1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tranh cãi văn hóa châm ngòi căng thẳng Trung - Hàn tại Olympic Bắc Kinh

Đức Hoàng

(Dân trí) - Những tranh cãi về văn hóa và cáo buộc "phân xử không công bằng" tại Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh đang khiến cả chính giới và dư luận Trung - Hàn sôi sục căng thẳng.

Tranh cãi văn hóa châm ngòi căng thẳng Trung - Hàn tại Olympic Bắc Kinh - 1

Bộ trang phục giống hanbok trong lễ khai mạc Thế vận hội đã khiến Hàn - Trung tranh cãi (Ảnh: AP).

Trong những ngày qua, các diễn biến xảy ra trong kỳ Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh, Trung Quốc đang kéo Hàn Quốc và Trung Quốc vướng vào những cuộc tranh cãi. Theo giới quan sát, trong những năm gần đây, quan hệ giữa 2 nước có những căng thẳng nhất định về chính trị và văn hóa và kỳ Thế vận hội được xem đã khiến tình hình trở nên nóng lên.

Trong lễ khai mạc Thế vận hội, một phụ nữ Trung Quốc mặc trang phục giống như hanbok (trang phục truyền thống của Hàn Quốc), xuất hiện trên sân khấu. Hình ảnh này đã khiến cả dư luận và chính giới Hàn Quốc lên tiếng phản đối.

Đảng Dân chủ cầm quyền Hàn Quốc đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh cố tình "nhận" văn hóa của Hàn Quốc về phía mình. Trên mạng internet, các ý kiến chỉ trích cho rằng, Bắc Kinh đang "giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tới thế giới như thể chúng là của Trung Quốc".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul tuần trước đã lên tiếng phản bác cáo buộc nói trên, nhấn mạnh họ có 56 dân tộc thiểu số, trong đó có những người gốc bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc cho biết, việc nhóm này mặc đồ truyền thống trong lễ khai mạc không chỉ là mong ước mà còn là quyền lợi của họ.

"Nhóm dân tộc thiểu số gốc bán đảo Triều Tiên ở Trung Quốc, cũng như người Triều Tiên và Hàn Quốc đều có chung nguồn gốc và cùng văn hóa truyền thống, bao gồm trang phục. Vì vậy, cụm từ chiếm đoạt văn hóa là không thể chấp nhận được", thông báo viết.

Đây không phải lần đầu 2 nước căng thẳng về vấn đề văn hóa. Năm ngoái, Trung Quốc đã giành được chứng nhận từ tổ chức Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cho món rau muối pao cai. Báo nhà nước Trung Quốc Global Times đã mô tả sự kiện này là "tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kim chi (món rau cải muối truyền thống của Hàn Quốc) do Trung Quốc dẫn đầu".

Truyền thông Hàn Quốc đã chỉ trích tuyên bố trên và cáo buộc báo Trung Quốc đang "cố tình biến kim chi thành một món thuộc về pao cai của Trung Quốc".

Cáo buộc đối xử không công bằng

Ngoài tranh cãi về văn hóa, tại kỳ Thế vận hội lần này, dư luận Hàn Quốc cũng tỏ ra bất bình vì cáo buộc rằng vận động viên nước họ không được đối xử công bằng khi thi đấu.

Ngày 7/2, hai vận động viên trượt băng tốc độ của Hàn Quốc - Hwang Dae-heon và Lee June-seo - đã phải nhận hình phạt sau khi về nhất và nhì khi thi đấu bán kết nội dung 1.000 m. Hwang bị loại vì rẽ muộn gây ra va chạm, trong khi Lee bị loại vì chuyển làn đua gây va chạm.

Hai vận động viên thay thế Hwang và Lee vào chung kết là 2 vận động viên Trung Quốc và sau đó 2 người này thắng huy chương vàng và huy chương bạc cho Bắc Kinh. Vận động viên người Hungary Shaolin Liu là người về nhất trong chung kết, nhưng không được công nhận kết quả vì bị nhận 2 thẻ vàng sau khi trong tài xem xét lại.

Cả Hàn Quốc và Hungary đều khiếu nại phán quyết của trọng tài trong trận bán kết và chung kết nhưng Liên đoàn Trượt băng Quốc tế ISU cho biết họ đồng thuận với quan điểm cuối cùng của trọng tài.

Ủy ban Olympic và Thể thao Hàn Quốc (KSOC) cho biết phái đoàn Hàn Quốc sẽ đệ đơn lên Tòa án Trọng tài Thể thao. Hàn Quốc tuyên bố họ "phản đối mạnh mẽ" những "phán xét thiên vị" trong sự kiện trượt băng tốc độ.

Chính giới Hàn Quốc tiếp tục lên tiếng chỉ trích vụ việc này. Thành viên đảng Dân chủ cầm quyền Yun Ho-jung cho biết ông thể ngủ được vì tức giận, trong khi ứng viên đảng Nhân dân Ahn Cheol-soo cho rằng huy chương vàng và bạc trong nội dung trượt băng tốc độ 1.000 m đã "bị đánh cắp".

Căng thẳng leo thang tới mức Đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul đã phát đi thông báo bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" vì truyền thông và chính trị gia Hàn Quốc đang khuấy động "tâm lý bài Trung Quốc".  

"Trọng tài của mỗi sự kiện do Ủy ban Olympic Quốc tế và Liên đoàn Thể thao Quốc tế lựa chọn. Không quốc gia hay chính phủ nào có quyền can thiệp", thông báo viết.

Sau đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra tuyên bố đáp trả, cho rằng các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài cần "thận trọng" đồng thời tôn trọng tình hình của nước chủ nhà khi công khai bình luận về các phương tiện truyền thông và chính trị gia của nước chủ nhà.

Theo abcnews.go.com