Tranh chấp Biển Đông: Cảnh báo của chính trị gia Singapore
Những ca ngợi của các chính khách, chính trị gia trên thế giới dành cho Thủ tướng khai quốc của Singapore, sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời hôm 23/3 đã chứng tỏ tầm nhìn xa, chiến lược của người chọn tiếng Anh là ngôn ngữ công sở và ngôn ngữ chung cho các chủng tộc khác nhau...
... Cho dù bản thân ông là đời thứ tư sống ở Singapore của dòng họ Lý từng ở huyện Đại Bộ, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Singapore là quốc gia duy nhất do người Hoa thiết lập bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc và ông Lý Quang Diệu từng tới Trung Quốc 33 lần, có giao tình đặc biệt với Bắc Kinh. Do đó, những cảnh báo của người từng làm Thủ tướng 31 năm (1959-1990) và 21 năm là Bộ trưởng (1990-2011) tại đảo quốc sư tử càng khiến dư luận quan tâm, nhất là khi ông Lý Quang Diệu đề cập tới Mỹ và Trung Quốc.
Từ cố Thủ tướng Lý Quang Diệu
Ngày 24/3, tờ International Business Times bình luận, ông Lý Quang Diệu đã để lại cho Singapore một trong những quân đội “ghê gớm nhất thế giới”. Trước đó (23/3), Hãng BBC cũng có bài bình luận về cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, một trong số những người ủng hộ các giá trị châu Á, mặc dù cách giải thích của ông về vấn đề này thường gây tranh cãi.
Ông Lý Quang Diệu là một trong rất ít lãnh đạo trên thế giới có cơ hội tiếp xúc với 5 đời lãnh đạo Trung Quốc - từ Chủ tịch Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quân ủy Trung ương Tập Cận Bình. Theo ông Lý Quang Diệu, Chủ tịch Mao Trạch Đông muốn thay đổi Trung Quốc giống như cách Tần Thủy Hoàng đã làm và trong số 5 “thê đội”, cố Thủ tướng có ấn tượng nhất đối với Đặng Tiểu Bình bởi “dám thừa nhận sai lầm và sẵn sàng thay đổi cách nghĩ”. Người sáng lập Singapore Lý Quang Diệu cũng ca ngợi ông Tập Cận Bình là người có tư tưởng khoáng đạt.
Ông Lý Quang Diệu và ông Tập Cận Bình
Trong cuốn “Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Mỹ và thế giới”, cố Thủ tướng đề cập tới “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Theo đó, thay vì tìm cách cản trở sự vươn lên của Trung Quốc trở thành siêu cường, Washington cần hợp tác với Bắc Kinh để định hình nên một trật tự thế giới mới. Bởi Trung Quốc muốn chia sẻ thế kỷ này ngang hàng với Mỹ, do đó cạnh tranh Mỹ - Trung là điều không tránh khỏi, nhưng xung đột thì không. Nguy cơ xung đột quân sự Trung - Mỹ rất thấp bởi Bắc Kinh hiểu rằng, vị thế độc tôn của Mỹ là áp đảo và sẽ còn như vậy trong vài thập niên tới.
Gần 6 năm trước (28/10/2009), ông Lý Quang Diệu từng cảnh báo Mỹ, nếu Washington không tiếp tục tham dự vào châu Á, tạo cân bằng thực lực kinh tế và quân sự với Trung Quốc, sẽ mất vị thế lãnh đạo thế giới. Bởi theo ông Lý Quang Diệu, Mỹ phải duy trì chiến lược cân bằng ở châu Á nhằm tạo đối trọng với “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Khi còn tại nhiệm, ông Lý Quang Diệu đã chỉ rõ, muốn duy trì ổn định ở Đông Á, phải đảm bảo sự cân bằng giữa 3 bên Mỹ - Trung - Nhật và trong 2-3 thập niên tới, Mỹ vẫn là siêu cường thế giới. Mỹ hiện là cường quốc có lực lượng quân đội mạnh cùng nền kinh tế năng động nhất thế giới, đồng thời giữ vai trò là động lực tăng trưởng toàn cầu.
1 năm trước (26/3/2014), Tạp chí Forbes đăng bình luận của ông Lý Quang Diệu về việc Trung Quốc đang tìm cách “viết lại luật biển”. Theo cố Thủ tướng, sẽ là ngây thơ nếu tin “một Trung Quốc mạnh mẽ sẽ chấp nhận những định nghĩa thông thường về các bộ phận cấu thành vùng biển”. Và điều này không có gì ngạc nhiên, nhưng “gây khó chịu” đối với láng giềng và các bên liên quan, trong đó có Mỹ. Đồng thời cảnh báo, Trung Quốc sẽ không chịu sự phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế hoặc các cơ quan tài phán tương tự, và Mỹ sẽ không gây hấn với Bắc Kinh để tham dự vào vụ kiện “đường lưỡi bò” giữa Philippines và Trung Quốc. Nhưng sự hiện diện của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương là cần thiết.
Ông Lý Quang Diệu cũng nhấn mạnh, Trung Quốc đang tăng cường khẳng định vị thế bằng cách tuyên bố có “chủ quyền lịch sử đối với Biển Đông” và các tranh chấp phát sinh không có khả năng giải quyết. Bởi tranh chấp gia tăng đột ngột ở Biển Đông không chỉ vì nguồn tài nguyên dầu khí hay hải sản xung quanh các hòn đảo hay bãi đá, mà nhiều hơn thế vì Bắc Kinh coi Biển Đông là một trong những “lợi ích quốc gia cốt lõi” của họ. Cố Thủ tướng còn cảnh báo, nếu yêu sách dựa trên quan điểm lịch sử của Bắc Kinh được xác định làm căn cứ để đòi “chủ quyền” đối với các vùng biển và đại dương, người Trung Quốc sẽ nói rằng, 600 năm trước tàu của họ đã đi qua Biển Đông mà không bị thách thức? Nhưng các nước láng giềng của Trung Quốc không hề bị thuyết phục bởi những luận điệu đầy nghi thức mà Bắc Kinh công bố - tất cả nước lớn và nước nhỏ đều bình đẳng và Trung Quốc sẽ không bao giờ muốn làm bá chủ!
Việc Trung Quốc tăng cường quân sự cũng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ: Bắc Kinh nghiêm túc trong vấn đề Đài Loan và khủng hoảng lớn nhất giữa Trung Quốc và Mỹ chính là Đài Loan. Do đó, đừng coi Trung Quốc là kẻ thù, nếu không Bắc Kinh sẽ thúc đẩy chiến lược chống đối “đánh đổ vị thế của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương”.
Tuy nhiên, ông Lý Quang Diệu cũng cảnh báo, Trung Quốc chớ dại chạy đua vũ trang với Mỹ. Cố Thủ tướng còn khuyến cáo Nhật Bản và Ấn Độ cần cảnh giác, bởi sau khi hải quân Trung Quốc sở hữu tàu sân bay, Bắc Kinh sẽ không dừng ở việc “thống nhất Đài Loan”.
Đến Thủ tướng Lý Hiển Long
Ngày 3/2, khi trả lời phỏng vấn của tờ “Nhật báo Nam Đức”, Thủ tướng Lý Hiển Long đề xuất: gác tranh chấp, tập trung duy trì quan hệ bình đẳng, thiết thực và mang tính xây dựng trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Theo ông Lý Hiển Long, Trung Quốc ngày càng giàu có, cho nên khi đòi hỏi các “quyền lợi” thì tư thế của Bắc Kinh có thể trở nên cứng rắn hơn - Trung Quốc đã áp dụng vị thế nước lớn và sẽ tiếp tục chủ trương này. Nhưng tranh chấp chủ quyền Biển Đông cộng thêm chủ nghĩa dân tộc cùng gánh nặng lịch sử “sẽ không thể giải quyết”.
