1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tổng thư ký NATO kêu gọi nâng cấp quân đội để "đối" Nga

(Dân trí) - Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã kêu gọi các đồng minh hiện đại hóa các lực lượng vũ trang nhằm đối phó với Nga.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen.

Trong một bài viết gửi tờ Telegraph của Anh, ông Rasmussen đã kêu gọi Anh và các đồng minh NATO chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng trong bối cảnh Nga đang cố gắng "chia rẽ" châu Âu.

"Tất cả các đồng minh cần đầu tư mọi nguồn lực cần thiết vào các khả năng đúng đắn", ông Rasmussen viết. "Điều đó có nghĩa là cần các trang thiết bị hiện đại, huấn luyện cao độ cho các lực lượng của chúng ta và sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các đồng minh NATO và các đối tác của chúng ta. Tôi biết đây là vấn đề thách thức trong hoàn cảnh kinh tế hiện thời, nhưng bối cảnh an ninh đang khiến điều đó trở nên rất quan trọng".

"Về lâu dài, sự thiếu an ninh có thể tốn kém hơn là đầu như ngay bây giờ, và chúng ta có nghĩa vụ phải làm điều đó đối với các lực lượng và rộng hơn là cả khu vực của chúng ta", ông Rasmussen viết.

Gánh nặng chi tiêu của 28 thành viên NATO ngày càng đổ vào một quốc gia là Mỹ. Năm ngoái, Mỹ chiếm 72% trong chi tiêu quốc phòng của NATO, tăng so với mức 59% của năm 1995.

Điều này phản ánh các khoản cắt giảm trong ngân sách quân sự trên khắp châu Âu. Trong số 25 thành viên của NATO tại châu Âu, chỉ có Anh, Hy Lạp, Estonia đáp ứng mục tiêu chi ít nhất 2% tổng thu nhập quốc gia cho ngân sách quốc phòng trong năm ngoái. Con số trung bình chỉ là 1,3%. Trong khi đó, Mỹ chi 4,4% thu nhập quốc gia cho quốc phòng.

Các quan chức quân đội cấp cao đã nhiều lần cảnh báo về ảnh hưởng từ các khoản cắt giảm quốc phòng của Anh. Ông Lord Dannatt, một cựu chỉ huy quân đội, đã hối thúc chính phủ Anh duy trì 3.000 quân Anh tại Đức để đối phó với việc Nga sáp nhập Crimea.
 
Các phương tiện bọc thép của Nga tại Crimea.

Các phương tiện bọc thép của Nga tại Crimea.

Đối phó với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, NATO đã triển khai các máy bay chiến đấu để bảo vệ 3 thành viên có nguy cơ bị đe dọa nhất là Estonia, Latvia và Lithuania, tất cả đều có biên giới với Nga. Ngoài ra, các máy bay cảnh báo sớm cũng được điều động để tuần tra bầu trời Ba Lan và Romania.

Tuy nhiên, Ba Lan muốn triển khai lâu dài các lực lượng NATO trên lãnh thổ nước này khi chính thức yêu cầu 2 lữ đoàn bộ binh bọc thép gồm 10.000 binh sĩ. Chưa rõ liệu yêu cầu này có được chấp thuận hay không.

Ông Rasmussen viết: "Phương châm của chúng tôi không thay đổi: tất cả vì một người, một người vì mọi người. Sự đoàn kết là sức mạnh của chúng ta".

Tổng thư ký NATO cũng lên tiếng chỉ trích Nga về các hành động tại Ukraine. "Chúng tôi sẵn sàng thực hiện các bước đi tiếp theo, trong đó có các kế hoạch phòng thủ hiện đại hóa, tăng cường huấn luyện và diễn tập và các cuộc triển khai phù hợp".

Theo ông Rasmussen, việc Nga sáp nhập Crimea cho thấy Kremlin "đang cố gắng quay ngược thời gian và chia rẽ châu Âu thành các khu vực ảnh hưởng mới". "Chúng ta phải bênh vực cho các giá trị, mà dựa vào đó chúng ta xây dựng một châu Âu mới và tốt đẹp hơn, và vì các quy tắc quốc tế giúp thúc đẩy sự thịnh vượng", ông viết.

Ông Rasmussen, một cựu thủ tướng Đan Mạch, đã trở thành tổng thư ký của NATO vào năm 2009. Khi được thành lập vào giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh vào năm 1949, NATO có 12 thành viên. Sau 2 thập niên mở rộng, NATO giờ đây bao gồm 28 quốc gia thành viên.

Nga luôn xem sự mở rộng của NATO tới các quốc gia vốn là những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là mối đe dọa an ninh đối với nước này.

An Bình
Theo Telegraph

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm