1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Áp đặt luật chơi

Giới chức Mỹ cho biết, Trung Quốc đã sử dụng điện từ “chèn đè” máy bay do thám không người lái Global Haw của Mỹ trên vùng trời Biển Đông, nhằm ngăn chặn sự giám sát của Washington tại các khu vực mà Bắc Kinh đang ngang nhiên bồi đắp và xây dựng trái phép đảo nhân tạo.

Ngày 22-5, trang tin The Washington Free Beacon (Mỹ) dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, Trung Quốc đã gây nhiễu sóng khiến những người điều khiển máy bay Global Hawk ở mặt đất không thể điều khiển được.
 
Tuy nhiên, chi tiết về vụ phá sóng này vẫn được giữ bí mật và ông Chris Sims, Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đã từ chối bình luận về vấn đề kể trên. Bà Rebekah Clark, nữ phát ngôn của Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương cũng từ chối bình luận về chuyến bay của Global Hawk gần quần đảo Trường Sa vì lý do an ninh.

Không có đột phá

Với chủ đề “Những căng thẳng mới trên Biển Đông”, hội thảo do Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS, Pháp) phối hợp với Tổ chức Gabriel Peri chủ trì (19-5) tại thủ đô Paris, Pháp đã thu hút nhiều học giả và chuyên gia đến từ các nước Anh, Ấn Độ, Bỉ, Canada, Nhật Bản, Nga, Pháp, Italia tham dự.
 
Và các học giả cùng chuyên gia đã cảnh báo, Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Đông bằng đảo nhân tạo đang xây dựng trái phép tại khu vực này. Đồng thời cho rằng, những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết bằng luật quốc tế. Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và kỹ thuật (CAST, Nga) Vasily Kashin nhận định, việc Trung Quốc liên tục bồi đắp đảo không những để thực hiện tham vọng kiểm soát Biển Đông, mà còn nhằm tiếp cận eo biển Malacca.

Áp đặt luật chơi

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear

Trong ngày 20-5, đã diễn ra 2 cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông (tại Argentina và Bỉ), nhiều đại biểu tham dự đã phê phán mạnh mẽ tuyên bố vô căn cứ của “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đang tuyên truyền nhằm độc chiếm Biển Đông. Bởi tất cả những yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông đều không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào - không có căn cứ, được vẽ tùy tiện và không có tọa độ xác định chính xác… Trước đó (17-5), trang Motley Fool đăng bài “Trung Quốc đang xây tàu sân bay không thể đánh chìm trên Biển Đông” nhằm vạch rõ mưu đồ của Bắc Kinh tại vùng biển này.

Giới quân sự cho rằng, việc Bắc Kinh đang khẩn trương thiết lập tiền đồn quân sự tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm xây dựng “xích tử thần” giúp Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực này, đồng thời củng cố yêu sách chủ quyền phi lý đối với “đường lưỡi bò”.
 
Trong khi Bắc Kinh coi đây là “xích tử thần”, có thể xác định vị trí, theo dõi và tấn công tàu đối phương, đặc biệt là tàu sân bay, thì Tạp chí The Week lại coi tiền đồn này chỉ tồn tại được vài giờ nếu xảy ra xung đột thực sự. Bởi máy bay đối phương có thể dễ dàng xác định vị trí của số đảo nhân tạo của Bắc Kinh để tấn công.
 
Thậm chí tàu ngầm lớp Ohio USS Michigan của Mỹ thừa khả năng phá hủy căn cứ không quân trên bãi đá Chữ Thập trong vài phút. Chỉ cần 10 tên lửa hành trình Tomahawk-D dội xuống, toàn bộ số máy bay, radar, tháp điều khiển, kho chứa nhiên liệu… trên đảo này sẽ bị xóa sổ. Trước đó, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear cho biết, Lầu Năm Góc dự đoán Trung Quốc sẽ hoàn thành một đường băng ở bãi đá Chữ Thập vào năm 2017 hoặc 2018.