Ông Lý Hiển Long cũng cho biết, ASEAN đang trong quá trình hướng đến Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) mang tính bắt buộc và hiệu quả hơn. Tờ Today Online cũng từng trích tuyên bố của Thủ tướng Lý Hiển Long sau cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 21/10/2012: Đông Nam Á cần nỗ lực hướng tới COC, đồng thời nhấn mạnh, việc này cần phải có thời gian bởi liên quan tới chủ quyền quốc gia.
Tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga Nhật Bản
Cách đây hơn 9 tháng (25/6/2014), tại cuộc gặp Phó tổng thống Joe Biden ở Nhà Trắng, Thủ tướng Lý Hiển Long (nhân chuyến thăm 6 ngày tại Mỹ) đã hoan nghênh chính sách “xoay trục” của Washington, đặc biệt là những cam kết mạnh mẽ của Tổng thống Barack Obama đối với khu vực. Nhà lãnh đạo Singapore cũng bày tỏ quan ngại về cách hành xử gây bất ổn của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời kêu gọi Mỹ sử dụng chính sách thương mại như một nhân tố chính để can dự vào Châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Lý Hiển Long còn đề cập tới việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh châp về lãnh hải và lãnh thổ ở Biển Đông, chứ không phải quan niệm “mạnh được yếu thua” - lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo Trung Quốc “cần cố gắng tránh sai lầm” của những cường quốc trong lịch sử khi tìm cách trỗi dậy bằng “sức mạnh”, nhưng đều sụp đổ. Trước đó (2/4/2013), cũng trong chuyến thăm Washington, Thủ tướng Lý Hiển Long đã kêu gọi Mỹ tăng cường quan hệ thương mại với các nước Đông Nam Á nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với khu vực này. Bởi theo ông Lý Hiển Long, thương mại là nhân tố mang tính chiến lược và quan trọng nhất ở châu Á.
Gần 1 năm trước, tờ Business Times dẫn lời Thủ tướng Lý Hiển Long tại hội nghị Tương lai châu Á (diễn ra ngày 23/5/2014 tại Tokyo, Nhật Bản), theo đó những vụ việc nhỏ có thể leo thang, những tính toán sai lầm có thể đẩy đến tình trạng xung đột không ai mong muốn. Điều này đồng nghĩa với việc, châu Á có nguy cơ xảy ra chiến tranh nếu những căng thẳng trong khu vực không được giải quyết một cách có trách nhiệm.
Trước đó (16/3/2013), tờ Washington Post đã phỏng vấn và Thủ tướng Lý Hiển Long cũng khuyến cáo, mặc dù Trung - Nhật không cố ý gây xung đột, nhưng hai bên có thể đụng độ ở biển Hoa Đông. Và con trai cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng từng cảnh cáo, Trung Quốc không nên cho rằng, Mỹ đang suy yếu, mà siêu cường này có rất nhiều khả năng sáng tạo và phục hồi trở lại và Bắc Kinh nên cố gắng giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông trong phạm vi khu vực, không nên theo từng quốc gia riêng lẻ.
Ngày 16/3, khi trả lời phỏng vấn Hãng Bloomberg (sau hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Malaysia), Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết, ASEAN đã cam kết tuân thủ quy tắc không ưu tiên dùng vũ lực trong các tranh chấp; đồng thời ủng hộ mạnh mẽ việc Ấn Độ sẽ gia tăng hiện diện và can thiệp ở Biển Đông.
Trước đó (6/3), tờ The Straits Times dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Singapore Shanmugam: Tự do hàng hải là vấn đề quan trọng đối với sự tồn tại của Singapore với tư cách một quốc gia có chủ quyền. Trước đó (10/5/2014), khi phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) tại Myanmar, Ngoại trưởng Shanmugam cũng cho rằng, leo thang căng thẳng ở Biển Đông là vấn đề “gây quan ngại nghiêm trọng”.