Tranh cãi việc Trung Quốc bất ngờ khuyến khích bán hàng rong
(Dân trí) - Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi kích hoạt "nền kinh tế bán hàng rong" nhằm tạo việc làm cho hàng chục triệu người.
Xie Yiyi mất việc hồi đầu tháng 6, khiến cô gái 22 tuổi ở Bắc Kinh này trở thành một trong hàng triệu người trẻ tuổi ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ngay ngày hôm đó, nghe theo lời khuyến khích của giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, cô quyết định mở một quán hàng rong bán thịt nướng.
Mặc dù đã chọn vỉ nướng, than hoa, que xiên, đồ uống có gas vào giỏ hàng trên trang mua sắm, nhưng Xie vẫn chưa ấn nút "Mua hàng" vì vẫn phải chờ xem phản ứng của chính quyền Bắc Kinh với chủ trương khuyến khích bán hàng rong. "Giới chức cấp cao đang đưa ra những quan điểm khác nhau. Vì vậy, tôi nên thận trọng trước khi đặt mua", Xie nói.
Lâu nay, bán hàng rong vẫn bị coi là hình ảnh làm mất mỹ quan đô thị ở Trung Quốc. Với giới điều hành, hoạt động kinh doanh này thể hiện sự hỗn loạn và lạc hậu của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cuối tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bất ngờ công khai kêu gọi những người thất nghiệp khơi dậy “nền kinh tế bán hàng rong” để giúp nền kinh tế hồi phục sau khi đại dịch Covid-19 khiến hàng chục triệu người ở nước này mất việc làm. Tại cuộc họp này, ông Lý đưa ra các số liệu cho thấy trong khi thu nhập khả dụng bình quân đầu người ở Trung Quốc có thể lên tới 4.200 USD, song vẫn có khoảng 600 triệu người Trung Quốc, tương đương 43% dân số, có thu nhập chỉ 140 USD/tháng. Ông cũng lấy dẫn chứng một lao động nhập cư ở tuổi ngoài 50 thậm chí không thể tìm được việc làm sau 30 năm làm việc ở các thành phố.
Ngay lập tức, lời kêu gọi và những dữ liệu mà ông Lý Khắc Cường đưa ra đã kéo theo những tranh cãi về mức độ thịnh vượng của Trung Quốc. Khi những dữ liệu trên được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội ở Trung Quốc, một số người thậm chí không tin và cho rằng các thế lực thù địch dùng số liệu giả để phủ nhận thành công của Trung Quốc.
Trong khi đó, một số người dùng xã hội ca ngợi quan điểm về “kinh tế hàng rong” và cho rằng điều đó thể hiện sự sâu sát đời sống của giới lãnh đạo thay vì đề ra những mục tiêu xa vời hay tập trung gây dựng ảnh hưởng ở nước ngoài.
Đằng sau chủ trương khuyến khích kinh tế hàng rong
Hưởng ứng lời kêu gọi về nền kinh tế bán hàng rong, nhiều thành phố ở Trung Quốc đã khuyến khích hoạt động bán hàng rong. Một chuyên gia kinh tế ước tính, nếu chính phủ Trung Quốc tạo thêm dư địa cho những người bán hàng rong, nền kinh tế nước này có thể tạo thêm 50 triệu việc làm. Truyền thông Trung Quốc cũng đăng tải nhiều câu chuyện về một số người bán hàng rong có thể kiếm hàng nghìn USD mỗi tháng và có thể tậu xe sang. Họ cũng dẫn lại ví dụ các doanh nhân nổi tiếng như nhà sáng lập Alibaba Jack Ma - người từng bán hàng thủ công trên đường phố để trả tiền thuê cơ sở kinh doanh đầu tiên.
Trong khi đó, chính quyền một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Thâm Quyến, cho biết họ không có ý định “mở khóa” cho bán hàng rong. Nhật báo Beijing Daily, cơ quan ngôn luận của chính quyền Bắc Kinh, đăng một bài xã luận nói rằng kinh tế bán hàng rong không phù hợp với Bắc Kinh và thành phố sẽ không nương tay với các hoạt động kinh doanh gây mất trật tự đường phố, bán các sản phẩm kém chất lượng và gây ảnh hưởng đến trật tự giao thông.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, việc ông Lý công khai khuyến khích kinh tế bán hàng rong là biểu hiệu rõ ràng nhất những lo ngại của giới lãnh đạo Trung Quốc về tình hình thị trường việc làm trong nước. Thị trường này vốn đã tăng trưởng chậm lại những năm gần đây và hiện nay tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này hiện là 6%, nhưng theo ước tính của các chuyên gia, tỷ lệ này có thể lên tới 20%. Các doanh nghiệp ở đây bắt đầu nối lại hoạt động, song vẫn chưa thể tận dụng hết công suất, đặc biệt là với các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi các đơn đặt hàng ở nước ngoài vẫn còn hạn chế do Covid-19.
Minh Phương
Theo SCMP, New York Times