Lập trường không thay đổi

Ngày 22-5, tờ Sydney Morning Herald dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Australia khi ông Kevin Andrews bày tỏ quan ngại về việc củng cố quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà Bắc Kinh đang tiến hành; đồng thời khẳng định, Australia phản đối bất kỳ hành động đơn phương hay cưỡng ép nào trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Kevin Andrews cho biết, gần 50% giao dịch thương mại hàng hải của Australia đi qua Biển Đông, do đó Canberra yêu cầu tự do lưu thông cho tàu thuyền và máy bay của tất cả các nước qua khu vực quan trọng này.

Trước đó, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop từng yêu cầu Bắc Kinh không thành lập Vùng nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Tư lệnh Hải quân Australia, Phó đô đốc Tim Barrett cũng bày tỏ quan ngại về những hoạt động cải tạo đảo làm gia tăng căng thẳng tại khu vực và nước này phản đối việc sử dụng thái độ hăm dọa, hung hăng, bắt nạt của bất cứ bên nào. Ngày 18-5, tờ The Epoch Times cho rằng, Australia nên điều máy bay và tàu chiến để thách thức yêu sách Trung Quốc ở Biển Đông.

Áp đặt luật chơi

Đô đốc Michelle Howard, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ
Đô đốc Michelle Howard, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ
 
Biển Đông có thể châm ngòi cho Thế chiến thứ 3 nếu Mỹ có các hành động nhằm can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp tại khu vực này, là cảnh báo của giới học giả Đài Loan. Và việc này sẽ trở nên nghiêm trọng khi Washington thực sự chất vấn Bắc Kinh về tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền đối với “đường lưỡi bò” bởi lúc đó Mỹ sẽ áp dụng các hành động quân sự để ngăn Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông.
 
Theo thống kê, Trung Quốc đã hoàn thành xong việc cải tạo, đảo hóa được 7 hòn đảo tại quần đảo Trường Sa, trong đó đáng chú ý nhất là bãi đá Vành Khăn, đảo Gạc Ma và bãi đá Chữ Thập. Và một khi hoàn thiện các căn cứ quân sự, đặc biệt là sân bay quân sự tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng phòng thủ, tác chiến ở vùng biển này và tạo mối đe dọa thực sự đối với Mỹ.

Giới chuyên môn cho rằng, sự có mặt của chỉ huy lực lượng đổ bộ 23 quốc gia tại Căn cứ quân sự Hickam, gần Honolulu, Hawaii (19-5) đã thu hút sự quan tâm của dư luận bởi không có đại diện của Trung Quốc tham gia Hội nghị các nhà lãnh đạo đổ bộ PACOM (PALS) do Hải quân Mỹ tổ chức. Đây được coi là nền móng cho sự hợp tác giữa các lực lượng đổ bộ đến từ những quốc gia châu Á. Theo Người phát ngôn quân đội Mỹ, Trung Quốc không được mời bởi luật pháp Mỹ không cho phép trao đổi quân sự với Bắc Kinh tại những sự kiện như vậy.

Cũng trong ngày 19-5, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cảnh báo, tranh chấp lãnh thổ có thể làm gián đoạn tuyến hàng hải trên Biển Đông; đồng thời kêu gọi ASEAN và Trung Quốc khẩn trương ký Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Ông Ng Eng Hen cũng yêu cầu Trung Quốc giải thích hành động bất hợp pháp ở Biển Đông. Trong khi đó, Tư lệnh Hải quân Singapore, Chuẩn đô đốc Lai Chung Han cảnh báo, an ninh Biển Đông đang tiềm ẩn mối nguy từ số tàu ngầm ngày càng đông đúc.

