược quan trọng. Các lãnh đạo G8 muốn mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài. Họ sẽ làm việc để chống lại làn sóng "bảo hộ đầu tư" chống lại các nhà đầu tư nước ngòai.

 

Thương mại thế giới: Thủ tướng Merkel và các lãnh đạo khác muốn thấy sự đột phá trong các cuộc đàm phán phát triển Doha vì một sự tự do tương lai cho thương mại thế giới.

 

Các tiêu chuẩn xã hội: Hội nghị sẽ phát đi một tín hiệu mạnh mẽ kêu gọi các tiêu chuẩn xã hội tốt hơn. G8 sẽ tìm kiếm các cuộc đối thoại với các nước công nghiệp mới và với các tổ chức quốc tế.

 

Đôi nét khái quát về G8

 

G8 bao gồm 8 quốc gia công nghiệp phát triển: Mỹ, Anh, Canada, Đức, Pháp, Italia, Nhật và Nga. G8 bắt đầu từ năm 1973, khi cuộc khủng hoảng dầu lửa và hệ quả suy thoái kinh tế đã khiến nước Mỹ làm chủ nhà hội nghị không chính thức cho các nhà lãnh đạo thế giới để thảo luận về các vấn đề liên quan.

 

Năm 1975, nước Pháp mời Mỹ, Anh, Tây Đức, Italia và Nhật Bản tham dự một Hội nghị thượng đỉnh, gọi là G6, nơi các quốc gia nhất trí tổ chức một hội nghị thường niên với cơ chế chủ tịch luân phiên. Canada tham gia vào năm 1976, tạo thành G7. Năm 1997, Nga tham gia vào nhóm và tạo thành G8 như hiện nay.

 

Tổng cộng, tám nước này đã tạo ra hơn một nửa sản phẩm của toàn thế giới và đại diện cho ảnh hưởng chính trị của thế giới. Các chủ đề bàn thảo bắt đầu từ những quan ngại về kinh tế và lan sang các vấn đề chính trị như nghèo đói, chủ nghĩa khủng bố và thay đổi khí hậu toàn cầu.

 

G8 được xem là diễn đàn không chính thức của các nhà lãnh đạo các cường quốc, không có cơ cấu hành chính hay văn phòng. Chương trình nghị sự được đưa ra bởi chủ nhà và chủ tịch của Hội nghị năm đó. Hàng năm, một quốc gia thành viên sẽ nhậm chức chủ tịch G8 vào tháng một và là chủ nhà cho một loạt các cuộc họp cấp cao cho các đại diện thành viên, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh hàng năm được các nhà lãnh đạo tham dự.

 

Với tư cách là chủ nhà năm nay, Đức đã công bố về chương trình nghị sự tập trung vào ngăn ngừa sự thay đổi khí hậu và nhu cầu thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012. Ổn định nền kinh tế thế giới với chính sách năng lượng bền vững, phát triển và viện trợ ngăn ngừa HIV ở châu Phi, chiến lược chống lại nạn ăn cắp bản quyền và chính sách an ninh là những chủ đề nước Đức đưa ra năm nay.

 

Long Nguyễn

Theo Spiegel