1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh cãi ý tưởng di dời thủ đô của Nga tới Siberia

Nguyễn Quang

(Dân trí) - Các thành phố mới với dân số hàng triệu người ở Siberia có thể là đối trọng đối với sự phình ra của thủ đô Moscow hiện tại?

Tranh cãi ý tưởng di dời thủ đô của Nga tới Siberia  - 1

Thủ đô Moscow tráng lệ của Nga (Ảnh: Timeout).

Ông Sergei Shoigu - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga kiêm Người đứng đầu Hiệp hội Địa lý Nga - gần đây đã nêu ý tưởng chuyển thủ đô nước này đến Siberia và xây dựng một số thành phố mới tại đây.

"Chúng ta cần xây dựng 3, 4 và tốt nhất là 5 trung tâm khoa học và công nghiệp, trung tâm kinh tế lớn ở Siberia, hay nói cách khác là sẽ xây dựng các thành phố với dân số khoảng 300.000-500.000 người - tốt nhất là lên đến một triệu người", ông Shoigu phát biểu trong cuộc gặp gỡ cộng đồng khoa học thuộc nhánh Siberia của Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

Người đứng đầu Hiệp hội Địa lý Nga cũng nói thêm rằng không phải chỉ có việc xây dựng và di chuyển thủ đô về Siberia, mà còn phải hướng mục tiêu của những thành phố này vào một lĩnh vực hoạt động cụ thể.

Ông Shoigu nhắc lại rằng trước khi Liên Xô sụp đổ không lâu, đã từng có những kế hoạch như vậy và ông bày tỏ sự tiếc nuối rằng chúng đã không được thực hiện.

Các quan chức và chuyên gia Nga đã lên tiếng về ý tưởng chuyển thủ đô chính trị của Nga đến Siberia. Ông Yuri Krupnov, Chủ tịch Hội đồng Giám sát của Viện Nhân khẩu học, Di cư và Phát triển Khu vực, coi ý tưởng này là cấp thiết để cứu đất nước.

Ông Krupnov cho rằng đây không chỉ là một trong những ý tưởng khả thi hiện nay, mà là một việc phải được ưu tiên tuyệt đối. Cần không khôi phục sự phát triển cân bằng về không gian. Vùng phía tây nước Nga, trước hết là Moscow, St.Petersburg, là điểm thu hút cả nước, đặc biệt là Moscow với tính chất tập trung quá mức, đã từng ngày làm cho cả nước trở nên vắng vẻ, phá hủy hệ thống không gian. Do vậy, ông cho rằng chỉ có một lối thoát là phải san sẻ cho Matxcơva, nhưng không phải dưới hình thức hỗn loạn, mà là chuyển vị trí trung tâm chính trị của đất nước. 

Theo ông Krupnov, đây thậm chí không phải là vấn đề của chính sách đối nội, mà là vấn đề địa chính trị và là điều kiện chính để đảm bảo chủ quyền của Nga trong 30-50 năm tới. Điều này cũng có thể làm thay đổi toàn bộ kiến trúc hành tinh. Đây là một hành động sẽ tăng cường sức mạnh của Nga theo các quy mô lớn trên thế giới.

"Đây không chỉ là giải pháp cho các vấn đề nội bộ đã chín muồi, mà còn là một sự thay đổi trong toàn bộ hình học trên thế giới. Chúng ta sẽ hướng tới sự phát triển ở Thái Bình Dương, hướng sang châu Á. Đây là một quyết định chưa từng có", ông Krupnov nói.

Theo ông Krupnov cần dựa vào các đô thị hiện có tại Siberia để có thể xây dựng thủ đô mới. Ông cho rằng 2 thành phố Omsk và Novosibirsk nên trở thành trụ cột, và Omsk nên được đặt làm thủ đô mới.

Tranh cãi ý tưởng di dời thủ đô của Nga tới Siberia  - 2

Nga có trên 70% diện tích đất nước nằm ở châu Á nhưng đa phần dân cư lại sống ở phần lãnh thổ thuộc châu Âu (Ảnh: wordtravels).

Trong khi đó, Tiến sỹ Khoa học Địa lý, Cộng tác viên Khoa học Cấp cao Viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Andrei Treivish lại có ý kiến khác. Ông lưu ý rằng vấn đề di dời thủ đô rất khó khăn và từng được thảo luận từ lâu.

Ông Treivish cho hay, từ trước đến nay đã có nhiều đề xuất chuyển thủ đô đến vùng Ural, Siberia hoặc vùng Volga. Ông cho rằng việc di dời thủ đô là một việc rất khó, rất tốn kém và kéo theo nhiều hệ lụy. 

Ông Treivish cho hay, nếu nhìn vào tỷ lệ giữa phần châu Âu và châu Á (phần phía đông dãy Ural) của Nga, thì phía đông dãy Ural là vùng lãnh thổ có tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, chiếm phần lớn diện tích nước Nga nhưng dân số ít ỏi. Do dân số của Nga tập trung chủ yếu ở phần châu Âu nên ông cho rằng việc di dời thủ đô tới vùng thưa thớt dân cư là không phù hợp.

"Vấn đề quan trọng nhất đối với nước Nga hiện nay là tài nguyên nhân khẩu. Chúng ta định chuyển một nửa dân số Moscow đến đó ư? Bằng cách nào? Tự nguyện hay bắt buộc? Sẽ có rất ít người muốn đi. Ngược lại, ai cũng mong muốn đến sinh sống và làm việc ở Matxcova", ông Treivish nói.

Hiện các thành phố Novosibirsk và Yekaterinburg đang cạnh tranh quyền để trở thành trung tâm mới của Nga. Ông Treivish cho rằng, cần củng cố các đô thị lớn hiện có chủ yếu là cơ sở hạ tầng như giao thông, thúc đẩy phát triển các vùng ngoại ô, để sự kết tụ được chặt chẽ hơn. 

Ngoài ra, ông Treivish cũng cho rằng nước Nga còn thiếu một trung tâm mạnh ở vùng Viễn Đông. Do đó, Nga có thể cố gắng củng cố Vladivostok vì xung quanh thành phố này đã có một quần thể khá mạnh

"Irkutsk và Vladivostok là hai cụm đô thị lớn phía bên kia sông Yenisei. Có thể củng cố, tập hợp chúng lại, để các vùng ngoại ô xa xôi được xích lại gần hơn và nhận được các ưu đãi về tăng trưởng, xây dựng nhà ở... Điều này sẽ dẫn đến việc thu hút dân cư", Treivish nói.