1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tràn lan nạn ăn cắp kiến trúc phương Tây ở Trung Quốc

(Dân trí) - Vốn được biết đến từ lâu với khả năng làm nhái các hàng hóa của phương Tây, từ giày thể thao tới rượu sâm-panh, Trung Quốc giờ đây đang củng cố tiếng tăm nhái kiến trúc với Núi Rushmore (Mỹ), Tháp Eiffel (Pháp) và thậm chí toàn bộ một ngôi làng của Áo.

Trụ sở một thành phố ở tỉnh An Huy, Trung Quốc nhái kiến trúc của Nhà Trắng.

Trụ sở một thành phố ở tỉnh An Huy, Trung Quốc "nhái" kiến trúc của Nhà Trắng.
 
Các công trình sao chép có thể kỳ dị với người nước ngoài nhưng lại được nhiều người ở trong nước chấp nhận.

“Tôi nghĩ đó là một điều tốt. Tôi có thể nhìn thấy mọi thứ từ những nơi mà tôi chưa từng đến”, một người đàn ông họ Fu, 32 tuổi, cho biết khi đang ngồi trong một công viên ở Trùng Khánh, nơi có các bức tượng nhái bức tượng David nổi tiếng của Michelangelo, bức tượng Thinker của Roden hay tượng khuôn mặt 4 vị tổng thống Mỹ.

Ở một nơi khác tại thành phố thuộc tây nam Trung Quốc, những tòa nhà màu trắng uốn cong đang được hoàn thiện đã gây tranh cãi vì rất giống một công trình ở Bắc Kinh do ngôi sao kiến trúc người Anh Zaha Hadid thiết kế.

“Sao chép là điều mà Trung Quốc vẫn làm”, một thẩm phán về hưu cho biết khi bà đi ngang qua công trình. “Tôi nghĩ đó là điều tốt, chúng tôi có thể học hỏi kinh nghiệm từ những người khác”.

Nhưng giám đốc dự án tại Bắc Kinh của Zaha Hadid lại không đồng tình với quan điểm đó và gọi công ty xây dựng công trình ở Trùng Khánh là “kẻ cướp”.

Khuynh hướng sao chép kiến trúc phương Tây đã nở rộ cùng với sự bùng nổ của thị trường bất động sản Trung Quốc trong những thập niên gần đây, đặc biệt là các công trình thể hiện danh tiếng và sự thành công, Bianca Bosker, tác giả một cuốn sách viết về nạn sao chép kiến trúc tại Trung Quốc, nhận định.
 
Tháp Eiffel bị sao chép tại Trung Quốc.
Tháp Eiffel bị sao chép tại Trung Quốc.
 
Trong số các ví dụ điển hình về nạn sao chép kiến trúc tại Trung Quốc có bản sao làng Hallstatt - một ngôi làng tuyệt đẹp ở Áo và được UNESCO công nhận là di sản thế giới - tại tỉnh Quảng Đông mà thậm chí hãng thông tấn chính thức Xinhua còn gọi là “một ví dụ điển hình cho văn hóa ăn cắp của Trung Quốc”.

Hàng loạt công trình nổi tiếng của Pháp cũng bị sao chép như tháp Eiffel tại thủ đô Paris, một đài phun nước tại lâu đài Versailles ở Paris, và cả một ngôi làng của Pháp.

Tỉnh Hà Bắc có bản sao tượng Sphinx, trong khi ngoại ô Thượng Hải có một khu đô thị mang tên Thames Town nhái phong cách của Anh.

Các công trình sao chép thường bị nhạo báng, nhưng bà Bosker cho hay các phiên bản nhái như vậy được xem là cách để chứng tỏ uy tín.

“Tại Mỹ, chúng ta coi những người đi sao chép là kẻ ăn cắp. Nhưng tại Trung Quốc, những người sao chép lại được nhìn nhận với ánh mắt rộng lượng hơn - sao chép cũng có thể là một kỹ năng và nó được xem là giải pháp thực tế cho một vấn đề”, bà Bosker nói.

“Các hãng xây dựng muốn một cách nào đó để thể hiện khả năng của họ và các chủ nhà muốn một cách nào đó để chứng tỏ lối sống và tiềm lực kinh tế.

“Một trong những cách thức đơn giản nhất là sao chép các công trình vốn đã trở nên nổi tiếng”, bà Bosker nói, nhắc tới cung điện Versailles, Venice hay Nhà Trắng là các mô hình quen thuộc.

Tâm lý thực dụng cũng thúc đẩy việc sản xuất hàng loạt các sản phẩm nhái, trong đó có túi xách Ý, đồng hồ Thụy Sĩ, rượu Pháp, các bộ phim Hollywood, điện thoại iPhones…

Tại Dafen, một thị trấn đang phát triển thuộc thành phố Thâm Quyến gần Hồng Kông, các nghệ sĩ sao chép hàng loạt kiệt tác hội họa của những họa sĩ nổi tiếng thế giới, từ Vincent van Gogh đến Jackson Pollock.

Còn đâu niềm tự hào dân tộc?

Trung Quốc cũng có hẳn bản sao một ngôi làng di sản của Áo.
Trung Quốc cũng có hẳn bản sao một ngôi làng di sản của Áo.
 
“Hàng nhái cho phép người Trung Quốc có được thứ mà họ không có đủ tiền để mua”, một thanh niên Trung Quốc cho biết khi đi dạo tại một công viên giải trí ở Trùng Khánh.

“Xét về khía cạnh tôn trọng sự sáng tạo của người khác thì điều đó là không hay. Nhưng đối với một Trung Quốc vẫn đang phát triển, hành động đó trong một khoảng thời gian nhất định thì vẫn có ích”.

“Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc đủ phát triển, sẽ không có thị trường cho các hàng hóa nhái nữa”, người thanh niên trên cho biết.

Dù vậy, sự sao chép tràn lan đã gây ra những câu hỏi về niềm tự hào dân tộc tại một đất nước vốn vẫn tự nhận là giàu truyền thống lịch sử và giờ đây đang vươn tới vị thế toàn cầu.

Hồi tháng 3, ông Chen Yulu, Hiệu trưởng Đại học Renmin, đã hối thúc người dân Trung Quốc “hạn chế sao chép phong cách kiến trúc châu Âu và nỗ lực thúc đẩy văn hóa bản địa”.

Tại một công viên ở Trùng Khánh, một thanh niên họ Mao trong độ tuổi 20 bao biện rằng việc sao chép xảy ra ở bất kỳ đâu. “Nếu mọi người có điều gì hay, chúng ta sẽ học theo. Đây là điều mà tất cả các quốc gia, các xã hội đều làm chứ không riêng gì Trung Quốc’.

Nhưng một phụ nữ 27 tuổi họ Huang nói người Trung Quốc nên giữ lấy di sản của riêng mình.
 
“Có vẻ như người Trung Quốc luôn có quan điểm rằng bất kỳ thứ gì đó của nước ngoài cũng tốt. Bất kỳ thứ gì viết bằng tiếng Anh, không cần biết họ có đọc được hay không, cũng là tốt”.

“Trung Quốc không thua kém bất kỳ ai, nhưng không ai thực sự quan tâm nhiều tới lịch sử của Trung Quốc”, Huang nói.

An Bình
Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm