1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tranh cãi phân biệt trường lớp khắc nghiệt tại Singapore

Thanh Thành

(Dân trí) - Sự cố lỡ miệng của Ngoại trưởng Balakrishnan đã làm lộ rõ một thực tế trong một xã hội coi trọng trường lớp ở Singapore, trong đó năng lực của một người được đong đo bằng ngôi trường nơi họ theo học.

Tranh cãi phân biệt trường lớp khắc nghiệt tại Singapore - 1

Việc cạnh tranh để vào học tại các ngôi trường hàng đầu ở Singapore rất gay gắt (Ảnh: AFP).

Khi đưa ra những nhận xét về nền tảng học vấn của chính trị gia đối lập Leong Mun Wai với một đồng nghiệp tại phiên họp quốc hội vào hôm 14/9, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan không nghĩ rằng, những bình luận đó lại bị lan truyền trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, một sự cố đã xảy ra. Micro của ông chưa tắt và khi phiên họp đang phát trực tiếp, một đoạn ghi âm với những nhận xét như, "Nghiêm túc đấy, làm sao ông ấy vào được RI nhỉ?" và "Đó chắc là một ngôi trường thật tệ hại", đã bị rò rỉ và nhanh chóng lan truyền trên mạng.

Vụ việc này ngay lập tức thu hút sự chú ý hơn cả những nội dung chính được thảo luận tại phiên họp quốc hội, như cuộc chiến chống đại dịch và lộ trình mở cửa trở lại.

Không rõ liệu những bình luận trên có phải của cùng một người hay không, nhưng Ngoại trưởng Balakrishnan hôm 15/9 cho biết ông đã gọi điện cho chính trị gia Leong Mun Wai, một trong hai đại diện của đảng Tiến bộ Singapore tại quốc hội, để xin lỗi vì "những bình luận riêng tư của tôi với một đồng nghiệp".

"Tôi không đồng tình với ông ấy về vấn đề tranh luận, nhưng lẽ ra tôi không nên nói điều tôi đã nói. Ông Leong đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi", Ngoại trưởng Balakrishnan viết trên Facebook.

Tranh cãi giữa hai cá nhân đã tạm khép lại, nhưng đối với nhiều người Singapore, vụ việc này phản ánh một thực tế rõ ràng của một xã hội coi trọng trường lớp, trong đó giá trị và năng lực của một người được đong đo bằng ngôi trường nơi họ theo học.

Một số người dùng mạng xã hội đã chia sẻ những câu chuyện rất khắc nghiệt về thực tế này như trong các cuộc họp mặt xã hội hoặc trong các cuộc phỏng vấn việc làm, họ luôn được hỏi về ngôi trường mà họ đã theo học, và câu trả lời đó sẽ được dùng làm căn cứ đánh giá kiến thức và năng lực lãnh đạo của họ.

Với những người khác, những lời trao đổi của Ngoại trưởng Singapore trái ngược hoàn toàn với khẳng định của đảng Hành động Nhân dân cầm quyền rằng, có nhiều con đường dẫn đến thành công và con đường học hành không phải là yếu tố quyết định tất cả.

Vòng tròn xã hội khép kín

RI được nhắc đến ở đây là Học viện Raffles, được thành lập vào năm 1823, là trường lâu đời nhất ở Singapore. Đây là nơi 20% thành viên nội các Singapore đã từng theo học. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của nước này cũng từng theo học ở đây.

RI là một tổ chức độc lập, cung cấp giáo dục trung học dành cho học sinh nam từ 13-18 tuổi. Một học viện tương tự dành cho nữ sinh, trường Raffles Girls'School (RGS), cũng nổi tiếng không kém. RI và RGS trong nhiều thập niên đã được xem là một trong những trường trung cấp hàng đầu châu Á và toàn cầu.

Để hạn chế sự cạnh tranh khốc liệt của những ngôi trường ưu tú, giới chức trách Singapore đã nhấn mạnh rằng "mọi trường học đều là ngôi trường tốt nhất" và đã thúc đẩy hòa nhập xã hội giữa các trường, đồng thời kêu gọi các tổ chức hàng đầu thu nhận nhiều sinh viên đến từ mọi tầng lớp.

Nhưng nhà xã hội học Tan Ern Ser cho biết, bất kể nỗ lực như thế nào, trường học ở Singapore vẫn tồn tại sự cạnh tranh đáng sợ.

Một nghiên cứu năm 2017 về xã hội của Viện Nghiên cứu Chính sách cho thấy, một học sinh ở một trường ưu tú có thể có quan hệ với những học sinh của các trường ưu tú và trường bình thường, nhưng một người đã theo học một trường bình thường thì hầu như không có bất kỳ mối quan hệ nào khác ngoài vòng tròn các trường học bình thường.

Các quan chức, bao gồm cả Thủ tướng Lý Hiển Long, từng bày tỏ lo ngại về xu hướng trên. Vào năm 2018, ông cho biết chính phủ đã nhận thức được những hệ quả của nó. "Chẳng bao lâu nữa nhóm ưu tú sẽ bắt đầu chỉ chăm lo cho lợi ích của chính họ, và không chăm sóc cho phần còn lại của xã hội", Thủ tướng Lý Hiển Long, người theo học trường Trung học Công giáo, một trong những trường trung học ưu tú ở nước này, nói.

Đây không phải là vấn nạn của chỉ riêng Singapore. "Chúng tôi cũng thấy điều này ở giới tinh hoa chính trị ở Anh", nhà xã hội học Laavanya Kathiravelu từ Đại học Công nghệ Nanyang cho biết. 20 trong số 55 thủ tướng của Anh đều theo học tại trường Eton College, một trường nội trú dành cho nam sinh ưu tú, trong khi ở Trung Quốc, trường Trung học Thực nghiệm trực thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh là một cơ sở giáo dục hàng đầu được con em các chính trị gia và doanh nhân ưu tú theo học.

Nhà xã hội học Tan cho biết, niềm tự hào về trường học và mạng lưới cựu sinh viên quyền lực giữa những sinh viên tốt nghiệp ưu tú đang dần hình thành xu hướng "vòng kết nối xã hội khép kín".

Đó có thể là lý do tại sao một số người dùng trên diễn đàn Reddit cho rằng các nhận xét của Ngoại trưởng Balakrishnan là do tâm lý cạnh tranh. Ông Leong Mun Wai, chính trị gia đối lập, tốt nghiệp RI năm 1977 và giành học bổng của chính phủ để du học Nhật Bản. Còn ông Balakrishnan đã theo học tại trường Trung Quốc-Anh, đối thủ số 1 của RI, trước khi học y khoa tại Đại học Quốc gia Singapore theo học bổng của Tổng thống.

Một người bình luận trên diễn đàn Reddit đã hỏi tại sao việc này lại là một vấn đề quan tâm đối với một người ở độ tuổi 60 tuổi như bộ trưởng. "Tôi không hiểu tại sao nhiều người lớn tuổi vẫn thảo luận về việc họ đã học trường cấp hai hay đại học ở trường nào. Mọi việc đã xảy ra 40 năm trước, đó không phải là một vấn đề lớn", người này viết.