1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sau Trung Quốc, Nhật Bản có thể đối đầu cuộc chiến thương mại với Mỹ

(Dân trí) - Sau Trung Quốc, Nhật Bản có thể sẽ trở thành quốc gia tiếp theo vướng vào vòng xoáy chiến tranh thương mại với Mỹ sau những cảnh báo cứng rắn của Washington với Tokyo gần đây.

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe gặp nhau tại Nhà Trắng năm 2017 (Ảnh: AFP)
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe gặp nhau tại Nhà Trắng năm 2017 (Ảnh: AFP)

Trong khi Mỹ nhắm mục tiêu trừng phạt công khai tới Trung Quốc, Canada và Mexico về các vấn đề liên quan tới mất cân bằng thương mại, Washington dường như “kín tiếng” hơn với Nhật Bản. Tokyo hy vọng tình bạn giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump, hai nhà lãnh đạo cùng đam mê chơi golf, sẽ giúp đưa Nhật Bản nằm ngoài tầm ngắm của Mỹ.

Mặc dù Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump chuẩn bị có cuộc hội đàm với nội dung trao đổi về tranh chấp thương mại, song vẫn có những dấu hiệu cho thấy Nhật Bản có thể là quốc gia tiếp theo vướng vào cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nỗi quan ngại lớn nhất hiện nay là Washington có thuế áp mức thuế cao hơn đối với mặt hàng xe ô tô của Tokyo.

Thâm hụt thương mại

Tổng thống Trump thường xuyên than phiền về “mức thâm hụt rất lớn” với Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Bình luận trên Thời báo phố Wall, ông Trump nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản, song vẫn cảnh báo: “Tất nhiên, chuyện đó sẽ kết thúc ngay sau khi tôi nói cho họ biết họ sẽ phải trả bao nhiêu tiền”.

Năm ngoái Nhật Bản có mức thâm hụt thương mại với Mỹ ước tính 68,8 tỷ USD, xếp thứ 3 sau Trung Quốc (375 tỷ USD), Mexico (71 tỷ USD), và gần bằng 1/10 so với tổng thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước còn lại trên thế giới (796 tỷ USD). Theo số liệu thống kê chính thức của Mỹ, thâm hụt thương mại Mỹ - Nhật trong 8 tháng đầu năm 2018 ở mức 40 tỷ USD.

Xuất khẩu xe và phụ tùng ô tô chiếm tới 80% trong tỷ lệ mất cân bằng thương mại Mỹ - Nhật. Sự xuất hiện của “hàng triệu xe ô tô Nhật Bản” trên các tuyến đường ở Mỹ đã khiến Tổng thống Trump “nóng mặt”. Trong khi đó, rất ít xe ô tô mang thương hiệu Mỹ lăn bánh tại Nhật Bản. Nhật Bản hiện vẫn chưa áp thuế với xe ô tô nhập khẩu, trong khi Mỹ áp thuế 2,5% đối với xe ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản.

Theo giới phân tích, với kích cỡ lớn hơn, các xe ô tô Mỹ không phù hợp với hệ thống đường sá tại Nhật Bản cũng như thị hiếu của người Nhật. Ngoài ra, việc Nhật Bản áp đặt các hàng rào phi thuế quan, bao gồm các tiêu chuẩn an toàn bị cho là quá nghiêm ngặt, khiến việc nhập khẩu xe ô tô nước ngoài vào thị trường Nhật Bản gặp nhiều khó khăn.

Các cuộc đàm phán

Cơ sở lắp ráp xe ô tô của Nhật Bản (Ảnh: AFP)
Cơ sở lắp ráp xe ô tô của Nhật Bản (Ảnh: AFP)

Tổng thống Trump ngày 23/9 chia sẻ trên Twitter rằng ông “đang đi đến New York gặp Thủ tưởng Nhật Bản Abe vào buổi tối để thảo luận về quân sự, thương mại”. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh ông “muốn thấy một mối quan hệ tương xứng” đồng thời tin tưởng “tất cả sẽ thành công”. Trước đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Thủ tướng Abe sẽ có các cuộc đối thoại bên lề hội nghị của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 26/9 tại New York.

Các cuộc đàm phán đầu tiên giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã diễn ra mà chưa đạt được sự đột phá. Cuộc đàm phán thứ hai dự kiến diễn ra vào cuối ngày hôm nay.

Hai bên hiện đưa ra những lập trường trái ngược nhau. Trong khi Nhật Bản muốn giải quyết tranh chấp thương mại tại một diễn đàn đa quốc gia như Diễn đàn Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, Mỹ kỳ vọng một thỏa thuận song phương với Tokyo.

Theo Kyodo News, Nhật Bản có thể chấp thuận cách tiếp cận song phương nếu Washington dừng áp đặt thêm thuế bổ sung đối với ngành ô tô Nhật Bản. Theo nhà kinh tế học Harumi Taguchi, hiện tại tranh chấp thương mại giữa hai nước chưa bùng nổ nghiêm trọng, song điều này có thể sẽ thay đổi.

“Nhiều khả năng ông Donald Trump sẽ chuyển hướng tập trung sang Nhật Bản sau khi dàn xếp được hoặc đạt được thỏa thuận liên quan tới căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA)”, chuyên gia Taguchi nói.

Đòn áp thuế của Mỹ

Theo chuyên gia Tobias Harris, “vũ khí hiệu quả nhất của chính quyền Trump trong đàm phán với Nhật Bản nằm ở lời đe dọa áp thuế lên tới 25% đối với ô tô nhập khẩu với lý do liên quan tới an ninh quốc gia”. Kế hoạch này nếu được thực hiện sẽ có tác động “đáng kể” tới nền kinh tế Nhật Bản.

Các hãng xe ô tô khổng lồ như Toyota hay Nissan đã bán hàng triệu xe tại thị trường Mỹ, trong đó có nhiều xe được sản xuất tại nhiều nơi khác nhau như Nhật Bản, Mexico hoặc Canada. Theo nhận định của chuyên gia Taguchi, việc Mỹ áp thuế 25% có thể khiến GDP Nhật Bản sụt giảm 0,5%.

Các nhà sản xuất cảnh báo rằng họ không thể chịu hoàn toàn chi phí và sẽ buộc phải chuyển một phần sang khách hàng Mỹ, và trong trường hợp của Toyota, chi phí mà một người Mỹ phải trả có thể lên tới 6.000 USD/xe.

Tổng thống Trump có thể yêu cầu Nhật Bản tăng cường thêm số lượng xe ô tô được sản xuất tại Mỹ, tuy nhiên phương án này cũng không thực sự khả thi. Các công ty Nhật Bản đã sản xuất gần 4 triệu xe ô tô mỗi năm tại Mỹ và thuê khoảng 1,5 triệu lao động ở đây.

Một cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” theo kiểu Trung Quốc cũng khó có khả năng xảy ra trong trường hợp của Mỹ và Nhật Bản vì Thủ tướng Abe từng nói điều đó sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào. Thay vào đó, Nhật Bản có thể chọn cách đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới, như cách nước này từng cảnh báo khi Mỹ áp thuế đối với mặt hàng thép.

Theo chuyên gia Taguchi, điều Thủ tướng Abe nên làm là cam kết tăng cường mua “dầu đá phiến, thiết bị quân sự và một số mặt hàng không ảnh hưởng quá lớn tới sản xuất nội địa” từ Mỹ. Nhật Bản đã thông báo mua hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đắt đỏ của Mỹ. Tuy vậy, điều này có thể vẫn chưa đủ và Thủ tướng Abe cần sử dụng thêm kỹ năng đàm phán của mình.

Thành Đạt

Theo AFP