Theo ông Lai Chung Han, đến năm 2020, vùng biển Châu Á - Thái Bình Dương sẽ có khoảng 130 tàu ngầm hoạt động, khiến không gian biển trở nên chật chội. Theo ước tính của giới quân sự, các nước Châu Á - Thái Bình Dương sẽ chi khoảng 200 tỉ USD để mua tàu chiến và tàu ngầm (tính đến năm 2031).

Làm lấy được

Ngày 20-5, khi phát biểu tại Hội nghị Jakarta, Indonesia, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho rằng, việc Trung Quốc cải tạo đảo trên Biển Đông đang phá hoại tự do và ổn định tại khu vực; đồng thời tạo tiền lệ về việc nước lớn được tự do dọa dẫm nước nhỏ và làm gia tăng căng thẳng, bất ổn, thậm chí có thể dẫn đến xung đột. Trước đó, Phó tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, nữ Đô đốc Michelle Howard cho biết, Washington đã tuần tra tại Biển Đông và một vài lần chạm trán với tàu Trung Quốc trên vùng biển quốc tế. Và lần chạm trán mới nhất diễn ra hồi thượng tuần tháng 5 giữa tàu USS Fort Worth với một tàu quân sự Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo tờ Want China Times (Đài Loan), Bắc Kinh đang muốn biến quần đảo Hoàng Sa chiếm trái phép của Việt Nam thành một thiên đường du lịch giống như Maldives. Ngày 21-5, Công ty Cổ phần Du lịch eo biển tỉnh Hải Nam cho biết, đã ký hợp đồng trị giá 38,18 triệu NDT với Công ty Cảng tàu Thái Châu nhằm nâng cấp một tàu cũ (mua với giá 150 triệu NDT) để cải tạo thành “Công chúa Hải Ti” nhằm phục vụ cho tuyến du lịch tại Hoàng Sa. Dự kiến đến tháng 10-2015, “Công chúa Hải Ti” sẽ chính thức đi vào hoạt động, thay thế “Công chúa Gia Hương”. Ngày 21-5, Trung Quốc đã điều một tàu chấp pháp trái phép đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Giới truyền thông cho rằng, tại cuộc Triển lãm Quốc phòng Hàng hải quốc tế châu Á (IMDEX ASIA) lần thứ 10 được tổ chức ở Trung tâm Triển lãm Changi của Singapore (từ 19 đến 21-5), Trung Quốc đã giới thiệu một tàu khu trục tàng hình nhằm khoe công nghệ đóng tàu “vượt trội”. Trước đó, trang mạng quân sự sina.com cũng khoe tàu khu trục Type 052D, tàu khu trục Quảng Châu, và tàu khu trục thuộc Hạm đội Nam Hải tập bắn đạn thật. Theo tờ Times of India, Trung Quốc đang đóng 4 tàu sân bay và 2 chiếc có thể chạy bằng năng lượng hạt nhân với lượng giãn nước 90.000 tấn.

Ngày 21-5, tờ Chinanews dẫn tuyên bố của Người phát ngôn Không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa, theo đó máy bay của không quân nước này đã lần đầu tiên vượt eo biển Miyako (nằm giữa đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản) vào khu vực biển Tây Thái Bình Dương để diễn tập xa bờ. Trước đó (16-5), Hải quân Pháp và Trung Quốc đã tập trận chung ở vùng biển Hoa Đông nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự giữa 2 nước. Để tham gia cuộc tập trận kéo dài 3 tiếng đồng hồ trong điều kiện thời tiết mưa và biển động, Pháp đã điều tàu Dixmude, tàu khu trục do thám loại nhỏ Aconit và máy bay trực thăng đáp trên tàu.

Tại vòng đối thoại lần thứ 28, Mỹ và ASEAN đã nhất trí cùng nỗ lực nâng tầm quan hệ và tích cực chuẩn bị nội dung cho các cuộc gặp cấp cao thời gian tới. Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel khẳng định tầm quan trọng của sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.

Theo Hồng Thất Công
PetroTimes